tín

Phật Quang Đại Từ Điển

(信) Phạm: Zradha. Hán âm: Xả ra đà. Đối lại: Bất tín. Tên của Tâm sở. Tín là tin, tức tác dụng tinh thần có công năng làm cho tâm và tác dụng của tâm sinh ra sự thanh tịnh đối với một đối tượng nào đó, là 1 trong 75 pháp của tông Câu xá và 1 trong 100 pháp của tông Duy thức. Tông Câu xá lập Tín làm 1 trong 10 Đại thiện địa pháp, còn tông Duy thức thì xếp Tín vào 1 trong các tâm sở thiện. Luận Thành duy thức quyển 6 (Đại 31, 29 trung) nói: Thế nào là Tín? Đối với Thực, Đức, Năng nhẫn chịu và ưa thích sâu xa, lấy tâm thanh tịnh làm tính, đối trị bất tín, lấy sự ưa thích Pháp thiện làm nghiệp. Luận Thành duy thức còn nêu ra 3 loại Tín:1. Tín thực hữu: Tin nhận sâu xa đối vớisự vàlí chân thực của các pháp. 2. Tín hữu đức:Tin nhận và ưa thích sâu xa đối với đức thanh tịnh, chân thực của Tam bảo. 3. Tín hữu năng: Tin sâu vào năng lực chứng đắc và thành tựu tất cả pháp thiện thế gian và xuất thế gian của mình mà khởi tâm hi vọng. Tín là bước thứ nhất để vào đạo, cho nên trong 52 giai vị Bồ tát thì trước tiên là Thập tín vị; trong 5 căn, 5 lực cũng lấy Tín căn, Tín lực làm đầu. Phẩm Hiền thủbồ tát trong kinh Hoa nghiêm (bản 60 quyển) quyển 5 (Đại 9, 63 thượng) nói: Tín là gốc của đạo, là mẹ sinh ra các công đức. Còn luận Đại trí độ quyển 1 (Đại 25, 63 thượng) thì nói: Đối với biển lớn Phật pháp thì chỉ có Tín mới vào được, Trí mới vượt qua được. Ngoài ra, về các pháp cần tin thì các kinh luận nói cũng khác nhau. Như luận Câu xá thì nêu các pháp sự lí như Tứ đế, Tam bảo, Nghiệp quả thiện ác…Kinh Tạp a hàm quyển 30 thì nêu 4 chứng tịnh tín là Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới. Luận Nhiếp đại thừa quyển 7 (bản dịch đời Lương) thì chủ trương 3 việc cần tin: 1. Tin tính của chính mình thực có tính thật.2. Tin có khả năng chứng được tính ấy. 3. Tin tính của chính mình có vô lượng công đức. Luận Đại thừa khởi tín thì nhấn mạnh niềm tin đối với chân như và Phật, Pháp, Tăng. [X. phẩm Hiềnthủ Bồ tát trong kinh Hoanghiêm Q.6 (bản dịch cũ); luận Đại tì bà sa Q.29; luận Nhập a tì đạt ma Q. thượng; luận Câu xá Q.4; phẩm Loại túc luận Q.3].