tịch tri chỉ thể

Phật Quang Đại Từ Điển

(寂知指體) Tịch tri là cái biết rỗng rang, vắng lặng, là cái Linh tri; Tịch tri chỉ thể nghĩa là chúng sinh từ vô thủy vốn lấy Tịch tri làm bản thể. Đây là giáo nghĩa cốt lõi của hệ phái Hà trạch Thần hội (670-762) thuộc Thiền Nam tông. Tức chủ trương mọi người đều có cái biết rỗng lặng tiên thiên, là bản thể của phàm thánh. Theo Viên giác kinh đại sớ sao của ngài Tông mật thì muôn pháp đều không, tâm thể vốn lặng, lặng tức pháp thân (bản thể của các pháp), rõ biết được cái lí thể rỗng lặng này thì tức là chân trí, cũng chính là Bồ đề, Niết bàn, Chân như, đó chính là nguồn tâm của chúng sinh, là pháp sẵn có tự nhiên. Nói theo phương diện bản chất của tâm tính con người thì Thức sinh ra vạn pháp là cái vọng niệm, nếu phủ định vọng niệm thì còn lại là tâm rỗng lặng, không có bất cứ hoạt động phân biệt nào. Tâm tính này là cái linh tri bất muội, gọi là Không tịch tri gọi tắt Tịch tri, hoặc gọi là Niết bàn, Chân như, Bồ đề, Chân tri, Pháp thân, Phật tính, là cái tâm tính linh tri ai ai cũng có. Bản chất của sự tu tập Phật đạo là sự thấy biết trực tiếp, hiểu rõ cái tịch tri sẵn có của chính mình, không cần phải tìm Phật ngoài tâm, cho nên chủ trương một chữ Tri là cửa của mọi sự mầu nhiệm. [X. Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự Q.2].