thuyết pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(說法) Phạm: Dharma-dezanà. Pàli: Dhamma-desanà. Đồng nghĩa: Thuyết giáo, Thuyết kinh, Diễn thuyết, Pháp thí, Pháp độc, Pháp đàm, Đàm nghĩa, Tán thán, Khuyến hóa, Xướng đạo.Giảng nói Phật pháp để giáo hóa làm lợi ích cho chúng sinh. Việc thuyết pháp của đức Phật là tùy theo năng lực, căn cơ… chúng sinh mà ban cho họ giáo pháp thích hợp để đạt đến hiệu quả trọn vẹn. Trong một hội thuyết pháp, Phật dùng một âm thanh diễn nói giáo pháp, người nghe tùy theo căn cơ mà hiểu sâu, cạn khác nhau. Cứ theo kinh Tư ích phạm thiên sở vấn quyển 2 thì Phật dùng 5 lực dụng mà nói pháp trong 5 trường hợp sau đây: 1. Ngôn thuyết: Lời nói. Nghĩa là Phật dùng lời nói khế hợp với chân lí để nói về các pháp 3 đời, pháp thế gian và xuất thế gian, pháp có tội không tội, pháp hữu lậu vô lậu… 2. Tùy nghi: Nghĩa là Phật tùy theo năng lực, căn tính… của chúng sinh mà nói các giáo pháp thiên, viên, tiệm, đốn… 3. Phương tiện: Nghĩa là Phật dùng phương tiện khéo léo như nói bố thí sẽ được phúc lớn, giữ giới sẽ được sinh lên cõi trời… để khuyến khích chúng sinh tu thiện mà ra khỏi biển khổ. 4. Pháp môn: Nghĩa là đức Phật nói pháp thù thắng để hiển bày đạoBồ đề. 5. Đại bi: Vì cứu độ chúng sinh nên Phật dùng tâm đại bi dắt dẫn họ, đối với người chấp không thì nói có, với người hay oán giận thì nói từ bi… Về tư cách thuyết pháp thì có 5 hạng người gọi là Ngũ thuyết, hoặc Ngũ chủng thuyết nhân. Theo luận Đại trí độ quyển 2, Ngũ chủng thuyết nhân là: Phật, đệ tử Phật, tiên nhân, chư thiên và hóa nhân (Phật, Bồ tát hoặc La hán… ẩn tướng chân thực mà hiển hiện dưới mọi hình tượng để thuyết pháp). Trong Quán kinh sớ huyền nghĩa phần của ngài Thiện đạo thì nêu Ngũ chủng nhân là: Phật, Thánh đệ tử, Thiên tiên, Quỉ thần và biến hóa. Ngoài ra, trong Hoa nghiêm kinh sớ quyển 1 của ngài Trừng quán thì nêu: Phật, Bồ tát, Thanh văn, chúng sinh và khí giới(núi, sông, đất đai…) giảng nói giáo pháp trong kinh Hoa nghiêm, gọi là Ngũ loại thuyết hoặc Ngũ loại thuyết pháp. Còn theo Đại nhật kinh sớ quyển 7 của ngài Nhất hạnh thì Ngũ chủng thuyết chân ngôn là: Như lai, Kim cương tát đỏa, Nhị thừa, chư thiên và Địa cư thiên. Thuyết pháp thuộc về pháp lí, là việc mà người xuất gia phải làm. Theo phẩm Phápsư trong kinh Pháp hoa quyển 4 thì người thuyết pháp phải vào nhà Như lai (có nghĩa là đại từ bi), mặc áo Như lai(nhu hòa nhịn nhục), ngồi tòa Như lai(các pháp không). Kinh Ưu bà tắc giới quyển 2 cũng nêu 16 việc liên quan đến thuyết pháp như: Thời thuyết, Chí tâm thuyết, Thứ đệ thuyết, Hòa hợp thuyết, Tùy nghĩa thuyết… [X. phẩm Tứ nhiếp trong kinh Đại phẩm bát nhã Q.24; phẩm Quán thếâm bồ tát phổ môn trong kinh Pháp hoa Q.7; luật Tứ phần Q.52; luật Ngũ phần Q.18; luận Thập trụ tì bà sa Q.7; luận Du già sư địa Q.45; luận Đại trí độ Q.1, 28; luận Hiển dương thánh giáo Q.17; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.6 thượng; Pháp uyển châu lâm Q.23]. (xt. Xướng Đạo).