tín độ quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(信度國) Tín độ, Phạm: Sindhu. Vốn là tên một Vương quốc thời xưa ở miền tây Ấnđộ, về sau được dùng làm tên chung cho toàn cõi Ấnđộ. Đại đường tây vực kí quyển 11 (Đại 51, 937 thượng) nói: Nước Tín độ chu vi hơn 7000 dặm, đại đô thành là Tì thiêm bà bổ la, rộng hơn 30 dặm. Đất đai phì nhiêu, thích hợp cho việc trồng ngũ cốc, nhất là lúa mạch, sản xuất vàng, bạc, đá quí, các loại muối, nuôi nhiều bò, dê, lạc đà, nhưng giống lạc đà nhỏ, thấp, chỉ có một bướu. Tính người nước này cứng cỏi, thẳng thắn, thích tranh cãi, chỉ trích lẫn nhau, không thích học rộng, tin sâu Phật pháp, có vài trăm ngôi già lam với hơn 10.000 vị tăng, đều tu học theo pháp Chính lượng bộ của Tiểu thừa. Khi đức Phật còn tại thế, thường đến nước này giáo hóa, về sau, vua A dục có xây tháp kỉ niệm. Ngài Ô ba cúc đa cũng từng đến nước này hoằng pháp, xây dựng chùa tháp, lúc ngài Huyền trang đến đây, các chùa tháp ấy vẫn còn. Nhà khảo cổ học người Anh là ông A.Cunningham căn cứ vào Tây vực kí mà suy đoán là miền Thượng tín (Upper Sind) thuộc tiểu bang Tín địa (Sind) là di tích của nước này. [X. Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.1; Thích ca phương chí Q. hạ; Giải thuyết Tây vực kí; The Ancient Geography of India by A.Cunnigham; Buddhist Records of the Western World by S.Beal; On Yuan Chwang by T.Watters; The eographical Dictionary of Ancient and Mediaeval India by H.L.Dey]. (xt. Ấn Độ).