TIÊN SINH ĐẠI HUỆ
Hạnh Đoan bình thuật
 Trích từ sách đã in: NHÁT KIẾM SAU CÙNG
(Ngụ ngôn Phật giáo)

 

Có một thanh niên nghe đồn trên đỉnh núi Hy-Mã có một vị Thánh nhân đức hạnh cư ngụ, vị Thánh này có trí huệ siêu phàm, tâm linh đã đạt đến cảnh giới hoàn mỹ.

Nghe vậy, thanh niên rất muốn đến gặp Thánh nhân, chàng khăn gói ra đi, trèo đèo vượt suối, trải qua trăm đắng ngàn cay mới lên được núi Hy-Mã.

Chỗ Thánh nhân cư ngụ quả nhiên khác thường: am tranh thơ mộng nằm giữa rừng cây, toát lên một nét u nhã, nên thơ cực kỳ.

Chàng trai cung kính gõ cửa, hơi bất ngờ khi thấy cái đầu bù xù của một mụ già ló ra, tiếp theo đó là khuôn mặt quạu quọ không chút thiện cảm. Chàng trai lễ phép thưa:

– Xin hỏi, tiên sinh Đại Huệ có ở đây không ạ?

Mụ già cổ quái bực bội ra mặt, mụ ngó chàng trai bằng nửa con mắt và hậm hực hỏi:

– Ngươi kiếm lão già rồ dại đó làm chi?

Nghe bà già nói vậy, chàng trai hết sức kinh ngạc. Vì sao một bậc Đại trí huệ có tiếng tăm, uy danh bay xa ngàn dặm như vậy, mà trong mắt mụ già này chỉ là một lão điên?

Chàng trai không nhịn được, chất vấn:

– Bà là gì của tiên sinh Đaị Huệ? Vì sao lại nói ông ta điên?

Bà già trừng mắt, biểu lộ sự phật ý nặng nề:

– Ta chính là mụ vợ xui xẻo của lão khùng ấy đây! Cái lão già chết tiệt! Lúc thì nói bá xàm bá láp, nói toàn những chuyện không ăn nhập gì tới đời sống: nào là tâm linh, bác ái, tốt lành, khai ngộ… rồi có lúc thì ngồi im không nhúc nhích hệt như khúc gỗ ngót mấy ngày. Ổng hành động điên điên khùng khùng như vậy, không phải rồ dại thì là cái gì?…

Bà già càng nói càng giận, kể lể một thôi một hồi rằng lão rồ làm biếng, không chịu cày cấy, chẳng siêng kiếm củi; nhà không còn một hột gạo cũng chẳng thèm lo!… Lão nếu không tản bộ trong rừng thì cũng thẫn thờ ngồi ngắm trời ngắm sao; mà nếu lão không ngắm hoa dại ven đường, thì cũng nô đùa với muông thú, người như vậy mà không quái đản thì là gì?…

Bà già không ngừng moi móc những tật xấu của chồng ra kể, khiến chàng trai càng nghe càng rối. Không hiểu lời đồn về Thánh nhân với lời kể hiện thời bên nào đúng? Chàng nghĩ, mình đã vất vả biết bao mới lên đến núi này, thôi thì dù thật hay hư, dù đúng hay sai, thì cũng phải gặp tiên sinh Đại Huệ một lần cho biết…

Chàng hỏi bà già:

– Vậy… giờ tiên sinh Đại Huệ đang ở đâu?

– Tôi sai ổng vào rừng kiếm ít củi! – Bà già hậm hực nói – Ổng đi cả ngày trời rồi mà vẫn chưa thấy tăm hơi! Mà có khi ổng đi biệt tới mấy ngày mới về! Đúng là ông già khùng vô tích sự!…

Chàng trai chào bà già, thở ra một hơi, tiến thẳng vào rừng. Đi được một đỗi, chàng gặp một lão già râu tóc bạc trắng từ trong rừng đi ra, vừa đi vừa ca hát nghêu ngao. Bên cạnh lão là con cọp và con tinh tinh, con cọp chở bó củi trên lưng còn con tinh tinh thì cầm cái rìu.

Ông lão trẻ như đồng tử, mặt mày hồng hào phương phi và sáng rỡ… nhìn hệt như vầng thái dương vừa ló dạng lúc bình minh. Mặt ông tràn ngập hỉ lạc, trên má còn dính mấy giọt sương; ông khoan thai bước, nhẹ nhàng và vững chãi như cây đại thụ, an tĩnh, đĩnh đạc.

