Tìm Hiểu Về Đạo Phật

Thư trả lời đạo hữu Nguyễn Tuấn
Tạng Thư Phật Học

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tất cả pháp tu của thế gian và xuất thế gian đều có một điểm cuối cùng của nó. Tuy nhiên với trạng thái (nghiệp lực chiêu cảm) thì có khác nhưng bản thể thì cũng chỉ có một, nhưng lại có sự rốt ráo và không rốt ráo, viên mãn và cũng không phải là viên mãn. Do sự dụng công, khác biệt của trí thông minh (Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới) nhờ vào việc tích lũy âm đức mà thành tựu, nhưng rất tiếc trí thông minh không phải là trí tuệ của Phật giáo nói. Trí thông minh thì chỉ rõ theo cái biết của bản thân mình, lại dùng thức để thấy sự việc. Còn trí tuệ thì vắng lặng, thanh tịnh không còn chút bợn, thông suốt hết mà không bị ngăn ngại bởi tấm màn vô minh. Do đó mà mỗi mỗi đều sai khác.

Biển Phật pháp mênh mông không bờ bến, nhưng nếu uống được chút nước trong biển Phật Pháp thì cũng sẽ biết được đó là mùi vị giải thoát, chứ chưa thật sự có thể thấu đáo hết bản tánh và công dụng của nước cũng chính là tánh ướt. Người học Phật do vì không học bài không siêng năng để làm bài (không học giáo lý qua Kinh điển chỉ nghe từ người khác và nói lại mà thôi) do đó mà có cái đúng và cũng có cái không đúng, nên đi sai đường và chẳng có thể hiểu giáo lý của Phật giáo. Lại có số người lại bị nặng hơn bị tẩu hỏa nhập ma, và cho rằng những kinh điển đại thừa không do Phật nói ra. Nhưng nếu có ai thật lòng tu học thật lòng muốn tìm cầu để đếm được vị giải thoát, học giáo lý qua tam tạng kinh thì sẽ không thể dấy khởi lên những thứ tà kiến theo cái Thức mà ra. Tại sao chúng sinh đọa lạc, bởi vì bỏ trí mà chạy theo thức, cho nên chúng sinh vẫn là chúng sinh, nhà của chúng sinh tức là Tam giới luân hồi sáu nẻo mà không thể nào thoát ra ngoài ba cõi.

Dám tin chắc và khả quyết rằng, nếu người con Phật có thật học bài làm đúng công thức thì sẽ không bao giờ bị rơi vào hố sâu của tà kiến, lọt vào vực thẳm của trầm luân. Người học Phật thật phải cẩn thận hết mức, nếu như người đó đến với Phật giáo để đạt đến sự giác ngộ và giải thoát. Ngoài mục đích này ra thì không nói (làm sao cứ tùy ý), vì có nói cũng chỉ là vô dụng, chỉ có tác hại phản ngược.

Trở lại câu hỏi của đạo hữu, xin thưa ngay với đạo hữu rằng câu nói đó nói từ lúc nào và đối tượng nói là ai? Tức là lúc mà Phật giảng Kinh A Hàm, đối tượng là ngoại đạo (Pháp tiểu thừa dẫn dắt). Nếu đem pháp đại thừa như những gì trong Kinh Địa Tạng nói trước hoặc đương thời giảng Kinh A Hàm thì có khả năng tin hay không? Có giúp được họ hay không? Trong suốt 49 năm trường thuyết pháp độ sanh đức Phật đã chỉ rõ các pháp (theo duyên sanh tức là có đối tượng), từ Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát thừa, kỳ thật năm thừa này chẳng phải là lý thuyết, mà là để thực chứng. Vậy cái thực chứng này nó đã có trước hay là có sau sự dụng công. Cũng vì có số người chẳng hiểu nên đều bị lầm, đã lầm thì thật tai hại vô cùng. Quả chứng tức đã có chứ không phải người đó dụng công rồi mới có. Giống như vậy, bằng Cử Nhân của đại học không phải thiết kế cho bản thân của chúng ta, mà do sự dụng công siêng năng là tinh tấn mà có được.

