Tìm Hiểu Sơ Lược Giữa Giáo Lý Phật Và Những Giáo Lý Khác
(Trích Nhập Pháp Giới của Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng)

 

Tôi rất lấy làm mừng vì hôm nay là ngày chúng ta tái ngộ sau ba tháng nghỉ xả hơi. Tôi cũng mong rằng sau này chúng ta sẽ cùng hẹn nhau những ngày hội ngộ lớn hơn nữa, hội ngộ ở những kiếp khác và cõi khác, hay hội ngộ ở nơi Cực Lạc. Quí vị đừng cho như thế là hoang đường và vu khoát đâu. Vì nếu ta thành tâm ước muốn như thế thì chắc rằng, sau này, chúng ta sẽ cùng hội ngộ bên Cực Lạc.

Giáo lý của chư Phật thường gọi là “thậm thâm vi diệu pháp.” Ngày xưa tôi cứ hoài nghi mãi những chữ ấy, nhưng sau càng đọc, càng thấy đúng. Vì chỉ có giáo lý ấy mới nói rõ được bí ẩn của pháp giới này, nói rõ được bí ẩn của chính mình, của chúng sanh và sự luân hồi. Trong pháp hội này, chúng ta phần nhiều là những người đã lớn tuổi, bệnh tật cũng nhiều, hoạn nạn cũng nhiều. Nhưng nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ sẽ thấy trong pháp giới này, biết bao nhiêu người bệnh tật, biết bao nhiêu người đau khổ, biệt ly, hoạn nạn v.v… thì nếu chúng ta có bị đôi chút thì cũng nên hoan hỉ nhận điều ấy. Vì không có lẽ chúng ta không chịu nhận cái phần tội lỗi, bệnh tật của mình? Những người khác còn bệnh tật hơn chúng ta nhiều, còn bị chia ly hơn chúng ta nhiều. Có những gia đình đi di cư chết một nửa. Nhân loại đau khổ đến thế, nên phải hiểu đã mang cái thân máu thịt này, thì không lúc nào không có bệnh, không lúc nào đời sống không bấp bênh, nên chúng ta cần luôn nhớ rằng, nhân loại này đau khổ nhiều, chìm đắm nhiều thì không lẽ chúng ta lại không chịu nhận cái phần hoạn nạn của mình sao? Khi nghĩ được như vậy, tâm chúng ta sẽ an nhiên được vài phần, mà chúng ta lại biết chắc rằng, dù hoạn nạn, bệnh tật đến đâu thì chỉ chết là cùng, mà sắc thân này vốn đã là huyễn mộng, còn giới thân huệ mạng của ta không thể chết được.

Hôm nay trước khi giảng tiếp phần nhập pháp giới của kinh Hoa Nghiêm, tôi muốn cùng quí vị kiểm điểm sơ lược lại những giáo lý khác, từ Khổng Giáo, Thần Tiên Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Cơ Đốc giáo, và ngay cả triết học và khoa học để quí vị thấy tại sao đức Phật nói giáo lý của ngài là một giáo lý thậm thâm vi diệu…

Chúng ta là những người có túc duyên lớn, gặp được giáo lý đại thừa của chư Phật, lại có thể hiểu được đôi chút, nên cần suy tư về những sự vi diệu ấy, thì sẽ làm tăng trưởng công đức lên nhiều.

