Tịnh Độ Pháp Môn Thuyết Yếu (Giảng những điều trọng yếu trong pháp môn Tịnh Độ)

(Vương Cầu Thị và Cung Vân Bá ghi)

Nguyên thủy, bản tánh của chúng sanh và Phật vốn không hai, không khác; chỉ vì chúng sanh chẳng giữ gìn tự tánh, bị trần lao làm bẩn, tập khí ô nhiễm ngăn lấp đến nỗi mê – ngộ thật khác, chúng sanh và Phật khác biệt thật xa! Chỉ vì chúng sanh mê có cạn – sâu, căn tánh có lớn – nhỏ, nên đức Như Lai bèn tùy thuận căn cơ để lập giáo, dựa theo căn bệnh để ban thuốc, vì Thật lập Quyền, khai Quyền hiển Thật. Nơi pháp Nhất Thừa nói đủ mọi lẽ khiến cho kẻ thiện căn chín muồi sẽ lên thẳng bờ giác, kẻ ác duyên sâu nặng sẽ dần dần thoát khỏi trần lao. Do vậy, trong bốn mươi chín năm, tùy theo chủng tánh mà lập ra các giáo pháp Đại, Tiểu, Tiệm, Đốn, Bán, Mãn nhằm giáo hóa.

Các pháp môn thuộc Tông, thuộc Giáo phần nhiều cậy vào tự lực. Dẫu cho túc căn sâu dầy, triệt ngộ tự tâm, nhưng nếu Kiến Hoặc và Tư Hoặc còn có chút nào chưa sạch hết thì vẫn luân hồi trong sanh tử y như cũ, không thể thoát ra. Huống chi đã thọ Thai Ấm[1], vừa chạm cảnh liền sanh mê, kẻ từ giác đến giác ít ỏi, người từ mê vào mê đông đảo! Bậc thượng căn còn như thế, hạng trung – hạ cần chi phải nói nữa! Liễu thoát sanh tử thật chẳng dễ dàng! Chỉ có pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chuyên cậy vào nguyện lực của Phật Di Đà, bất luận thiện căn chín muồi hay chưa, ác nghiệp nặng hay nhẹ, thậm chí Ngũ Nghịch, Thập Ác, chỉ cần sanh lòng tin phát nguyện, trì danh hiệu Phật, khi lâm chung chắc chắn được đức Di Đà tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Độ. Cố nhiên, kẻ thiện căn chín muồi sẽ mau chóng viên mãn Phật quả; ngay cả kẻ ác nghiệp sâu nặng cũng may mắn được dự vào dòng thánh. So với những kẻ cậy vào tự lực thì sự khó – dễ, được – mất trong đấy chẳng cần phải rườm lời giải thích nữa! Vì thế, pháp môn Tịnh Độ này chính là đạo trọng yếu để tam thế chư Phật độ sanh, là diệu pháp để thượng thánh hạ phàm cùng tu. Các kinh Đại Thừa đều phát khởi lẽ trọng yếu này, lịch đại tổ sư không vị nào chẳng tuân hành.

Cũng có những kẻ do thấy pháp môn Tịnh Độ hết sức đơn giản, hết sức dễ dàng, dẫu là ngu phu ngu phụ cũng tu được, bèn coi thường Tịnh Độ, chẳng biết một môn Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn, nhiếp trọn mười giới! Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử sau khi đã chứng bằng với chư Phật, Phổ Hiền Bồ Tát bèn dùng mười đại nguyện vương để khuyến tấn, khích lệ Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới nhằm mong viên mãn Phật quả. Như Thiện Tài đã đạt đến địa vị Đẳng Giác, Hoa Tạng hải chúng không có vị nào là phàm phu, Nhị Thừa, toàn là những người thuộc bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, phá vô minh, chứng Tam Đức, mà vẫn phải hồi tâm niệm Phật, nguyện vãng sanh Tây Phương! Hơn nữa, trong Hoa Tạng Hải có vô lượng Tịnh Độ, nhưng cần phải hồi hướng Tây Phương; đủ biết vãng sanh Cực Lạc chính là cửa ngõ nhiệm mầu để xuất thế, là đường tắt để thành Phật.