Đa số người con Phật Việt Nam theo Phật giáo Đại Thừa, nhưng lại chẳng hiểu pháp nào là của Nhân thừa, Thiên thừa, cho đến Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát thừa, mà sao trộn tứ tung trong đó. Nhưng nếu như rời bỏ pháp tu của Nhân thừa, hay Thiên thừa cho của hàng Nhị thừa, thì người đó có thực hành theo pháp của Bồ tát thừa được hay không?

Thẳng thắng trả lời ngay rằng mà không cần suy nghĩ là không thể nào, nếu có thì đó chỉ là không tưởng của người đang bị bệnh mà thôi. Ví dụ, có một anh A và anh B, hai người đều có con tuổi đến trường, con của anh A thì chỉ học hết lớp 12 và hiện đang đi làm trong một công sở, còn con của anh B vẫn tiếp tục theo đuổi đến Đại học và đã tốt nghiệp về ngành sư phàm. Sau một thời gian cả hai đều lập gia đình và cũng đều có con. Chúng ta xem ở đây có sự khác biệt gì?

Người con của anh A vẫn có thể giúp con của anh ấy làm bài rất rõ ràng trong những năm học ở Tiểu học, nhưng đến khi lên bậc Trung học thì chỉ có thể giúp mà không thể là đúng hoàn toàn, mà chỉ còn có công thức của sự học trước còn sót lại trong trí nhớ. Còn anh B thì sao? Rất tốt, anh ta không những kèm giúp những em ở Tiểu Học, Trung học mà ngay cả ở Đại học cùng ngành, anh ta không thể sơ sót vì anh đang hiện là giáo sư.

Cũng vậy trong Phật có rất nhiều pháp tu, nhưng cũng không thể rời được bản gốc (sự bắt đầu), nếu muốn lên lầu mà không có bậc thang thứ nhất thì làm sao có thể bước lên bậc thứ hai. Pháp tu thì có vô lượng, nhưng chung quy cũng vì vọng  tưởng nặng hay nhẹ của chúng sinh mà ra, nhưng nếu tất cả chúng sinh này đều hết bệnh vọng tượng, đồng giác ngộ đồng giải thoát, vậy thì các pháp tu này còn có công dụng không? Tất nhiên là không, tất cả đó chỉ là giả danh hòa hợp, có đối tượng, nên sanh ra sai biệt.

Bồ tát trải vô lượng kiếp thực hành các thiện pháp trồng các công đức, thành tựu thiện Pháp là một đại phước điền, là một đại trưởng giả giàu có đủ châu báu, đầy đủ trí huệ (nhưng chưa rốt ráo). Nếu có người gieo mầm móng xuống thửa ruộng thanh tịnh trí huệ này, thì có gì đâu mà không có được những bản năng từ Bồ tát (tha lực). Không chỉ riêng trong Kinh Địa Tạng dạy như thế mà tất cả Kinh điển của đại thừa đều dạy như vậy, có thể tạo trồng công đức mà hồi hướng cho chúng sinh, nhưng phải hiểu rằng ai mới là người có thể có được năng lực đó? Đã nói ở trên, Chúng sinh nhận biết từ thức cho nên không thông suốt, do đuổi theo thức để biết thì làm gì biết được cảnh giới trí huệ của Bồ tát, Phật? Trong Kinh điển của Đại thừa, khi Phật muốn thuyết Pháp rốt ráo, thì hàng Nhị thừa và Bồ tát vẫn không hiểu nổi huống gì là chúng ta là phàm phu?

