tính không tướng không

Phật Quang Đại Từ Điển

(性空相空) Cũng gọi Tính tướng nhị không. Phật giáo chủ trương các pháp là Không, nói về thể tính của các pháp thì gọi là Tính không; còn bàn đến tướng trạng các pháp thì gọi là Tướng không. Về vấn đề này cũng có nhiều thuyết khác nhau. 1. Luận Đại trí độ quyển 31 liệt kê Tướng không. Tính không nghĩa là khi tính của các pháp chưa sinh thì không có; còn lúc gặp các duyên hòa hợp thì sinh khởi các pháp, nếu không có các duyên thì cũng không có tính. Như nước, do lửa đốt nấu mà sinh ra tính nóng, khi lửa tắt thì tính nóng cũng mất. Tướng không tức tướng chung, tướng riêng của các pháp(các tướng vô thường, khổ, không,…là tướng chung, tướng nóng của lửa, tướng ướt của nước,… là tướng riêng) đều là không. 2. Theo sự giải thích trong luận Thậpbát khôngdo ngài Chân đế dịch thì tính không nghĩa là Phật tính tức không. Phật tính là tự tính của các pháp, là tính chân thực, là tự tính niết bàn vắng lặng, vô thể, vô tướng, vô sinh, vô diệt. Còn Tướng không nghĩa làHóa thân chẳng phải sinh tử, chẳng phải Niết bàn, cho nên không có tướng sinh tử hư vọng, cũng không có tướng Niết bànchân thực. 3. Theo tông Thiên thai, khi thực hành pháp quán Nhất không(Thực tướng của pháp tính), nếu y cứ vào hành tướng phá chấp khác nhau mà phân biệt thì có thể chia pháp không(đối tượng để quán xét)ra làm Tính không và Tướng không. Về Tính không thì dùng 4 câu Chẳng tự sinh, chẳng do cái khác sinh, chẳng cộng sinh, chẳng phải không nhân sinh để suy nghiệm các pháp, phá trừ vọng chấp Có, đồng thời tiến hành quán xét Các pháp tính không. Về Tướng không thì khi sự chấp tính đã bị phá, lại trừ bỏ luôn cả cái tướng tên giả của Tính, làm cho nó cũng không. Vì thế nên biết hễ tu quán pháp Không thì sẽ phá bỏ được vọng chấp Tính, Tướng. 4. Theo Hành sự sao tư trì kí quyển 28, Tính không là lí Không vô ngã do hàng Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác phân tích thể tính của các pháp mà hiển bày. Tướng không là lí Không vô tướng do hàng Tiểu Bồ tát không qua phân tích mà trực tiếp y cứ vào bản tướng của các pháp để hiển bày. [X. Kim quang minh kinh văn cú kí Q.6 hạ; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.3, phần 3].