Hơn nữa, Vĩnh Minh thiền sư nhằm dạy cho người tu hành đường lối trọng yếu đích xác, đã lập ra bốn bài kệ Liệu Giản[2]:

1) Có Thiền có Tịnh Độ,

          Ví như cọp đội sừng,

          Đời này làm thầy người,

          Đời sau làm Phật, Tổ.

 

          2) Không Thiền, có Tịnh Độ,

          Vạn tu, vạn người về,

          Nếu được thấy Di Đà,

          Lo chi không khai ngộ.

 

          3) Có Thiền, không Tịnh Độ,

          Mười kẻ, chín chần chừ,

          Ấm cảnh nếu hiện tiền,

          Chớp mắt đi theo nó.

 

          4) Không Thiền, không Tịnh Độ,

          Giường sắt với cột đồng,

          Vạn kiếp lẫn ngàn đời,

          Không có người nương tựa.

 Bốn bài Liệu Giản này của ngài Vĩnh Minh chính là cương tông của Đại Tạng, là khuôn phép để tu trì. Trước hết cần phải hiểu đích xác thế nào là Thiền, thế nào là Tịnh, thế nào là Có, thế nào là Không, rồi mới theo văn mà phân tích, sẽ biết mỗi một chữ đều đích đáng, không thể thay đổi một chữ nào được!

Thiền chính là Chân Như Phật Tánh chúng ta vốn sẵn có, tức bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra, tức “linh tri ly niệm, không Năng, không Sở, vừa Tịch, vừa Chiếu”, tức cái được gọi là “thuần chân tâm thể”. Tịnh Độ chính là tín nguyện trì danh, cầu sanh Tây Phương (chứ không phải chỉ riêng cho “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”). “Có Thiền” là tham cứu cực lực đến mức “niệm tịch, tình vong”, thấy thấu triệt bản lai diện mục, minh tâm kiến tánh. “Có Tịnh Độ” là chân thật phát tâm, sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Thiền và Tịnh Độ là ước theo Giáo, ước theo Lý. “Có Thiền, có Tịnh Độ” là ước theo căn cơ, ước theo tu. Một đằng là Lý, một đằng là Sự. Lý tuy là như thế, nhưng phải cần theo đúng Lý để khởi Hạnh, Hạnh phải đạt đến cùng cực nhằm chứng Lý, chính mình phải chuyên gắng nhằm thật sự đạt được. Nếu tham Thiền chưa ngộ, hoặc ngộ chưa triệt để, đều chẳng thể gọi là “có Thiền”. Nếu niệm Phật nhưng không có tín nguyện, hoặc có tín nguyện nhưng không chân thật, thiết tha, chỉ hờ hững, hời hợt, lằng nhằng cho xong chuyện, hoặc hạnh tuy tinh tấn nhưng nhân địa chẳng thật, tâm lưu luyến trần cảnh, cho đến cầu phú quý trong đời sau, cầu sanh lên cõi trời hưởng lạc đều chẳng thể gọi là “có Tịnh”!

1) Có Thiền có Tịnh Độ,

          Ví như cọp đội sừng,

          Đời này làm thầy người,

          Đời sau làm Phật, Tổ.

 Người ấy đã triệt ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, lại còn thâm nhập kinh tạng, biết cặn kẽ pháp môn Quyền – Thật của đức Như Lai, nhưng trong các pháp chỉ chọn một pháp tín nguyện niệm Phật, tự lợi, lợi tha. Người ấy có đại trí huệ, đại biện tài, tà ma, ngoại đạo nghe danh vỡ mật, như cọp lại đội sừng. Có ai đến cầu học sẽ tùy cơ thuyết pháp, nên dùng Thiền Tịnh Song Tu để tiếp độ bèn dùng Thiền Tịnh Song Tu để tiếp độ. Nên dùng “chuyên tu Tịnh Độ” để tiếp độ bèn dùng “chuyên tu Tịnh Độ” để tiếp độ. Bất luận thượng – trung – hạ căn không một ai chẳng được thấm nhuần ân trạch ấy, há chẳng phải là “nhân thiên đạo sư” ư? Đến khi lâm chung, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Thượng Phẩm, trong khoảng khảy ngón tay, hoa nở thấy Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn, dẫu địa vị thấp nhất cũng là chứng được bậc Sơ Trụ trong Viên giáo, có thể hiện thân làm Phật trong một trăm thế giới, nên bảo là “đời sau làm Phật, Tổ”.