Cảnh giới Đại thừa là pháp giới của Phổ Quang Minh Trí, nếu dùng thức để nhận biết thì làm sao có thể hiểu nổi? Ngay cả Bồ tát Đại Thừa, đức Phật cũng bác luôn, mà chỉ ra Pháp giới thanh tịnh, viên mãn và rốt ráo của Phật thừa. Nếu mỗi người con Phật chúng ta thật dụng công và học giáo lý sẽ thấy sự mầu nhiệu và trí tuệ của đức Phật đà là ở chỗ này. Tuy chưa vào hay hiểu được nhưng chỉ như là người đứng ở ngoài thì cũng cảm nhận được sự an lạc ở trong đó. Đức Phật thật quá từ bi, và trí huệ. Chúng ta hãy quán sát xem thử, chúng sinh mê mờ, tà kiến, vọng động chạy theo thức, phỉ báng như vậy, mà đức Phật với tâm vô úy rống lên tiếng sư tử để dẫn dắt chúng sinh đầy tà kiến trong sinh tử này để đến con đường giác ngộ, giải thoát, thật không phải dễ dàng. Thật là vĩ đại, chúng ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nói hết được.

Bồ tát và Phật đã viên mãn thành tựu cho chúng sinh, nếu như có chúng sinh nương vào các Ngài, tuy nhiên cũng có Pháp tự lực đâu chỉ có pháp nương vào tha lực, hoàn toàn vào sự lựa chọn của người thực hành. Vả lại, ngoài việc tụng Kinh Địa Tạng, người thân của người mất cần phải giữ gìn không phạm vào các việc ác, trồng các phước đức mới có thể giúp cho người mất hưởng điều lợi lạc. Tại sao tụng Kinh lại có công đức lớn lao như thế? Nói theo bản thể Pháp giới, Kinh văn chính là bản tánh thuyết âm, vì chúng sinh vọng động, dấy khởi vọng tưởng, nên cần âm thanh của Pháp để thanh tịnh hóa. Không chỉ riêng cho ở bản thân của người đang thực hành mà là tất cả mọi loại chúng sinh. Vả lại, trong thời gian tụng Kinh, chúng ta có tạo ra ác nghiệp không? Có suy nghĩ đến những việc làm sao hại người, giết hại, nói dối và tà kiến không? Do nhất tâm vào kinh văn nên sanh ra biết bao công đức. Vấn đề ở đây không phải tin hay không tin, mà là chúng ta có làm được hay không mà thôi, giống như học vị của Tiến Sĩ, không phải tin hay không tin mà được, mà phải làm sao để đi đến và đạt được, đó mới thật gọi là pháp (thật chứng).

Môn học thì nhiều, ngành nghề vô số, trong Phật giáo cũng vậy thôi có người thích pháp của Nhân thừa, Thiên thừa, ở sự hiểu biết của Nhân thừa, Thiên thừa thì làm sao biết được cảnh giới của hàng Nhị thừa và Bồ tát thừa, ở cảnh giới của Bồ tát thừa thì làm sao hiểu được cảnh giới của chư Phật được? Vậy mà thật quái quâm thay, lại có người đem để so sánh, phân tích này phân tích kia, kết quả ra sao? Kết quả là không tưởng. Không được gì hết, đã nằm trong luân hồi ở trong loài người nay lại tạo thêm nhân đọa vào ba đường ác. Người con Phật nếu thật sự sợ sinh tử, thì phải tránh xa hết những người như vậy, nếu không tự hại mình mà thôi.

Nếu chờ người khác hồi hướng phước đức cho mình, vậy sao khi còn sống không biết tạo phước đức, vì dù cho con cháu có hiểu Phật pháp sâu rộng, biết áp dụng vào trong đời sống trồng nhiều phước đức để hồi hướng cho người mất, thì cũng chỉ hưởng được một phần trong bảy phần mà thôi. Chỉ có ở bản thân người thực hành mới hưởng được trọn vẹn phần phước đức mà mình đã tạo.

