tính khởi

Phật Quang Đại Từ Điển

(性起) Đối lại: Duyên khởi. Tính khởi nghĩa là từ nơi Tính mà sinh khởi, cũng tức là từ cảnh giới của Phật quả mà nói về sự hiện khởi của các pháp, là 1 trong các giáo nghĩa của tông Hoa nghiêm. Cứ theo phẩm Bảo vương Như lai tính khởi trong Hoa nghiêm, Tính khởi thuộc về quả, là pháp môn của đức Phật Lô xá na. Tất cả pháp tùy thuận bản tính chân thực của chúng mà hiển hiện, đồng thời có năng lực tùy theo căn cơ của chúng sinh mà sinh khởi tác dụng, đó là Tính khởi. Như trong Hoa nghiêm khổng mục chương quyển 4, ngài Trí nghiễm nói rằng: Bản thể (Tính)của giác ngộ vốn đã sẵn có trong tâm chúng sinh và hiển hiện (khởi)ở hiện tại.Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 16 của ngài Pháp tạng chia ra 2 cách giải thích là Nhân và Pháp. 1. Từ bản tính bất biến của Phật hiển hiện ra tác dụng giáo hóa, là Tính khởi của Như Lai (Nhân). 2. Từ bản thân chân lí khởi tác dụng, tức Như lai là Tính khởi (Pháp). Trong sách này còn nêu 3 nghĩa Lí, Hành, Quả. 1. Lí tính khởi: Bản tính (lí tính) của vạn hữu xưa nay vốn chân thực, nương vào trí mà hiển hiện. 2. Hành tính khởi: Nghe giáo pháp mà khởi phát tu hành, tiến đến thành quả. 3. Quả tính khởi: Hoàn thành Phật quả và khởi tác dụng giáo hóa. Nói cách khác, nếu bàn theo quả Phật thì muôn pháp trong vũ trụ là Quả thể của Tính khởi, còn Lí, Hành là Khởi dụng của Tính khởi. (xt. Duyên Khởi).