tịnh độ biến tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(淨土變相) Cũng gọi Tịnh độ biến, Tịnh độ đồ. Thường gọi Tịnh độ mạn đồ la. Đối lại: Địa ngục biến tướng. Chỉ cho bức vẽ hoặc điêu khắc miêu tả Phật, Bồ tát,Thánh chúng và các loại thi thiết trang nghiêm ở Tịnh độ để trình bày cảnh tượng của Tịnh độ. Biến có 2 nghĩa: 1. Nghĩa động: Bức tranh bất động mà vẽ ra những tướngđộngở Cực lạc nên gọi là Biến tướng. 2. Nghĩa biến hiện: Vẽ các tướng ở Tịnh độ và làm cho các tướng ấy biến hiện. Tịnh độ biến tướngsản sinh do sự lưu hành tín ngưỡng Tịnh độ, tùy theo sự thịnh hành của các tín ngưỡng Dược sư, Quán âm, Di lặc,…mà cũng xuất hiện nhiều chủng loại Tịnh độ biến. Biến tướng có thể chia làm các loại sau đây:1. Lô xá na tịnh độ biến: Tức thế giới Hoa tạng lấy đức Phật Lô xá na làm trung tâm.2. Linh sơn tịnh độ biến: Chỉ cho bức vẽ đức Thích tôn nói kinh Pháp hoa ở núi Linh thứu(núi Kì xà quật). 3. Dược sư tịnh độ biến: Bức vẽ miêu tả thế giới Tịnh lưu li ở phương Đông. 4. Di lặc tịnh độ biến: Tức bức vẽ miêu tả cảnh cung trời Đâu suất của Bồ tát bổ xứ sẽ thành Phật. Ngoài ra còn có Bổ đà lạc tịnh độ biến của Bồ tát Quán thế âm, nhưng Tịnh độ biến tướng được lưu truyền phổ biến nhất là Tịnh độ biến của đức Phật A di đà ở phương Tây. Ở Trung quốc, từ các đời Tùy, Đường đã rất thịnh hành Tịnh độ biến tướng, theo truyền thuyết, ngài Thiện đạo đời Đường đã tự vẽ 300 bức Tịnh độ biến tướng phương Tây. Nay còn hơn 20 di phẩm đào được ở Đônhoàng. Còn ở vùng Trung á thì các mảnh rời rạc của Tịnh độ biến tướng cũng đã được tìm thấy, vì thế nên biết Tịnh độ biến tướng cũng được lưu hành ở vùng này. Tại Nhậtbản, thông thường có Tịnh độ Tam mạn đồ la, tức chỉ cho Đương ma mạn đồ la, Trí quang mạn đồ la và Thanh hải mạn đồ la. [X. Lạc bang văn loại Q.2; Lịch đại danh hoạ kí Q.3].