tịnh độ giáo mĩ thuật

Phật Quang Đại Từ Điển

(淨土教美術) Nền mĩ thuật của Tịnh độ giáo. Theo với đà phát triển của tư tưởng Tịnh độ, nền nghệ thuật tạo hình như hội họa, điêu khắc… cũng thịnh hành theo. Những văn hiến có liên quan đến việc tạo tượng đức Phật A di đà xuất hiện sớm nhất vào thế kỉ IV đến đầu thế kỉ VI thì tượng Phật Vô lượng thọ ở Long môn thuộc tỉnh Hà nam đã rất nổi tiếng. Đến thế kỉ VII, sau sự đề xướng của ngài Thiện đạo thì Tịnh độ giáo đã phát triển mạnh 1 thời, các Tịnh độ biến lấy đức Phật A di đà trụ ở Tịnh độ cực lạc phương Tây làm chủ đề trung tâm cũng xuất hiện. Các bích họa ở các chùa viện như Tây phương biến (Ngô đạo tử vẽ)ở viện Tịnh độ, Tịnh độ biến(Triệu vũ đoan vẽ) ở chùa Vân hoa tại Trường an, Tịnh độ kinh biến (Úy trì Ất tăng vẽ)ở chùa Đại vân, Thập lục quán (Lưu a tổ vẽ) ở vách tây Đại điện chùa Kính ái tại Lạc dương… đều do các danh gia vẽ, nhưng hiện nay đều không còn. Bích họa ở Đôn hoàng còn nhiều như A di đà Tịnh độ biến(hang 33, 70, 114, 139A)hoặc Tây phương biến… được vẽ từ đời Đường đến đời Tống. Về kiểu dáng, thông thường được chia làm 2 loại là A di đà tịnh độ biến và Quán kinh biến tướng (Tây phương biến là chỉ chung cho 2 loại này); A di đà tịnh độ biến vẽ cảnh Phật A di đà thuyết pháp ở Tịnh độ cực lạc trang nghiêm phương Tây, còn Quán kinh biến tướng thì căn cứ theo kinh Quán vô lượng thọ, bối cảnh vẽ lầu gác đẹp đẽ trang nghiêm lộng lẫy ở Tịnh độ cực lạc và Tam tôn Di đà, Quan âm, Thế chí, Thánh chúng vây quanh, cảnh phía trước thì có ao sen. Ở 2 bên và phần dưới bức họa cũng có thêm bài tựa kinh hoặc 16 pháp quán. Ngoài ra, ở động 130 tại Đônhoàng còn sót lại bức tranh Cửu phẩm lai nghinh. Ở vùng Trungá cũng có các di phẩm Tịnh độ biến tướng, Lai nghinh đồ… Mĩ thuật Tịnh độ giáo ở Nhật bản chịu ảnh hưởng Trung quốc được truyền vào từ Hàn quốc, các bức bích họa trong Phụng hoàng đường ở viện Bình đẳng, A di đà đường và Bạch thủy A di đà đường ở chùa Tịnh lưu li hiện nay, đều là những tác phẩm tiêu biểu ở thời đại Bình an. Các tác phẩm ở thời đại Nại Lương (Nara) chịu ảnh hưởng đời Tùy và Đường, hiện nay vẫn còn Trí quang mạn đồ la và Đương ma mạn đồ la thỉnh từ Trung quốc (đời Đường) về.