tiên hậu đối

Phật Quang Đại Từ Điển

(先後對) Tiếng dùng trong Nhân minh. Trước sau đối nhau, 1 trong 3 tiêu chuẩn để phân biệt giữa Tự tính và Sai biệt trong Nhân minh. Tiên là trước, tức chỉ cho Tiền trần (danh từ trước – chủ từ)của Tông(mệnh đề); Hậu là sau, tức chỉ cho Hậu trần(danh từ sau – thuật từ) của Tông. Tiền trần đứng đầu Tông thể, trước nó không có pháp nào để trình bày phân biệt, cho nên gọi là Tự tính; Hậu trần đứng sau Tông thể, có nhiệm vụ trình bày rõ đặc sắc của Tiền trần, vì thế nên gọi là Sai biệt. Chẳng hạn như trong luận thức: Tông:Đá kim cương có thể đốt cháy. Nhân:Vì có thán tố. Trong luận thức trên, Đá kim cương là Tiền trần, trước nó không có một pháp nào để trình bày, phân biệt. Còn có thể đốt cháy là Hậu trần nói rõ về tính chất của Tiền trần là Đá kim cương. Nếu chỉ có một vế Tiền trần Đá kim cương thì không đủ ý nghĩa, phải nối liền với vế Hậu trần có thể đốt cháy mới nói lên được cái đặc sắc của Tông và cấu thành điều kiện tất yếu của cuộc tranh luận. [X. Nhân minh học (Ngu ngu); Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)]. (xt. Thể).