Bắt đầu là Khổng Giáo, đó là đạo cho “Nhân thừa,” dạy chúng ta làm người tốt, một quân tử. Khổng giáo chỉ nhằm dạy chúng ta những phép cư xử ở thế gian này, không hơn. Trong khi đạo Phật dạy chúng ta pháp xuất thế gian, đồng thời cũng dạy những pháp nhập thế tích cực để đi vào Đạo. Đạo Khổng chỉ dạy tam cương, quân, thần, phụ tử, phu, phụ, (vua và bầy tôi, vợ và chồng, cha mẹ và con cái), ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tất cả những thứ ấy đều dạy chúng ta làm một người tốt, một người quân tử. Quân tử, là một loại người có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, giữ được tam cương, đồng thời “hòa nhi bất đồng.” Hòa tức là hòa đồng với tất cả mọi người nhưng không giống họ. Còn kẻ tiểu nhân là “đồng nhi bất hòa” vì những người tiểu nhân đều giống nhau, đều tật đố, vênh vang, tham lam, thích cãi cọ v.v… rất giống nhau nhưng lại không hòa được với nhau. Tóm lại, đạo Khổng dạy về nhân thừa, đạo làm người, mà không có phương pháp nào dạy xuất thế. Tới khi cuối đời, ngài Khổng Tử gặp ngài Lão Tử, thì Khổng Tử phải kêu lên rằng: “Lão Tử như con Rồng, ta không thể bì kịp…” Vì ngài hiểu như thế nên ngài không thể nói xa hơn, hoặc có lẽ nhiệm vụ của ngài, hạnh nguyện của ngài chỉ nói đến đó thôi…

Cao hơn một chút là Thần Tiên giáo, người Trung Hoa vẫn gọi là Lão Giáo, nhưng chính ra Thần Tiên phái không phải của Lão Tử, vì ngài Lão Tử là một vị Bích Chi Phật.

Sau này, Trang Tử, hay những vị tu tiên khác, đặt ra Thần Tiên Phái. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, những người tu tiên là tu theo vọng niệm, tức là muốn kiên cố cái hình hài này, mà hình hài này là một vọng tưởng, như vậy, Thần Tiên Phái tu theo vọng niệm, muốn kiên cố một thứ phù du. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rõ, có những vị luyện đơn, hay dùng những kỳ hoa, dị thảo, uống vào để luyện tinh khí mình thăng hoa, để mong giữ thân xác này không già, có thể trường sinh được vài ngàn năm. Trong khi đạo Phật lại coi cái đó rất thường, hai, ba ngàn năm thì cũng như một trăm năm thôi, sau cũng phải hoại diệt. Nên đạo Phật dạy cho chúng ta mở một cánh cửa bất tử khác, cao sâu hơn, đó là cánh cửa thể nhập vào Tâm, vào pháp giới này… Thêm nữa, vấn đề đặt ra là những vị thần tiên ấy sau khi chết sẽ thọ sanh ở đâu? Các vị đó sẽ chỉ thọ sanh nơi trung giới, tức là khoảng từ quả đất này, lên đến mặt trời, mặt trăng, chứ chưa lên được đến Chư Thiên nữa.

Chúng ta nên nhớ một điều là tất cả các giáo lý, từ cao, sâu, nông, thấp v.v… đều do nhãn lực hay tam muội nông sâu của vị giáo chủ đó nhìn thấy. Khi vị giáo chủ ấy vào tam muội sâu bao nhiêu, thì giáo lý vị đó càng rộng, càng cao, nhìn được xa hơn, có thể có thiên nhãn, huệ nhãn v.v…, còn vào tam muội nông, thì chỉ nhìn thấy được một khúc ngắn thôi, nên giáo lý ấy cũng thấp, nông cạn.

Trong đạo Phật, đức Phật dạy rằng, có vô lượng thứ tam muội, nhưng tam muội nào rốt cục cũng quy về Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, cũng là Chân Như Tam Muội, cũng là Như Huyễn Tam Muội và cũng là Kim Cang Tam Muội. Nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi đôi chút về hành xứ, nhịp điệu rung chuyển của tâm của thức, óng ánh ra những sự hiểu biết khác, chứ thực ra thì vẫn là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội. Đức Phật vào chánh định “vô trụ” đó, nên ngài có được ngũ nhãn, nhìn thấy tất cả những bí ẩn lắt lay của pháp giới này. Trong khi những tôn giáo khác, không một tôn giáo nào có đủ ngũ nhãn, cũng không có vị giáo chủ nào vào được tam muội vô trụ ấy. Như Ấn Độ giáo là một giáo lý cao, nhưng trong đó chỉ nói có hai thứ tam muội, một là “tam muội có đối tượng,” hai là “tam muội không có đối tượng.” Tóm lại, các giáo lý, nông sâu đều qui vào mức tam muội,ngũ nhãn.

