thuyết thính tứ cú

Phật Quang Đại Từ Điển

(說聽四句) Chỉ cho 4 câu: Duy thuyết vô thính, Duy thính vô thuyết, Thuyết thính song tồn, Thuyết thính song tịch. Ý nghĩa của 4 câu này là phân biệt sự nói pháp của Phật và sự nghe pháp của chúng sinh. Dụng ngữ này được thấy trong Hoa nghiêm huyền đàm của ngài Trừng quán. Bốn câu này có 2 loại là Đồng giáo và Biệt giáo.A. Nói theo Đồng giáo: 1. Duy thuyết vô thính: Chỉ nói mà không có nghe. Nghĩa là ngoài chân tâm của Phật không có chúng sinh riêng khác, vì chân tâm của chúng sinh chính là chân tâm của Phật, cho nên giáo pháp được nói ra chỉ là sở hiện của Phật. 2. Duy thính vô thuyết: Chỉ có nghe mà không có nói. Nghĩa là ngoài tâm của chúng sinh, không có Phật nào khác, vì chân tâm của Phật chính là chân tâm của chúng sinh, cho nên giáo pháp được nói ra, chỉ là do chúng sinh tự hiện. 3. Thuyết thính song tồn: Có nói và có nghe. Nghĩa là khi chân tâm của Phật hiển hiện thì không cản trở việc hiển hiện của chân tâm chúng sinh, cho nên nói và nghe, cả 2 giáo đều lập. 4. Thuyết thính song tịch: Không có nói cũng chẳng có nghe. Nghĩa là Phật chính là chúng sinh, vì thế chẳng phải Phật; chúng sinh chính là Phật, vì thế chẳng phải chúng sinh; cả hai đều lặng bặt, cho nên người nói pháp không nói, không dạy, người nghe pháp cũng không nghe, không nhận. Trên đây là sự giải thích theo Đồng giáo, thuộc về thuyết Sự lí vô ngại. B. Nói theo Biệt giáo: 1. Duy thuyết vô thính: Chúng sinh hoàn toàn ở trong tâm chư Phật, Quả môn thu nhiếp tất cả pháp không sót, vì thế giáo pháp được nói chỉ là sở hiện của Phật. 2. Duy thính vô thuyết: Phật hoàn toàn ở trong tâm chúng sinh, Nhân môn thu nhiếp tất cả pháp không sót, cho nên giáo pháp được nói chính là do tâm của chúng sinh tự hiện. 3. Thuyết thính song tồn: Chúng sinh và Phật ở trong nhau, mỗi bên đều chân thực, không hư dối, nhân quả giao xen, tùy mỗi Thánh giáo đều ở trong 2 tâm, cho nên Phật trong tâm chúng sinh nói pháp cho chúng sinh trong tâm Phật nghe, còn chúng sinh trong tâm Phật thì nghe Phật nói pháp trong tâm chúng sinh. 4. Thuyết thính song tịch: Khi chúng sinh hoàn toàn ở trong Phật thì chúng sinh giống với Phật chứ chẳng phải chúng sinh; khi Phật hoàn toàn ở trong chúng sinh thì Phật giống với chúng sinh chứ chẳng phải Phật, 2 tướng đều mất, 2 vị đều dung nhau thì tùy mỗi Thánh giáo, đều chẳng phải 2 tâm, cho nên chúng sinh trong tâm Phật không nghe và Phật trong tâm chúng sinh cũng không nói. Trên đây là sự giải thích theo Biệt giáo, thuộc về thuyết Sự sự vô ngại. [X. Đại minh tam tạng pháp số Q.14].