          2) Không Thiền, có Tịnh Độ,

          Vạn tu, vạn người về,

Nếu được thấy Di Đà,

          Lo chi không khai ngộ?

Người ấy tuy chưa minh tâm kiến tánh, nhưng quyết chí nơi Tịnh Độ, cầu sanh Tây Phương, chí thành niệm Phật, cảm ứng đạo giao, chắc chắn được Phật nhiếp thọ. Kẻ tận lực tu tập cố nhiên được vãng sanh. Ngay như kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác khi lâm chung mười niệm cũng đều được Hóa Thân của đức Phật đến tiếp dẫn, chẳng phải là “vạn tu, vạn người về” hay sao? Đã sanh về Tây Phương, thấy Phật, nghe pháp, tuy có nhanh hay chậm, nhưng đã cao dự dòng thánh, rốt ráo chẳng thoái chuyển, dần dần chứng thánh quả thì sự khai ngộ cần gì phải nói đến nữa? Vì thế, bảo là: “Nếu được thấy Di Đà, lo chi không khai ngộ?”

3) Có Thiền, không Tịnh Độ,

          Mười kẻ, chín chần chừ,

          Ấm cảnh nếu hiện tiền,

          Chớp mắt đi theo nó.

 Người ấy tuy biết đại lược về tâm tánh, nhưng Kiến Hoặc, Tư Hoặc chưa đoạn hết, cần phải giồi mài cho hết sạch, chẳng còn sót chút nào thì mới có thể thoát lìa sanh tử. Nếu còn mảy may chưa hết, sẽ vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, khó trốn tránh được! Biển sanh tử sâu thẳm, đường Bồ Đề xa vời, nếu liền mạng chung, nẻo về sẽ chẳng thể lường được! Trong mười người, hết chín người là như thế. Vì vậy nói: “Thập nhân, cửu tha lộ” (Mười kẻ, chín chần chừ trên đường). Tha (蹉) là “tha đà” (蹉 跎), tức là như thế tục thường nói là “chần chừ”. “Ấm cảnh” tức là cảnh nơi Trung Ấm thân[3], chính là những cảnh hiện ra khi lâm chung bởi sức của thiện nghiệp hay ác nghiệp [đã tạo] trong đời này và bao kiếp. Trong khoảng chớp mắt sẽ theo nghiệp lực đi thọ sanh ngay, chẳng thể làm chủ được mảy may nào! Như người mang nợ, chủ nợ nào mạnh sẽ lôi đi trước; tâm tình lắm mối, hễ thiên trọng nơi nào sẽ đọa vào nơi đó. Vì thế nói: Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”.

4) Không Thiền, không Tịnh Độ,

          Giường sắt với cột đồng,

          Vạn kiếp lẫn ngàn đời,

          Không có người nương tựa.

 Người ấy đã chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu sanh Tịnh Độ, vẫn hời hợt, hờ hững tu các pháp môn khác (chứ không phải là nói về kẻ vùi đầu tạo ác, chẳng tu hành), đã chẳng thể giữ cho Định – Huệ được cân bằng nhằm đoạn Hoặc, chứng Chân; lại chẳng biết cậy vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh, dùng công đức tu trì suốt cả một đời để cảm phước báo trời người trong đời sau. Trong đời này đã không có chánh trí, đời sau sẽ bị phước báo chuyển, hưởng phước càng lớn, ác nghiệp càng nhiều. Đã tạo ác nghiệp, khó tránh khỏi quả báo. Hễ một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ đọa địa ngục, đền trả nợ cũ, nên nói là “giường sắt với cột đồng”. Kẻ tạo nghiệp như thế ví như kẻ mù chẳng thấy được mặt trời, tuy chư Phật, Bồ Tát rủ lòng từ bi nhưng do kẻ ấy bị ác nghiệp ngăn chướng, chẳng thể hưởng lợi ích, bao kiếp thọ khổ. Vì thế nói: “Không có người nương tựa”.

