tính cụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(性具) Cũng gọi Bản cụ, Lí cụ, Thể cụ. Chỉ cho chân như, pháp tính sẵn có trong mỗi chúng sinh. Tông Thiên thai chủ trương mỗi một sự pháp trong pháp giới xưa nay vốn tròn đủ 3 nghìn các pháp nhân quả, mê ngộ trong 10 cõi, đó gọi là Tính cụ. Nghĩa là các thế giới hiện tượng đều có thiện và ác, đây kia hoàn toàn đầy đủ, mà pháp này pháp kia không lẫn lộn nhau. Ý nghĩa Tính cụ này là thuyết cao tột, là nền tảng và đặc sắc căn bản của giáo học Thiên thai.Sự khác nhau cơ bản về tư tưởng giữa tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm là ở chỗ: Tông Thiên thai chủ trương thuyết Tính cụ, còn tông Hoa nghiêm thì chủ trương thuyết Tính khởi. Thuyết Tính khởi của Hoa nghiêm cho rằng một khi lí tùy duyên thì thành các pháp sai biệt, còn khi lí không tùy duyên thì không có sai biệt. Thiên thai Viên giáo thì chủ trương lí tính của chân như xưa nay vốn sẵn đủ các pháp mê ngộ, gọi là Lí cụ tam thiên(Lí đủ 3 nghìn các pháp); Lí cụ này thường tùy duyên mà hiện khởi các pháp, gọi là Sự tạo tam thiên(Sự tạo ra 3 nghìn các pháp). Lí cụ tam thiên vàSự tạo tam thiên đều đồng nhất, cho nên thường xuyên tùy duyên mà cũng thường xuyên bất biến, đây là đối lại với Bất tức của Biệt lí tùy duyên mà bàn về Tương tức. Cho nên, Thập bất nhị môn chỉ yếu sao quyển hạ của ngài Tứ minh Tri lễ cho rằng: Nếu không bàn về Thể cụ, thì Tùy duyên và Bất tùy duyên đều thuộc Biệt giáo.Thuyết Tính cụ này lấy thuyết Tam đế viên dung, nhất niệm tam thiên (Ba đế viên dung, một niệm ba nghìn) của ngài Trí khải làm nền tảng, nhưng ngài Trí khải và ngài Trạm nhiên đều lấy quán xét tâm làm chủ yếu, vì thế đặc biệt nhấn mạnh ý chỉ tâm cụ tam thiên (tâm đủ 3 nghìn các pháp). Đến thời ngài Phụng tiên Nguyên thanh đời Tống thuộc phái Sơn ngoại, lại kế thừa thuyết này, chủ trương duy tâm cụ tam thiên, lấy tâm năng cụ làm tự tính của linh tri mà hình thành thuyết Tâm tính linh tri. Tông Thiênthai ứng dụng thuyết Tính cụ này, về mặt tu hành chủ trương 10 pháp giới(6 phàm, 4 thánh) có đủ trong nhau, nghĩa là trong 1 pháp giới có đủ cả 10 pháp giới, tức trong bản tính chúng sinh vừa có các pháp ác của 9 pháp giới từ Bồ tát trở xuống, mà cũng vừa có các pháp thiện của Phật giới, cho nên Phật và chúng sinh, về căn bản, không khác nhau. [X. Thập bất nhị môn chỉ yếu sao Q. thượng; Pháp hoa thập diệu bất nhị môn thị châu chỉ Q. hạ; Kim cương ti hiển tính lục Q.2; Thập bất nhị môn văn tâm giải; Tứ minh thập thiện thư; Tứ minh tôn giả giáo hành lục Q.3]. (xt. Tính Thiện Tính Ác).