thuyết thính phương quỹ

Phật Quang Đại Từ Điển

(說聽方軌) Những điều mà người nói pháp cũng như người nghe pháp cần lưu ý. Những pháp môn do đức Phật nói có năng lực làm cho chúng sinh chuyển mê khai ngộ, cho nên người nói pháp và người nghe pháp đều phải lưu tâm chú ý. Theo kinh Tư ích phạm thiên sở vấn quyển 2 thì đức Phật dạy có 2 hạng người có thể được phúc vô lượng, một là người chuyên một việc nói pháp, hai là người nhất tâm nghe nhận. Còn Thập địa kinh luận quyển 1 thì cho rằng người nói pháp dùng 2 thứ danh tự và âm thanh để nói, người nghe pháp cũng dùng 2 thứ ấy để nghe. Về hành nghi của sự nói pháp và sự nghe pháp, theo kinh Ưu bà tắc giới quyển 2, nếu người có đủ 8 trí như Pháp trí, Nghĩa trí… thì sự nói pháp của họ có đủ 16 việc như sau: Tùy thời mà nói, hết lòng mà nói, nói pháp theo thứ tự, nói pháp một cách hòa hợp, theo nghĩa mà nói, nói pháp một cách hoan hỷ, theo ý mà nói, nói pháp không khinh thường thính chúng, nói pháp không la mắng thính chúng, nói đúng như pháp, nói pháp lợi mình lợi người, nói pháp không tán loạn, nói pháp hợp nghĩa, nói pháp chân chính, nói pháp rồi không sinh kiêu mạn và nói rồi không cầu quả báo đời sau. Còn người nghe pháp cũng đủ 16 việc: Nghe tùy thời, vui nghe, chí tâm nghe, cung kính nghe, không nghe để tìm lỗi, không nghe vì nghị luận, không vì hơn thua mà nghe, khi nghe không khinh thường người nói, khi nghe không khinh thường pháp, nghe xong không tự khinh mình, khi nghe phải xa lìa 5 loại phiền não, nghe vì thụ trì đọc tụng, nghe vì diệt trừ 5 dục, nghe vì bồi đắp tín tâm, nghe vì điều phục chúng sinh và nghe vì đoạn trừ các căn ám độn. Ngoài ra, theo kinh Đại pháp cự đà la ni quyển 13, Thuyết pháp sư phải có tâm nín nhịn, thương xót, dịu dàng, nhún nhường…, nếu ôm lòng ganh ghét, hơn thua thì sẽ bị đại trọng tội. Nếu đem lòng từ bi nói pháp thì sẽ thành tựu đại công đức, làm cho Phật pháp tồn tại lâu ở đời. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ cũng nói sơ qua về tư cách người nghe pháp, cho rằng người không có căn lành thì không được nghe kinh này; chỉ có những người giữ giới thanh tịnh mới được nghe chính pháp. [X. kinh Đại pháp cự đà la ni Q.17; An lạc tập Q. thượng (Đạoxước); Pháp uyển châu lâm Q.23; Thích thị yếu lãm Q. hạ]. (xt. Thuyết Pháp).