Phàm hết thảy các pháp môn đều chuyên cậy vào tự lực, chỉ có pháp môn Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực. Trong hết thảy pháp môn, hết sạch Hoặc nghiệp rồi mới có thể liễu sanh tử; còn pháp môn Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh liền dự vào dòng thánh. Hơn nữa, khi đức Phật tại thế, sắc lực và tâm nghiệp của chúng sanh thù thắng, dẫu nương cậy tự lực vẫn chứng đạo. Nay đang nhằm thời Mạt, căn hèn, chướng nặng, tri thức hiếm hoi, nếu bỏ Tịnh Độ thì không có cách gì giải thoát được! Vĩnh Minh thiền sư sợ cõi đời không biết nên đặc biệt viết ra Liệu Giản này để dạy đời sau. Thật đúng là bè báu trong bến mê, là đèn sáng nơi ngõ tối.

Tu trì pháp môn Tịnh Độ niệm Phật, hãy nên lấy Tín – Nguyện – Hạnh làm tông. Tín là dốc lòng tin tưởng Phật lực. Trong khi tu nhân, Di Đà Như Lai đã phát ra bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng độ sanh, trong ấy có nguyện “[người nào] niệm danh hiệu ta mà chẳng sanh về nước ta, thề chẳng thành Phật”. Hiện tại, do Ngài đã nhân viên, quả mãn, nay ta niệm Phật ắt sẽ được vãng sanh. Kế đấy, tin vào Phật lực từ bi nhiếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con nhớ mẹ giống như mẹ nhớ con, chắc chắn sẽ được tiếp dẫn. Tiếp đó, tin tưởng pháp môn Tịnh Độ như trong bài Tứ Liệu Giản của Vĩnh Minh thiền sư đã nói so với các pháp khác, sự lớn – nhỏ, khó – dễ, được – mất, sai biệt vời vợt. Dẫu có những vị thầy khác xưng tán những pháp khác cũng chẳng lay động được ta. Thậm chí chư Phật hiện ra trước mặt khuyên lơn, an ủi, bảo tu các pháp môn khác cũng chẳng thoái chuyển. Đấy mới thật sự gọi là Tín vậy! Nguyện là nguyện trong đời này thề vãng sanh Tây Phương, chẳng cần phải nhiều đời tu tập ngoi lên, hụp xuống trong uế độ, từ mê vào mê nữa! Lại nguyện hễ được vãng sanh Tây Phương rồi sẽ trở lại Sa Bà độ thoát hết thảy chúng sanh. Hạnh là chân thật nương theo lời dạy để khởi Hạnh.

Trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông [của kinh Lăng Nghiêm] có câu: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Do vậy biết pháp Niệm Phật phải nên nhiếp trọn sáu căn. Trước khi nhiếp trọn sáu căn thì trước hết phải nhiếp được hai hay ba căn. Hai hay ba căn là gì? Chính là tai, miệng, tâm vậy. Miệng niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật sao cho từng câu từng chữ rõ ràng, rành mạch, trong tâm niệm cho rõ ràng rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Hễ có chỗ nào hơi không phân minh thì đấy chính là không chân thật, thiết tha, có vọng tưởng [xen tạp] (Chỉ niệm mà không nghe thì dễ sanh vọng tưởng). Niệm Phật cố nhiên phải sao cho từng câu từng chữ phân minh, chẳng để sự suy nghĩ xen vào.

Ngoài ra, xem kinh cũng giống như thế, đừng một mặt vừa xem, một mặt lại phân biệt; [nếu không], sẽ được lợi ích ít ỏi, tình tưởng sẽ nhiều. Xưa kia có người chép kinh do chí thành chép kinh, chuyên tâm nhất ý, chỉ chú tâm chép kinh, không có tình kiến gì, đến khi trời đã tối, vẫn cứ viết chép không ngừng. Chợt có người bảo: “Trời đã tối rồi, sao còn chép kinh được?” Lúc ấy, người chép kinh tình niệm vừa động, chẳng thể viết được nữa. Ôi! Phân biệt sáng – tối chính là vọng kiến của chúng sanh, là phàm tình của chúng sanh vậy! Vì thế, đang trong lúc chuyên tâm nhất ý, vọng tận, tình không, chỉ biết chép kinh, chẳng biết trời đã tối, cũng chẳng biết hễ trời đã tối sẽ không có ánh sáng nên không thể chép kinh được nữa! Tới khi có người nhắc nhở, khuấy động, do vô minh động nên tình tưởng bèn chia ra. Vọng niệm vừa động, ngay lập tức, sáng sủa và tối tăm liền tách bạch nên chẳng thể chép kinh được nữa. Do vậy, biết rằng đầu mối của đạo dụng công là chuyên nhiếp, chẳng quan tâm đến tình tưởng. Nếu đã không có suy tưởng thì đâu có tà kiến nữa! Tà kiến đã không còn, đấy chính là chánh trí!