Ngoại đạo chưa thật là thánh hết đâu, cái gọi thánh của ngoại đạo là gọi theo cái đối lập từ chúng sinh mê muội thế gian (chỉ loài người), đó chỉ là lạm dụng danh xưng (đối với thánh trong Phật giáo), hoặc nếu có gọi thì cũng có thể chỉ gọi đó là Thánh của Phàm Phu, không phải là Thánh. Người học Phật cần phải hiểu rõ điều này, chớ bắt chước theo những người thế tục, đã học Phật thì phải biết những cái đó nếu xét cho cùng đều là vọng ngôn, thật là tội lỗi. Bản thân của họ còn chưa làm chủ được thì làm gì thông suốt được pháp giới? Chỉ nói ở trong tam giới này thôi, cũng chưa thông suốt huống hồ gì thấy được pháp giới của bản thể. Ngoại đạo chỉ có thể gọi là người quân tử, chân chánh vì họ tốt, thiện, dẫn dắt mọi người vào nẻo thiện đối với loài người, chứ không phải là tài giỏi có trí huệ đưa chúng sanh ra khỏi luân hồi. Họ cũng như bao chúng sinh khác, cũng theo nghiệp lực chiêu cảm thọ quả báo luân hồi qua lại, sanh vào cảnh giới an vui hoặc khổ đau như bao chúng sinh trong tam giới không khác gì? Người con Phật đã thọ trì tam quy và ngũ giới không nên còn thứ tà kiến mà đem so những bậc thiện nhân của ngoại đạo so với Bồ tát hay Phật?

Cái ngũ thông của ngoại đạo chỉ là sức biến hóa giới hạn chớ không thể làm chủ hay biết được nhân quả chiêu cảm ở bản thân của họ, đã ở ngay bản thân của họ mà họ còn không biết thì làm gì có chuyện biết chuyện của pháp giới khác của chúng sinh khác mà nói. Nếu họ biết thì họ đâu mãi mê theo sự hưởng phước của cõi Trời , rồi phải bị luân hồi xuống nhân gian, hoặc vào địa ngục.

Ở thời của đức Phật có những bậc tu hành chân chánh, đã chứng được các thứ thần thông (ngoài trừ lậu tận thông) nhưng năm thứ thần thông đó mà đem so với năm thứ thần thông của hàng bậc A-La Hán thì như trời một vực, đem cảnh giới của A-La-Hán so với cảnh giới của Bồ tát thì cũng như trời với vực. Cũng vậy từ Bồ tát đem so với cảnh giới của Phật thì không thể nào.

Đừng nghĩ chứng năm thứ thần thông đều như nhau, hoàn toàn đều sai khác. Ngoại đạo chỉ là thần đối với phàm phu, thông hơn phàm phu mà thôi, đó không phải là chứng đạo.

Theo như đạo hữu nói, thì ai là người biết được việc tiền kiếp? Không có, nếu như người đó chưa chứng đắc, còn về những việc luân hồi còn có ký nhớ của tiền kiếp, đó chỉ là Tập Khí Nghiệp, đó cũng chỉ là trạng thái từ nghiệp lực chiêu cảm mà ra, tuyệt đối không phải là biết được việc của đời quá khứ. Do có chút việc thần kỳ, mọi người lại tạo vẽ ra cho thêm rắc rối, nhưng tất cả những thứ đó đều sẽ hiện nguyên hình hết trước lăng kính của Phật học.

Như đã nói, sự dụng công có khác thì quả cũng có khác, ngoại đạo tuy dụng công nhưng không có trí huệ, do đó mà theo thức bám trụ vào cảnh giới phước báu chiêu cảm, từ bỏ sự đau khổ. Trái lại, Phật giáo là trí huệ không dạy từ bỏ cảnh giới đau khổ đầy nhiễm ô, mà dạy từ cõi đau khổ nhiễm ô để chứng nhập Pháp rốt ráo và giải thoát. Giống như hoa sen, không rời bùn lầy mà vẫn vượt khỏi mặt nước nở hoa thơm ngát. Sự tu chứng của ngoại đạo chỉ là hưởng phước báo của Nhân, Thiên chưa thoát ra ngoài tam giới luân hồi.