Trong kinh Đại Bát Nhã, Phật dạy, nếu các ông muốn có ngũ nhãn thời phải tu tập bát nhã ba la mật. Trong khi, Ấn Độ giáo chỉ nói đến Thiên Nhãn thôi, rồi dùng Thiên Nhãn ấy, có thể nhìn được tầng trời Phạm Thiên. Và các vị ngoại đạo tu tập thiền định tam muội, lúc chết thọ sanh lên cõi trời Phạm Thiên, ngồi đó, nhìn thấy vị Phạm Thiên Vương hào quang sáng chói, biến hiện tự tại, nên các vị tu sĩ Ấn Độ giáo khởi tâm tà kiến nghĩ lầm rằng vị này sanh ra thế giới này. (Nhà Phật gọi đó là “tam muội đảo điên.”) Rồi cho rằng vị Phạm Thiên Vương đó là Thượng Đế… Bước sang Hồi giáo, các vị tu theo Hồi giáo không có tam muội, chỉ có những giây phút xuất thần, nhìn thấy được Thiên Thần và một số cảnh Trời. Rồi giáo chủ Mohamet nhận mình là Tiên Tri, cho rằng đức Christ cũng chỉ là bậc tiên tri mà thôi. Giáo điều trong Hồi giáo đưa ra là: “Những người nào đi chinh chiến giết quân thù, giết những người không phải Hồi giáo, những kẻ đó sẽ được sanh lên Thiên Đường.” Vậy, Thiên Đường đó là gì? Đó là những vườn cây đẹp, với những võng rất đẹp, lớn, đầy hoa, mà có nhiều Thiên Nữ chào đón mình. Nếu kiểm chứng các cõi trời Phật dạy trong kinh, thì Thiên Đường đó chính là cõi trời của A-Tu-La. A-Tu-La là những người hiếu chiến, nhưng rất hào hiệp, bố thí rất nhiều mới được sinh vào loài này. Thiên nữ A-Tu-La rất đẹp. Cõi trời A-Tu-La nằm dưới cõi trời Đao Lợi. Nên cứu cánh thiên đường của những người theo hồi giáo chỉ đến đó thôi.

Đạo Phật có cái hay nhất là mô tả rõ tất cả, và soi sáng cho chúng ta hiểu rõ mức độ nông sâu của thế giới này. Đọc đạo Phật rồi, khi nhìn tất cả đạo khác, ta sẽ thấy rất rõ tùy theo mức độ tâm thức của vị giáo chủ ấy đi sâu đến độ nào. Ngược lại,những người ở tôn giáo khác, đọc đạo Phật lại thấy mờ mịt, không hiểu gì mấy.

Còn về Cơ Đốc giáo thì Thiên Đường của họ cao hơn, nhưng vẫn không có tam muội lớn. Chỉ có Thánh Joan ngồi trên một hòn đảo, giây phút xuất thần nhìn được một khung cảnh trời dục giới, nên viết ra cuốn Apocalypse. Mặc dù đức Christ là một vị Bồ Tát khá cao, nhưng ngài chỉ nói đến vậy thôi. Còn những giáo sĩ của họ lại nói thấp xuống hơn nữa. Cứ nói là Thiên Đường Vĩnh Cửu, hay vào Địa Ngục Vĩnh Cửu. Vì sao? Vì chúng sanh chỉ cần biết như thế thôi, căn cơ hạn hẹp, chỉ muốn nghe đến một giáo điều đơn giản, hoặc hoàn toàn nương vào một đấng thần linh nào đó để khỏi phải suy nghĩ. Trái lại, trong đạo Phật, phải triển khai trí huệ, phải vượt lên nữa, đến tầng trời sắc giới, rồi vô sắc giới. Lên đến đây, cũng chưa ăn thua gì, phải ra khỏi ba cõi, ra khỏi cả Đại Thiên thế giới, đứng nhìn tất cả thế giới khác, rồi thu tất cả thế giới ấy vào trong thân tâm của mình. Bấy nhiêu cũng đủ thấy sự mênh mang của đạo Phật đến độ nào.

