thuyết pháp minh nhãn luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(說法明眼論) Luận, 1 quyển, do cư sĩ Viên thông người Nhật bản soạn. Mục đích của luận này là nói về tâm đắc của người thuyết pháp, về thứ tự pháp yếu và 3 thân của Phật. Nội dung luận này gồm có 15 phẩm: Trước y, Nhập đạo tràng, Lễ Tam bảo, Thiêu hương, Tọa cao tòa, Phạm bái, Tán hoa, Phạm âm, Tích trượng, Khai nhãn, Thần phân, Biểu bạch, Thích pháp thân, Báo thân và phẩm Ứng thân. Trong đó, phẩm Thích pháp thân là nói rõ pháp tà, pháp chính, sự khác nhau về thời giáo, duyên khởi các pháp, nghĩa 3 tính, lí vô tướng, tạng vô sinh, trí Văn thù, hạnh Phổ hiền, từ bi của bồ tát Quán âm, Tam thánh hòa hợp… là trung tâm của toàn sách. Về pháp hiệu Viên thông của soạn giả, cứ theo lời đầu sách trong Thuyết pháp minh nhãn luận do Lương định viết thì lúc còn sống, Thái tử Thánh đức (574-622) có trụ ở viện Viên thông tại Nam nhạc, vì thế cho rằng sách này là do Thái tử soạn. Nội dung sách này và ý nghĩa chú thích trong Tam kinh nghĩa sớ của Thái tử cũng giống nhau. Nhưng xét theo toàn diện thì sách này được cho là tác phẩm viết vào giữa thời Liêm thương (thế kỷ XII, XIII) về sau, xác lập thuyết Bản địa thùy tích, không phải tác phẩm của Thái tử Thánh đức mà là do người đời sau soạn. [X. Tịnh độ chân tông giáo điển chí Q.1].]