Học sinh của Trung Học biết gì mà nói, hay bàn luận của sinh viên đại học. Cũng vậy ngoại đạo ngay cả bản thân của họ còn chưa làm chủ được làm sao biết những cảnh giới chiêu cảm của Pháp giới chúng sinh. Cảnh giới của bậc A-La-Hán cũng chỉ biết được 80 đại kiếp của chúng sinh, ngoài 80 đại kiếp thì không biết gì. Ngay cả bậc A-La-Hán đã chứng thánh (ra khỏi tam giới) còn như vậy, huống chi là sự chứng đắc của ngoại đạo. Do đó, đừng đem sự tu chứng của họ so với bậc thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, huống gì là thánh trong bậc thánh (Phật)), vì sự hiểu biết của họ giống như ánh sáng của con đom đóm đem so với ánh sáng của mặt trời. Không nên đem so sánh, vì đó chỉ là vô ích.

Như đã nói ở trên, đó không phải là việc biết hay nhớ của tiền kiếp, mà đó chỉ là Tập Khí mà thôi, hoặc có một nhân duyên đặc biệt nào đó họ còn sót lại trong tạng thức, chứ không phải là biết hay nhớ, nếu nói là nhớ hoặc biết thì phải biết và nhớ cho rõ ràng, như lằn chỉ trên lòng bàn tay thì đó mới gọi là biết hoặc nhớ, chớ không phải là mơ mơ hồ hồ. Vấn đề này đã đề cập ở trên, do nghiệp lực chiêu cảm của chúng sanh, mà Phật cũng thị hiện theo từng căn cơ để độ họ. Cái biết như vậy là chỉ là biết còn hạn hẹp chưa phải là rốt ráo, đạo hữu hãy đọc bộ Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm thì sẽ rõ. Tùy theo trình độ, căn cơ mà Phật thuyết, đối với người thấp kém dùng thức để biết thì Ngài cũng thuận theo họ nói cái đơn giản hợp căn cơ của họ có thể nhận biết. Còn đối với hàng Bồ tát đại thừa, dùng trí để biết thì Ngài thuyết Kinh này.

Nói tóm lại, tất cả đều là do ở căn trí của mọi chúng sinh sai khác mà tất cả pháp đều theo đó mà hiện bày, từ mẫu giáo đến đại học mỗi mỗi đều sai khác. Trong Phật giáo cũng vậy, từ Nhân thừa cho đến Bồ tát thừa rồi rốt ráo đến Phật thừa đều sai khác, nhưng chỉ có một duy nhất đó chính là sự thật hành để đạt kết quả mà thôi. Có năm loại mà chúng sinh sống theo thức sẽ sanh tâm nghi ngờ, từ Pháp căn bản cho đến rốt ráo. Năm thứ đó là gì:

  1. Không hợp với sở kiến của mình
  2. Vượt quá sức tưởng tượng
  3. Vượt quá sức tu học
  4. Quá sở trí của mình
  5. Là những hiện tượng kỳ lạ

Đó không phải là sai khác gì, mà chỉ là theo căn trí của mỗi người mỗi khác mà thôi. Nếu căn tánh của mỗi người trong chúng ta, hợp với sự hiểu và thực hành được thì cứ việc theo pháp mà chúng ta hiểu biết để thực hành, rồi từ từ mà bước lên từng mỗi bậc thang kế tiếp chớ vội vã, nếu không không đạt được kết quả trái lại còn là sự phản ngược lại rồi phỉ báng như một số người. Thật là tai hại vô cùng.