Trong lòng chàng trai trào dâng một niềm hân hoan ngưỡng mộ, chàng chắp tay vái chào:

– Có phải Ngài là tiên sinh Đại Huệ?…

– Ông lão mỉm cười, nụ cười hiền hòa chơn chất, thanh khiết như bầu trời mùa thu.

Nghe chàng trai kể lể, Tiên sinh Đại Huệ vui vẻ nói:

– Những gì cậu thấy, nghe… đều đúng hết; nhưng mà những thống khổ bà ấy tặng, tôi có chia cho đám bạn thú này cùng hưởng chung nè!

– Thưa tiên sinh, Ngài rõ là một bậc Đại trí huệ, nhưng tôi không hiểu sao ngài lại cam tâm chung sống với một người dữ dằn, luôn miệt thị ngài là rồ dại?

– Điều này có gì lạ đâu? Người nào xem trọng vật chất, thiên về hình tướng thì họ sẽ cho những người duy tâm, sống thiên về tinh thần là rồ dại, là khùng!…

– Ngài có thể thuần hóa ác thú dễ dàng, vì sao lại không thể cảm hóa bà nhà?

– Chàng trai ạ! Đừng bất bình vì sự hiện diện của bà ấy, vì chỉ có những người như bà ấy mới có thể đem đến sự mài luyện tuyệt hảo! Song, “bả” mài luyện được gì thì phải đích thân trải qua mới biết, chứ nói… cậu không tưởng tượng được đâu!

Chàng trai nghe xong, cảm phục, bái tiên sinh làm thầy.

Từ đó, nếu như có ai đến gõ cửa nhà vị Thánh nhân thì lúc nào cũng có một bà già hung dữ ra mở cửa, câu nói của bà bây giờ là: “Này! Tìm lão khùng và thằng nhỏ điên đó nữa phải không?”…
(Kể theo nguyên tác Hán văn: “Đột Phá Khổn Cảnh” của Lâm Thanh Huyền)

Bình:

Nhà hiền triết Socrates có rất đông đệ tử. Ngày nọ, một đệ tử đến thưa:

– Sư phụ! Con sắp kết hôn, ngài có lời nào chúc phúc cho con không?

Socrates nói:

– Ta chúc mừng con! Nếu như con cưới được vợ hiền, thông minh thì con sẽ trải qua chuỗi ngày hạnh phúc. Nếu con cưới được vợ dữ thì con sẽ giống như ta: Trở thành một triết gia!

Hôm khác, có vị môn sinh đến thưa với ông:

– Sư phụ, con muốn ly dị, ngài có lời nào dạy cho con không?

Socrates bảo:

– Nếu như trước đây đời sống hôn nhân của con hạnh phúc, thì ta chúc mừng con! Vì con đã có một hồi ức tốt đẹp. Còn nếu cuộc hôn nhân của con trước đây không hạnh phúc, thì ta cũng chia vui với con: – Vì con sắp được… giải thoát, tự do!

*

Vậy thì, hỡi các chàng trai! Đừng nên quá lo lắng, ưu tư về chuyện vợ mình hiền hay dữ!

Thực ra, dù hoàn cảnh sống tồi tệ đến mấy người trí luôn nhìn sự việc ở khía cạnh lạc quan, khoan dung. Việc rũ bỏ, tránh xa một người xấu tính, ai cũng ngán – là rất dễ – song, bao dung, kham nhẫn họ… thì chỉ người giàu lòng nhân hậu mới làm được điều này. Tiên sinh Đại Huệ không hề dùng bà già như một công cụ luyện tâm, ông cảm hóa nổi thú dữ thì việc chịu đựng bà vợ chua ngoa cũng không khó. Mà ông cũng không hề khổ khi ở cạnh bà và còn nhận ra đó là một thiện tri thức giúp ông rèn tâm rất tuyệt!… Còn bà vợ luôn càu nhàu gấu ó mới là người đau khổ. Chính tâm tư bình an và thái độ ung dung siêu thoát của Đại Huệ đã khiến mọi người tôn sùng ông chứ không phải vì ông có bà vợ dữ, hay cách sống lập dị, khác đời.