tính

Phật Quang Đại Từ Điển

(性) I. Tính. Phạm:Prakfti. Pàli:Pakati. Đối lại: Tướng, Tu. Có nghĩa bất biến. Chỉ cho tính chất vốn có xưa nay, thực thể(tức tự tính)của sự vật, tự thể đối với tướng trạng hoặc chủng tính(tố chất)của chúng sinh… tức cái bản chất mà dù có chịu ảnh hưởng. của thế giới bên ngoài cũng không hề thay đổi.Cứ theo phẩm Chủng tính trong kinh Bồ tát địa trì quyển 1, phẩm Chủng tính trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 1 và luận Đại trí độ quyển 31, 32 thì pháp nhĩ từ vô thủy đến nay đã có nhân chủng bản phần tự nhiên như thế, không đợi các nhân duyên khác cấu thành, đó là Tính. Theo luận Đại trí độ quyển 31, Tính có Tổng và Biệt khác nhau. 1. Tổng tính: Tức tính chung của các pháp, như vô thường, khổ, không, vô ngã, vô sinh, vô diệt… 2. Biệt tính:Tức tính riêng của mỗi sự vật hoặc mỗi pháp, như lửa có tính nóng, nước có tính ướt, tâm có tính biết… Ma ha chỉ quán quyển 5, thượng giải thích Như thị tính trong Thập như có 3 nghĩa: 1. Không thay đổi. 2. Phân biệt chủng loại. 3. Thực tính, tức tên khác của Phật tính. Hoa nghiêm kinh sớ quyển 49 cho rằng Tính có 2 nghĩa: 1. Chủng tính. 2. Pháp tính. Tông Duy thức chủ trương Tính có chân vọng, chân tục khác nhau. Trong 3 tính được thành lập là tính Biến kế sở chấp, tính Y tha khởi và tính Viên thành thực thì tính Viên thành thực được xem là tính thực của Duy thức. Ngoài ra, đứng về phương diện chủng tính mà nói thì có 5 chủng tính, như Phật tính, Như Lai tính…; còn đứng về phương diện bản tính của các pháp mà nói thì có pháp tính, lí tính… Lại tính chân thực, gọi là Thực tính, công đức trong đó, gọi là Tính đức; cái từ xưa đến nay vốn đã sẵn đủ, gọi là Tính cụ, thể của Tính cụ tức duyên khởi, gọi là Tính khởi. [X. kinh Nhập lăng già Q.2; phẩm Nhất thiết pháp tướng trong kinh Giải thâm mật Q.2; Đại thừa nghĩa chương Q.1, 4; Thành duy thức luận thuật kí Q.9, phần đầu, Q.9, phần cuối]. II. Tính. Chỉ cho ái dục (Phạm,Pàli:Kàma). Đây là hành vi trở ngại sự tu hành, cho nên tăng chúng xuất gia phải đoạn tuyệt; còn tín đồ tại gia thì không bị cấm đoán, nhưng phải có hành vi ái dục chính đáng. Do đó, hành giả xuất gia có giới dâm và tín đồ tại gia có giới không tà dâm. (xt. DâmGiới, Ái, Ái Dục, Biến Thành Nam Tử).