tịch tĩnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(寂靜) I. Tịch Tĩnh. Trạng thái tĩnh lặng bình đẳng khi tâm an trụ ở một chỗ. Xa lìa tinh thần dao động do bản năng sinh khởi, gọi là Tịch; đoạn trừ nguyên nhân gây ra tất cả cảm giác khổ đau, hiển hiện trạng thái tĩnh lặng, gọi là Tĩnh. [X. luận Hiển dương thánh giáo Q.13; luận Lục môn giáo thụ tập định; luận Vãng sinh]. II. Tịch Tĩnh. Chỉ cho sự tịch diệt vô tướng của Niết bàn. Không sinh tức là Tịch; không diệt tức là Tĩnh. Cảnh giới Niết bàn xa lìa các khổ, yên lặng thường trụ, không sinh không diệt, nên gọi là Tịchtĩnh. Luận Du già sư địa quyển 50 nêu ra 4 thứ Tịch tĩnh của Hữu dư y và Vô dư y như sau: 1. Hữu dư y: a. Khổ tịch tĩnh: Dứt hết các lậu và đoạn trừ các khổ của Hậu hữu, làm cho pháp đương lai không sinh. b. Phiền não tịch tĩnh: Đoạn trừ tất cả phiền não, được pháp vĩnh viễn không sinh. c. Bất tổn não hữu tình tịch tĩnh: Dứt hẳn các phiền não, không tạo ác, tu tập tất cả pháp lành. d. Xả tịch tĩnh: Thường ở trong tính xả, không mừng không lo, chẳng vui chẳng buồn, an trụ nơi chính niệm chính tri. 2. Vô dư y: a. Số giáo tịch tĩnh: Dứt các số lượng và ngôn giáo. b. Nhất thiết y tịch tĩnh: Xa lìa 8 y(từ Thi thiết y đến Hậu biên y trong Hữu dư y). c. Y y khổ tịch tĩnh: Dựa theo 8 y nói trên, mà diệt hẳn các khổ cho chúng sinh. d. Y y khổ sinh nghi lự tịch tĩnh: Dựa theo 8 y nói trên, không sinh khởi nghi ngờ về khổ. [X. Pháp uẩn túc luận Q.4, 6; luận Bát nhã đăng Q.2; luận Thập bát không; luận Cứu cánh nhất thừa bảo tính Q.1; Du già luận kí Q.24].