tiếp tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(接心) Cũng gọi Tiếp tâm hội, Nhiếp tâm hội. Tiếng dùng của Phật giáo Nhật Bản. Nghĩa là tọa thiền liên tục trong một thời gian nhất định để nhiếp tâm, khiến cho tâm không tán loạn. Hiện nay ở Nhật bản mỗi năm có 2 mùa an cư là Vũ an cư và Tuyết an cư. Trong 1 hạ lại chia ra 2 kì: Chế trung và Chế gian. Trong 90 ngày Chế trung lại đặt ra sơ, trung, hậu đại tiếp tâm, mỗi mỗi gồm 7 ngày, gọi là Kết chế đại tiếp tâm(cũng gọi Nhập chế đại tiếp tâm), Bán hạ đại tiếp tâm, Giải chế đại tiếp tâm(cũng gọi Hạ mạt đại tiếp tâm). Trước, sau mỗi Đại tiếp tâm lại đặt ra Tiểu tiếp tâm trong thời gian 7 ngày, trước gọi là Địa thủ tiếp tâm, sau gọi là Luyện phản tiếp tâm. Trong thời gian tiếp tâm, mỗi ngày nhiều lần nhập thất, chuyên tâm vào công án. Trong thời gian Tuyết an cư, ngoài 3 lần Đại tiếp tâm ra, đặc biệt còn thực hành Lạp bát đại tiếp tâm(cũng gọi Lạp bát tiếp tâm tọa thiền). Tức y cứ theo sự tích thành đạo của đức Phật, bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng chạp, đại chúng rũ bỏ tất cả mọi việc, ngoại trừ đại tiểu tiện, không được đứng dậy, cũng không được nằm, ngủ, nghỉ, chỉ được ngồi thiền, đến sáng sớm ngày mồng 8 tháng chạp(Lạp bát) mới xả thiền, sau khi tắm tượng Phật thì mọi người bắt đầu tắm gội, rửa sạch cáu bẩn của thân thể trong 7 ngày vừa qua rồi tu hội thành đạo, cúng cháo 5 vị. [X. Ngũ gia tham tường yếu lộ môn phụ lục; Viên giác kinh lược sớ chú Q. hạ, phần 2; môn Thời tiết trong Thiền lâm tượng khí tiên; điều Niên phần hành trì trong Hành trì quĩ phạm].