Chúng ta là những người, tuy rằng phiền não chất ngất, vô minh còn dầy đặc, tham, sân, si còn nhiều, nhưng chúng ta tin được những điều đó thì đủ biết túc duyên rất hy hữu. Vì tôi đi thuyết pháp nhiều nơi, tôi thấy không có mấy người tin được Đại Thừa, và cũng không có mấy người hiểu, vì nó mênh mang quá.

Còn thiên đường của Ấn Độ giáo là vào cõi sắc giới và cõi vô sắc giới. Vì vậy, đức Phật mới thị hiện thọ sanh bên Ấn, vì để giáo hóa ngoại đạo, vì họ rất chịu khó tu tập, nhưng chỉ lên được đến tầng trời cõi sắc và cõi vô sắc thôi, rồi dừng ở đó, tưởng đó là Niết Bàn, là giải thoát rồi.

Nay, nói đến triết học của thế gian và khoa học. Ta thấy rằng tất cả những thứ ấy đều nằm trong lưới của vọng thức, chính họ cũng không hay biết. Tôi nghĩ, một người học Phật nếu nói về khoa học, phải biết thâu tóm tất cả pháp thế gian vào trong pháp của chư Phật, vì tất cả những thứ đó đều là vọng thức, đều là kết quả của ý thức thứ sáu, và của đôi mắt thịt. Ngay như nhà khoa học nổi tiếng Enstein, cũng chỉ có một đôi mắt thịt, với bộ óc suy tư bằng ý thức thứ sáu, chưa vào được tiềm thức, chưa vào được vô thức, chưa tập thiền, chưa có đến thiên nhãn nữa. Nên cũng chỉ nhìn được một khúc của pháp giới thôi; Rõ rệt là tất cả những gì ông nghĩ ra cũng không hơn gì chúng ta lắm, một chút thông minh hơn, quan sát sắc bén hơn, sử dụng chất xám nhiều hơn, biết phương trình toán nhiều hơn, biết lý luận trên sự kiện trong pháp giới hơn v.v…, rồi nghĩ ra một màng lưới của vọng thức mà thôi, vẫn còn rơi vào trong vòng nhị biên, có đối đãi, có ta và không ta.

Nay, nói đến triết học, thứ triết học ngày xưa cao siêu nhất của Tây Phương là Platon, nó là cha đẻ của những triết học tây phương sau này. Platon chê thế giới của cảm giác, tức là ông ta chê thọ ấm, thì cái đó đúng như trong nhà Phật đã nói, rồi Platon lại nói rằng, trên thế giới của cảm giác còn có một thế giới nữa đó là thế giới của ý niệm, tức là thế giới của tâm tưởng, như vậy ông đã vào đến tưởng ấm. Nhưng đến đây thì ngừng lại, và bảo rằng thế giới này là cao siêu nhất, là cuối cùng, là đến mức tuyệt đối rồi. Tức là ông đã đi qua được thọ ấm, vào được đến tưởng ấm, mà không vào được đến tưởng ấm, mà không vào được đến hành ấm và thức ấm. Còn Aristos, Descartes v.v… thì còn thấp hơn nữa. Nhưng không phải thế mà người đời không sùng mộ, vì sao? Vì người đời đa số chỉ hiểu được đến đó thôi. Nên có những phong trào Đạo chỉ nói đến những gì rất thấp, ngay cả đưa vàọ giáo điều những sự thiển cận, láo lếu thì thiên hạ họ lại theo ùn ùn, còn những kinh cao siêu mầu nhiệm của Đại Thừa thì họ lại ngại, bỏ đi hết.