Đức Mục Kiền Liên đã chứng thánh quả A-La-Hán, nhưng vẫn chưa rời khỏi đạo làm người (Nhân thừa) Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Báo Ân Cha Mẹ đều là pháp của Nhân thừa. Loài người thật sự rất quan trọng, vì sao? Vì đây là điểm thi đậu vào đại học hoặc bị rớt xuống tam đồ, cũng từ Nhân thừa mà quyết định. Đức Mục Kiền Liên tuy đã chứng thánh nhưng vẫn thực hành đạo hiếu đối với cha mẹ, đạo hiếu chính là nguồn gốc của chúng sinh, nếu rời đạo hiếu thì bậc thánh nhân không thể vượt thoát được. Đã nói đối tượng là loài người mà khi thực hành những hành vượt quá sức của loài người thì làm sao giáo hóa hóa? Do đó, đừng cho rằng tôn giả còn khóc, đó chính là pháp giả hợp mà thôi. Giống như trong Kinh Phật thuyết Báo Ân Cha Mẹ, đức Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, giải thoát và đã chứng quả vị tối thượng, thánh trong bậc Thánh. Thì làm sao lại có việc lễ lạy đống xương khô? Cũng vậy là cũng không ngoài Nhân thừa, nếu không thực hành thì làm sao phá kiến chấp của hàng tà tri tà kiến, và ngoại đạo. Làm sao nhiếp phục được chúng sinh. Cho nên thị hiện những gì trong khả năng của con người thấy và nhận biết, để đến điểm rốt ráo của Pháp.

Trong Phật giáo có vô lượng Pháp môn, người học Phật phải biết dùng trí tuệ xâu chuỗi để xâu nó lại, nếu được vậy thì giúp ích cho người đang thực hành rất nhiều, còn nếu như còn sở chấp, Ngã, Ngã sở tà kiến sẽ rơi vào vực thẳm vô minh. Người con Phật chân chánh phải biết mỗi bộ Kinh Phật thuyết đó, đối tượng là ai? Ở thừa nào trong Năm thừa, và pháp phương tiện hay là Pháp rốt ráo? Đâu thể đem bộ kinh này so với bộ Kinh kia? Rồi nếu như nội dung có tính cách vượt khỏi sự hiểu biết, vượt quá sức tưởng tượng, quá sức tu học, ở bản thân lại đâm ra nghi ngờ, không dùng trí quán chiếu rơi vào tà kiến. Đã như quá sức tưởng tượng, quá sở kiến (sự hiểu biết) của mình thì dĩ nhiên phải sanh ra nghi ngờ, nhưng phải biết dùng trí quán suốt các pháp đó, thưa hỏi người hiểu biết chân thật. Là những bậc thiện tri thức chia sẻ, cùng trao đổi mối nghi ngờ, nhưng trước tiên là phải dẹp bỏ tánh kiêu mạn, ngã, cống cao, mới hòng thâm nhập được biển Phật pháp. Người học Phật nếu không trừ bỏ những tánh thứ này nhất định không đi đến đâu cả, chỉ có lùi (đọa) chứ không tiến (chứng ngộ) được. Dầu cho người đó là người tài giỏi có trí thông minh, nói rành mạch biện luận giỏi nhưng nếu xa rời  nghĩa kinh đều là ma thuyết. Cho nên phải cẩn thận, Pháp sư Diễn Bồi đã từng dạy rằng: “Phải biết quán chiếu, đem những gì học được từ những bậc thiện tri thức so với nội dung trong Tạng Kinh thì sẽ không bao giờ sai lạc“. Đừng chú trọng vào việc học vấn của thế gian, trí thông minh (sở tri chướng) để mà đo lường Phật Pháp, nếu không sẽ như người nấu cát mà muốn thành cơm. Chỉ qua cái tài giỏi, luận điệu cái gọi là đầy thuyết phục của họ, cũng chỉ bất quá là thức sở mà thôi. Phật pháp là trí, dùng Thức để biết trí thật là đáng thương, chỉ làm trò cười cho thức giả.

