tiểu thừa kinh điển

Phật Quang Đại Từ Điển

(小乘經典) Cũng gọi Tiểu thừa tu đa la, Thanh văn khế kinh. Đối lại: Đại thừa kinh.Chỉ cho các bộ kinh thuộc về Tiểu thừa, tức các kinh nói về nghĩa lí Tứ đế, Bát chính đạo, Thập nhị nhân duyên… như Tứ a hàm của Bắc truyền, Ngũ ni kha da của Nam truyền… Tiểu thừa kinh là từ ngữ có hàm ý chê bai của tín đồ Phật giáo Bắc truyền đặt ra,chứ chẳng phải Phật giáo nguyên thủy ở Ấn độ vốn có, mà tín đồ Phật giáo Nam truyền cũng không thừa nhận danh từ này. Xét theo các bộ kinh lục thì như Đạo an lục, Xuất tam tạng kí tập đều không phân biệt kinh Đại thừa, kinh Tiểu thừa. Theo Lịch đại tam bảo kỉ quyển 15 thì Tề thế chúng kinh mục lục của ngài Pháp Thượng cũng không phân biệt kinh Đại thừa và kinh Tiểu thừa. Nhưng Tống thế chúng kinh biệt lục thì chia ra Đại thừa kinh lục và Tiểu thừa kinh lục khác nhau, trong đó, Tiểu thừa kinh lục tổng cộng có 651 bộ, 1682 quyển và có 174 bộ, 184 quyển không phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa được xếp riêng ra, gọi là Đại Tiểu thừa bất phán lục. Ngụy thế chúng kinh mục lục của Lí quách cũng lập riêng kinh, luật, luận của Đại thừa và Tiểu thừa, trong đó mục lục kinh, luật Tiểu thừa có 69 bộ. Lương thế chúng kinh mục lục của ngài Bảo xướng ghi kinh Tiểu thừa 285 bộ, 400 quyển. Chúng kinh mục lục của ngài Pháp kinh đời Tùy thì chia kinh, luật, luận Tiểu thừa, Đại thừa làm 6 loại: Nhất dịch(chỉ có 1 bản dịch), Dị dịch(có các bản dịch khác), Thất dịch(mất tên người dịch), Biệt sinh(kinh sao chép thành 1 bản lưu hành riêng rẽ), Nghi hoặc (ngờ là kinh giả) và Ngụy vọng(kinh giả), trong đó, kinh Tiểu thừa tổng cộng có 842 bộ, 1201 quyển. Cũng sách đã dẫn quyển 14, chia kinh Tiểu thừa làm 2 loại: Hữu dịch(có tên dịch giả)và Thất dịch(mất tên dịch giả), tất cả gồm 425 bộ, 1009 quyển. Ngoài ra, Khai nguyên thích giáo lục quyển 20 thì nêu kinh Tiểu thừa gồm 240 bộ, 618 quyển. [X. Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.23, 25, 26, 30; Ngạn tông lục; Đại minh tam tạng thánh giáo mục lục]. (xt. Đại Thừa Kinh, Tu Đa La Tạng, Kinh).