Nên phải hiểu rằng, các “tà sư” bây giờ, tất cả những vị nào tự xưng mình là gì gì, rồi chỉ nói đến giáo lý thiển cận, cầu mong được cái này, cái nọ v.v…, đều là những người ĐẠI VỌNG NGỮ. Như có vị tự xưng mình là Ngọc Hoàng Thượng Đế, có vị tự xưng là Pháp Hoa Giáo Chủ, là Di Lặc xuất thế v.v… nhưng cuối cùng chẳng thấy gì khá cả, chỉ thấy lấy nhiều vợ, sinh con đẻ cái, làm những chuyện dâm dục, mà nói pháp thì chỉ tưởng tượng ra mà nói. Có thể những người đó có một chút ma lực hỗ trợ, nói pháp vẫn có người nghe, và mê hoặc được ít người khác.

Trở lại vấn đề triết học, chúng ta thấy rằng không có một triết gia nào hiểu về “tứ cú” cả (có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không), không ai có thể hiểu rằng, thế giới này có thể là có, có thể là không, có thể là cũng có cũng không, có thể là chẳng có chẳng không, cũng có thể là không không, tùy theo tâm thức lắt lay của từng chúng sanh mà thôi. Chỉ có mỗi Sartre nói được một câu:

“Tâm thức của con người rỗng lặng, mà nó có khả năng rất kỳ diệu, có thể hư vô hóa sự vật,” nhưng sau đó lại không triển khai được gì.

Bây giờ nói đến khoa học. Chúng ta ai cũng sùng bái khoa học, vì khoa học đi vào ngoại giới khá sâu, cái “ghê gớm” nhất của nó là tạo được một vài thần thông nho nhỏ sáng chế ra các thứ máy, như xe hơi, máy bay, điện thoại, Computer và nhiều thứ khác. Nhưng nếu nghĩ kỹ thì khoa học chỉ có thể tạo những tiện nghi cho thể xác này thôi, không thể tạo được sự bình an cho tâm hồn. Và khoa học càng tiến bao nhiêu thì tâm hồn chúng ta càng lắt lay bấy nhiêu, càng thấy chênh vênh và nhiều phiền toái bấy nhiêu. Suy nghĩ kỹ hơn sẽ thấy rằng khoa học giải quyết “chân lý” có tính cách rất giai đoạn, không có gì gọi là tuyệt đối cả, chỉ là một chân lý tương đối thôi.

Thí dụ như ngày xưa, khoa học tin rằng pháp giới chỉ có một trái đất này thôi, nhưng đến bây giờ, lại thấy có rất nhiều thái dương hệ, mà trong một thái dương hệ có rất nhiều hành tinh quay chung quanh. Ngày xưa, cũng nghĩ rằng chỉ có một kiếp thôi, sống xong rồi, chết đi là hết, đi vào hư vô, đoạn diệt hết. Nhưng bây giờ, có nhiều sách thần bí học nói đến nhiều kiếp khác, lại có nhưng vị bác sĩ thu thập chứng nhân của những người chết rồi trở lại, hay họ dùng thôi miên để khiến người bệnh trở về những kiếp trước, nên một số y sĩ công nhận còn có những kiếp khác nữa. Dân chúng tây phương, dần dần hơi tin rằng còn có kiếp khác, có cõi khác…

Lại có những điều giáo lý nhà Phật nói từ lâu xa rồi, khoa học cần phải đến cả trăm năm mới thấy. Như cách đây khoảng bốn mươi, năm mươi năm, khoa học đi vào lãnh vực của hạt tử, họ hăm hở đi kiếm một hạt tử cuối cùng, lấy đó làm viên gạch cơ bản để vẽ cái mô hình của pháp giới này. Bắt đầu họ thấy được nguyên tử, tưởng đó là mức cùng tận rồi, nhưng xăm soi mãi, (vọng thức nổi lên), thì lại thấy có nhiềụ dương điện tử, âm điện tử và những hạt neutron, rồi lại cho đó là viên gạch cuối cùng, nhưng cũng … không phải. Rồi lại tìm kiếm mãi, bây giờ thấy được khoảng hai trăm thứ hạt tử khác nhau, mà mỗi hạt tử ngày càng biến ảo kỳ diệu, có thứ chỉ tồn tại trong một phần tỷ giây đồng hồ thôi rồi biến mất. Lúc này, khoa học bị rơi vào một vũng lầy, không biết được thế nào là đúng nữa, vì càng đi sâu bao nhiêu, nó lại càng biến ảo bấy nhiêu. Nhưngg trong kinh Lăng Già nói khơi khơi từ lâu rồi, Phật dạy rằng “Cho đến vi trần, phân tích tìm cầu trọn không thể được” (kinh Lăng Già, trang 97). Ý ngài muốn nói rằng, các ông tìm một vi trần cuối cùng thì không thể nào được cả, vì như vậy, ông đi dần vào hư không, mà càng đi sâu bao nhiêu thì càng biến ảo bấy nhiêu, không thể nắm được cái gì, vì cái gì cũng bất khả đắc… Là vì Phật có ngũ nhãn, nhìn thấy vi trần và cõi.