Trong Pháp giáo có vô lượng Pháp tu, đâu phải chỉ có một, mà có người lại so sánh cái này với cái kia. Pháp tu của hàng Nhị thừa vẫn còn hướng mắc bởi còn chấp trụ vào pháp, tuy đã đoạn hết tướng hoặc, nhưng vẫn còn chấp trụ vào Niết bàn tức là có chứng. Đó cũng chưa rời được thức, đến điểm rốt ráo đức Phật lại dạy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đến thời gặt hái, để rời khỏi sự phương tiện chuyển thức thành trí, nói nhất thừa đồng thể. Phật giáo giống như trường giáo dục, dạy từng lớp theo căn trí của mỗi chúng sinh. Nếu thật sự hiểu được Phật pháp thì sẽ không còn cho đó là tôn giáo nữa, hay là triết học nào đó. Mà là có đối tượng vọng tưởng nên có pháp, có bệnh nên có thuốc điều trị. Phật pháp vốn không sinh cũng không diệt, không nhơ, cũng không sạch, không động cũng không tịnh. Tất cả pháp cũng không thể rời khỏi Phật pháp mà nói là có Pháp, đây là Pháp của ngoại đạo, đây là pháp thiện, pháp rốt ráo, đây là sinh tử, đây là Niết Bàn. Hoàn toàn không có, vì ngoài Phật Pháp vốn không có một pháp nào.

Ví như chúng ta nói mặt trời lặng và mặt trời mọc. Nhưng kỳ thật, mặt trời có mọc có lặng hay không? Không có, hoàn toàn không có. Mặt trời vẫn an nhiên tự tại soi chiếu khắp mọi nơi không phân biệt bất cứ nơi nào, là cõi nước thiện, cõi nước ác, quốc gia này hay quốc gia khác. Có tối có sáng, có mọc có lặng đều hoàn toàn tùy thuộc vào trạng thái của quả địa cầu xoay chuyển mà thôi.

Cũng vậy, do vì chúng sinh tà kiến làm việc đảo điên rồi trôi lăn theo vòng vô minh (có tối) nên mới có Phật pháp (có sáng), nhưng nếu không có tối thì làm gì có sáng. Cho nên biết, tất cả chỉ bất quá là trạng thái của từng tâm thức sinh tử chiêu cảm ra trăm sai vạn biệt. Phật pháp lại cũng vậy, sáng hay mờ mờ, cho đến tối tăm. Tối tăm là do bị đóng bít cửa nên ánh sáng không len vào được, còn nếu hé cửa ra một chút thì ánh ánh kia cũng chỉ có sự giới hạn được lọt vào bên trong. Vậy có thể bảo hoặc trách rằng ánh sáng kia có sự sai khác trong mặt đối đãi? Hoàn toàn không có, nếu có đó chỉ là người dụng công bằng đầu môi, nói thì hay nhưng không có thực hành, chấp chặt tà kiến. Học Phật sợ nhất là gì? Chính là người nói thì giỏi mà không thực hành. Việc này trong Kinh ví như là cây chuối, có cây nhưng ở trong bị bọng mà muốn vào biển Phật Pháp thì thật không thể nào, huống chi đề cập đến sự giải thoát.

Vậy mỗi người con Phật phải thật sự cố gắng mở hết cửa để xua tan hết những màn đen tâm tối để ánh sáng có thể lọt vào, đừng đi theo những người chuyên dùng thế trí biện thông (một trong tám nạn). Để hấp thụ được mùi vị của giải thoát chân thật. Giáo lý của Phật không phải là lý thuyết mà là để thực chứng, dầu người đó hợp với pháp nào, của Tiểu thừa, hay Đại thừa, nhưng nếu thật dụng công thật tu thật chứng tức là Pháp diệu. Hãy thực hành đúng theo những gì mình hiểu được, rồi mới bước lên một nấc thang nửa, đừng như một số người không từ nấc bắt đầu mà muốn bước lên nấc thứ năm, thứ sáu v.v…Muốn đạt đến pháp rốt ráo mà rời bỏ pháp của Nhị thừa thì cũng chỉ như là người nấu cát muốn thành cơm, như người mù sờ voi.

Chúc đạo hữu thường sáng suốt trong ánh quang minh của Phật đà, tinh tấn trên con đường tu tập, thành tựu và sớm được nhất tâm trong mọi pháp tu.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trân trọng,

Tạng Thư Phật Học

buddha symbol