tiêm

Phật Quang Đại Từ Điển

(尖) I. Tiêm. Một dụng cụ nhỏ làm bằng tre hoặc gỗ, đầu nhọn và sắc có thể đâm thủng ác vật.Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 3 (Đại 24, 218 thượng) nói: Khi các tỉ khưu khâu 3 áo, nếu dùng thẻ tre đầu nhọn hay cuống lông cánh chim đâm thủng áo, thì áo sẽ bị tổn hại. Phật dạy: Phải dùng kim. [X. Căn bản Tát bà đa bộ luật nhiếp Q.5; Tuệ lâm âm nghĩa Q.60]. II. Tiêm. Thanh tre hoặc miếng giấy dùng để viết chữ, phù hiệu… hầu dễ ghi nhớ. Trong Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm quyển 1, thượng, ngài Trạm nhiên đời Đường thuật lại nguyên do ngài soạn bộ Pháp hoa huyền nghĩa chú sớ như sau: Trước đây, lúc còn ở trên núi Thailãnh, có nhiều người đến hỏi nghĩa kinh, tôi tạm ghi vào các tấm thẻ(tiêm), chưa thành văn. Sau này, tôi xem lại, sửa chữa và trau chuốt các câu để trình bày kiến thức cạn hẹp của mình. Ngoài ra, cái thẻ tre dùng để cầu thần xem việc lành dữ cũng là một loại Tiêm. Người ta làm những chiếc thẻ tre có ghi số đếm để trong một cái ống, khấn thần rồi lắc ống, hễ thẻ nào rơi ra thì lấy thẻ ấy mà đoán lành dữ, gọi là Linh tiêm(thẻ linh nghiệm), cũng gọi là Thi tiêm, vì mỗi thẻ đều có một bài thơ ứng theo để xem tốt hay xấu.