tính già nhị tội

Phật Quang Đại Từ Điển

(性遮二罪) Chỉ cho Tính tội và Già tội. Tính tội cũng gọi là Tự tính tội, Tính trọng, Thực tội, là tội lỗi của tự tính không đợi Phật cấm chế, mà tự tính của nó chính đã là ác rồi, nếu phạm thì sẽ có tội báo. Già tội cũng gọi Chế tội, Già chế. Nghĩa là vì tránh sự chê cười của người đời, nên đức Phật đã tùy thời gian, nơi chốn, tình huống mà chế định giới cấm để ngăn chặn (già)không cho sai phạm, giữ gìn các giới khác, nếu phạm thì bị tội già chế. Luận Luật nhị thập nhị minh liễu (Đại 24, 667 thượng) nói: Học xứ do đức Phật lập ra có 3 loại là Tính tội, Chế tội và Nhị tội. Trong đó, về Tính tội, nếu là nghiệp thuộc thân, khẩu, ý thì do Tùy hoặc và hoặc Đẳng lưu mà phạm, lại trong sự phạm lỗi này, nếu do cố ý thì nghiệp nhiễm ô tăng trưởng và tương tục lưu chuyển với tội câu hữu ấy, đó là Tính tội. Khác với 3 nhân phạm này thì do không phân biệt rõ giới, hoặc do mất chính niệm, hoặc do vô ý phạm lỗi. Trong đó, nếu không có Tùy hoặc và hoặc Đẳng lưu, cũng không có niệm niệm tăng trưởng thì đó là Chế tội. Nếu có đủ cả 2 tướng thì gọi là Chế tính nhị tội. Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 1, kinh Niết bàn quyển 11 (bản Bắc), kinh Chính pháp niệm xứ quyển 59, luận Đại tì bà sa quyển 123 và luận Câu xá quyển 14 đều cho rằng 4 Ba la di Sát, Đạo, Dâm, Vọng là Tính tội; phẩm Thập thiện đạo trong luận Thành thực quyển 9 thì cho rằng 10 điều ác: Sát, Đạo, Dâm, Vọng, Ác khẩu, Lưỡng thiệt, Ỷ ngữ, Tham, Sân, Tà kiến là Tính tội. Đại thừa nghĩa chương quyển 10 thì cho rằng 7 điều trước trong 10 điều ác là Tính tội; Ma ha chỉ quán quyển 4 thượng cho rằng thêm điều uống rượu vào 7 điều trước trong 10 điều ác, gọi là Tính tội.Ngoài các tội thuộc về Tính tội, còn lại đều thuộc Già tội, tức chỉ cho các tội Đột cát la…Kinh Niết bàn quyển 11 (bản Bắc), Bồ tát giới bản (Đàm vô sấm), kinh Bồ tát địa trì quyển 5, kinh Ưu bà tắc ngũ giới uy nghi, kinh Phạm võng quyển hạ… đều gọi Già tội là Khinh tội hoặc Khinh cấu tội. Còn về tội uống rượu thì các luận đều gọi là Già tội, chỉ có luận Câu xá quyển 14 thì cho là Tính tội. [X. luận Du già sư địa Q.99; luận Thuận chính lí Q.38; kinh Ưu bà tắc giới Q.6; luận Nhiếp đại thừa Q. hạ (bản dịch đời Lương)].