Một điểm nữa tôi muốn nói thêm ở đây là điểm cỗi nguồn. Khoa học từ lâu, từ thời Newton đến giờ, người nào cũng săm săm tuyên bố rằng mình sắp khám phá được cỗi nguồn của vũ trụ này. Nhưng kiếm gần một trăm năm chục năm nay cũng chưa thấy đến đâu cả, càng ngày càng thấy mông lung, mù mịt, vì sao? Vì cái cỗi nguồn ấy là ở chỗ vô hình, không phải ở chỗ hữu hình, mà khoa học chỉ có khả năng đi tìm những gì có hình tướng thôi, muốn tìm được nguyên nhân của nó, phải đi vào thiền định mới hiểu được. Đôi khi, tôi thấy khọa học thật ngớ ngẩn và ngây thơ. Như ngày xưa có thuyết “big bang” của một vị bác học, cho rằng nguyên thủy, vũ trụ này chỉ là một cục vật chất, rất đặc, rồi tự nhiên nó nổ tung ra thành các tinh hà, vũ trụ.

Chỉ nghe thế thôi cũng đã thấy mấy vị khoa học đó ngây thơ chỉ biết chấp vào những gì lăng xăng bên ngoài, những gì có hình tướng (vốn là những vọng thức kết tập từ thời vô thủy), rồi từ đó-cộng thêm những ý thức phân biệt-lý giải lăng nhăng. Cái gì là một cục vật chất có thể hết sức đặc được? lại nữa, cái gì làm cho cái cục “hết sức đặc” ấy tự nhiên lại nổ tung lên? Rồi tạo thành những tinh hà, rồi tự nhiên lại có cây cỏ, người, vật, núi non v.v… xuất hiện? Đủ hiểu, các nhà khoa học tuy có nhiều óc duy lý thật nhưng nhiều khi cũng ngây thơ như trẻ nít vậy. Và nhiều nhà khoa học lại sùng bái thuyết big bang ấy. Như vậy, khoa học không thể hiểu rằng cái cỗi nguồn là ở chỗ vô hình, vì hình tướng là hữu hạn, làm sao có thể làm cỗi nguồn cho pháp giới vô hạn này?

Chúng ta nên nhớ kỹ những điều ấy, mới thấy túc duyên của chúng ta thật là lớn lao, và cũng nên thỉnh thoảng suy nghĩ đến giáo lý tối thắng của chư Phật thì công đức rất nhiều.

Chân lý của kinh là chân lý sống. Tôi đọc kinh từ hai chục năm nay, cũng có lúc chán ứ lên những lời kinh, và thấy nản. Những lúc nản thế, tôi lại ngồi nghĩ lại những khuôn mặt thân yêu của mình từ cha, mẹ, vợ, các người bạn già thân yêu đã khuất v.v…, nghĩ như thế, tôi lại quay ra … đọc kinh trở lại. Vì không còn một cách nào khác làm cho tâm hồn mình có thể nguôi ngoai được. Vì chỉ có kinh mới lý giải được bí ẩn của sự sống chết, bí ẩn của biệt ly, bí ẩn của các cõi, các kiếp, mà không có một sách thế gian nào trả lời được…