Hơn nữa, người tu Tịnh Độ hãy nên đề xướng nhân quả. Đối với người thượng trí, cố nhiên biết cội gốc nằm nơi luân thường, hiểu rõ những gì nên làm và không nên làm. Đối với kẻ trung – hạ, nếu chẳng nói tới nhân quả, giải thích tách bạch tường tận, nêu bày rõ rệt sự tích nhân quả báo ứng, làm sao họ sẽ dè dặt nơi hành vi, bó buộc thân tâm cho được? Vì thế, nhân quả là cửa ngõ ban đầu để nhập đạo, nhưng tin tưởng chuyên dốc nơi nhân quả cũng chẳng phải là dễ! Bậc Sơ Quả trong Tiểu Thừa, bậc Sơ Địa trong Đại Thừa chính là những vị thật sự có thể chuyên dốc tin tưởng nhân quả vậy. Từ bậc Sơ Địa trở xuống, từ bậc Sơ Quả đổ lại, hễ gặp duyên trái nghịch giết – trộm – dâm – dối sẽ không thể giữ gìn được, sẽ thuận theo đó mà khởi Hoặc tạo nghiệp.

Nhưng kẻ thông minh vẫn xem nhẹ nhân quả, cho rằng nhân quả bất quá chỉ để nói với kẻ căn cơ trung – hạ, chẳng biết rằng: Hễ chỉ hiểu ý nghĩa của nhân quả một cách thô thiển thì chẳng đáng gọi là Tín! Tuy biết nhưng chẳng tận tụy vâng hành thì cũng chẳng đáng gọi là Tín. Chỉ có bậc thánh nhân thuộc Sơ Quả, Sơ Địa, hay Dự Lưu mới có thể “chẳng còn phải mang thân sau”. Hễ chẳng còn phải mang thân sau thì chẳng còn là kẻ bị chi phối bởi Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, nên đáng gọi là “có lòng tin chuyên dốc”. Vì thế, ngài Mộng Đông nói: “Kẻ khéo bàn về tâm tánh ắt chẳng bỏ lìa nhân quả, nhưng kẻ tin sâu nhân quả rốt cuộc ắt sẽ hiểu tâm tánh thật rõ rệt”. Đấy chính là nguyên do vì sao trong thế gian người niệm Phật đông đảo mà bậc thật sự liễu sanh tử lại hiếm hoi!

Chỉ vì người niệm Phật không có lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha, chỉ cầu phước báo, mơ tưởng phú quý trong đời sau. Chẳng biết rằng hễ mơ tưởng đời sau được phú quý thì cũng ví như ngửa mặt bắn tên lên trời, hễ tên bay hết sức sẽ lại rơi xuống, chẳng những vô ích mà còn bị tổn hại. Dẫu cho đời này niệm Phật cảm được phước báo trời người, có phước báo nhưng không có chánh trí. Do có phước báo nên có quyền thế, địa vị, phú quý, nhưng do không có chánh trí nên ngu si, chẳng tin nhân quả. Phàm những kẻ chẳng tin nhân quả lại có địa vị, quyền thế, phú quý thì sẽ như hổ thêm cánh, càng thêm tàn ác! Vì thế, phước báo càng lớn, tạo nên oan nghiệt càng nhiều. Đã tạo ác nghiệp, sẽ phải chịu ác báo. Đấy gọi là “tam thế oán thân” (kẻ oán, người thân trong ba đời).

Vì vậy, người niệm Phật trọn chớ nên có lòng cầu phước báo, hãy nên lấy “mạnh mẽ tiến thẳng lên trước nhằm vãng sanh Tây Phương” làm pháp mầu nhiệm để liễu sanh thoát tử. Do vậy, ngài Triệt Ngộ thiền sư nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ này chính là cương tông lớn lao của pháp môn Niệm Phật. Ngài lại nói: “Một câu Di Đà là tâm yếu của đức Phật ta, theo chiều dọc thông suốt năm thời, theo chiều ngang bao trùm tám giáo”. Thật vậy đó! Một câu Di Đà vi diệu khó nghĩ lường, chỉ có Phật với Phật mới biết được rốt ráo, từ bậc Đẳng Giác trở xuống vẫn còn chưa hiểu trọn hết. Do vậy nói: “Bồ Tát biết được chút phần”, bọn phàm phu chúng ta càng phải nên tin tưởng hành theo.

***

[1] Khi thần thức nhập thai, dễ bị Ngũ Ấm che lấp chân tánh nếu tâm chưa hoàn toàn đoạn sạch Kiến Hoặc và Tư Hoặc, đó gọi là Thai Ấm. Điều này còn được diễn tả bằng một từ ngữ khác là “cách ấm chi mê”.

[2] Liệu Giản, đôi khi còn được gọi bằng những thuật ngữ khác như Liễu Giản, Lượng Giản, Liệu Kiến hoặc Lượng Kiến, đều cùng hàm nghĩa: “Phân biệt, biện định, chọn lựa chánh pháp một cách xác đáng nhất”. Tùy theo từng tông phái mà ý nghĩa chữ Liệu Giản được chia chẻ tỉ mỉ hơn như sau:

1) Luận định, xem xét theo đủ mọi quan điểm, dùng phương thức vấn đáp để nghị luận tới chỗ tinh vi chặt chẽ nhất.

2) Riêng trong tông Lâm Tế, Liệu Giản là bốn phương pháp để hướng dẫn người học ngộ nhập Chân Như, tức: “Đoạt người không đoạt cảnh, đoạt cảnh không đoạt người, người lẫn cảnh đều đoạt, người lẫn cảnh đều chẳng đoạt”.

3) Theo Thiên Thai Tông Nhật Bản, Liệu Giản là dùng những phương cách để điều hòa những điểm mà nếu chỉ nhìn vào mặt văn tự sẽ tưởng lầm là kinh điển mâu thuẫn, chống trái nhau.

4) Lý giải vấn đề một cách dung thông, rộng rãi nhất.

[3] Trung Ấm (Antarā-bhava) còn dịch là Trung Hữu, Trung Uẩn, Trung Ấm Hữu. Theo Câu Xá Luận quyển 7, Trung Hữu được tính từ sát-na khi cái thân đời trước chết (Tử Hữu) tới sát-na thọ sanh thân sau (Sanh Hữu). Trong khoảng trung gian, sẽ có một cái thân được hóa sanh bởi ý thức (Thức thân), chứ không do tinh huyết tạo thành, nên gọi là Sanh Ý Thân hoặc Ý Thành Thân (Manomayakāya). Do được nuôi dưỡng bằng mùi hương, nên còn gọi là Thực Hương (Gandharva). Do thân này thường truy tìm chỗ kế tiếp để thọ sanh nên lại gọi là Cầu Sanh (Samhavaisin). Chỉ có Sắc Giới và Dục Giới mới có thân Trung Ấm, người sẽ thọ sanh trong Vô Sắc Giới không có thân này. Tùy theo người ấy sẽ thọ sanh trong đường nào mà hình dạng của Trung Ấm sẽ khác biệt. Chẳng hạn như theo kinh Đại Bảo Tích, quyển 56, thân Trung Ấm cõi địa ngục xấu xí, giống như gỗ cháy nham nhở, thân Trung Ấm trong súc sanh có màu khói, thân Trung Ấm trong ngạ quỷ màu như nước, thân Trung Ấm trong Dục Giới lớn bằng đứa bé năm sáu tuổi, nhưng các căn lanh lợi, thân Trung Ấm của bậc Bồ Tát đầy đủ các tướng hảo v.v… Cũng theo Câu Xá Luận, thời hạn tồn tại của thân Trung Ấm không nhất định, nhưng tối đa là bốn mươi chín ngày.