thuyết nhất thiết hữu bộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(說一切有部) Phạm:Survàsti-vàdin. Pàli:Sabbattivàda. Hán âm: Tát bà a tư để bà địa. Gọi tắt: Tát bà đế ba, Tát bà đa, Tát vệ. Gọi đủ: A li da mộ la tát bà tất để bà đà (Phạm:Àrya-mùla-savarsti-vàda). Hán dịch: Thánh căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ. Gọi tắt: Hữu bộ, Hữu bộ tông, Hữu tông.Cũng gọi Thuyết nhân bộ (Phạm: Hetuvidyà#). Một trong 20 bộ phái Tiểu thừa. Phái này từ Căn bản Thượng tọa bộ tách ra khoảng thời gian đầu của 100 năm thứ 3 sau khi đức Phật nhập diệt. Vì bộ phái này chủ trương tất cả các pháp trong 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đều thật có nên gọi là Thuyết nhất thiết hữu bộ. Người sáng lập bộ phái này là ngài Ca đa diễn ni tử (Phạm: Kàtyàyanìputra, trước hoặc sau kỉ nguyên Tây lịch. Cũng gọi Ca chiên diên ni tử). Theo luận Dị bộ tông luân và Tam luận huyền nghĩa thì sau khi đức Phật nhập diệt, Thượng tọa bộ, từ các ngài Ca diếp, A nan đến ngài Ưu bà quật đa đều chỉ hoằng truyền kinh giáo, đến ngài Phú lâu na mới bắt đầu hơi nghiêng nặng về Tì đàm (luận), đến ngài Ca đa diễn ni tử thì cho Tì đàm là hơn hết và chuyên hoằng truyền A tì đàm, từ đó đối lập với các đệ tử của các bậc Thượng tọa và dẫn đến việc phân hóa. Bởi vì các phái Thượng tọa bộ nói chung đều lấy kinh, luật làm chỗ y cứ then chốt, còn phái này thì chủ yếu lấy các sách luận A tì đàm làm y cứ. Ngài Ca đa diễn ni tử có soạn bộ luận A tì đạt ma phát trí, lập ra 8 kiền độ, phân tích tính tướng các pháp một cách rõ ràng, là vị Luận sư nổi tiếng của phái này. Về sau, có 500 vị A la hán kết tập luận Đại tì bà sa 200 quyển để giải thích văn nghĩa của luận A tì đạt ma phát trí mà tập đại thành giáo nghĩa của phái này. Lại vì văn nghĩa luận Đại tì bà sa quá bao la, pho quyển thì đồ sộ, nên đời sau đã sáng tác các bản giản lược và sách cương mục, trong các sách cương mục bản Hán dịch hiện còn thì có: Luận A tì đàm tâm do ngài Pháp thắng soạn, A tì đàm tâm luận kinh do ngài Ưu ba phiến đa soạn, luận Tạp a tì đàm tâm 11 quyển do ngài Pháp cứu soạn, luận A tì đàm Câu xá 30 quyển do ngài Thế thân soạn, luận A tì đạt ma thuận chính lí 80 quyển và luận A tì đạt ma hiển tông 40 quyển do ngài Chúng hiền soạn. Trong đó, luận Câu xá y cứ vào nghĩa của Kinh bộ mà phê bình thuyết của luận Đại tì bà sa; luận Thuận chính lí và luận Hiển tông thì theo nghĩa cũ mà bài bác thuyết của ngài Thế thân. Ngoài ra, ngài Ngộ nhập soạn luận Nhập a tì đạt ma 1 quyển, các ngài Phật đà đà sa, Đức tuệ, An tuệ, Xứng hữu, Tăng mãn cũng đều soạn Câu xá thích luận để làm sáng tỏ giáo nghĩa của phái này. Bảy bộ luận A tì đạt ma căn bản của phái này là chỉ cho Tập dị môn túc luận củangàiXá lợi phất, Pháp uẩn túc luận của ngài Mục kiền liên, Thi thiết túc luận của ngài Ca chiên diên, Thức thân túc luận của ngài Đề bà thiết ma, Giới thân túc luận của ngài Thế hữu, Phẩm loại túc luận của ngài Thế hữu và Phát trí luận của ngài Ca đa diễn ni tử. Trong đó, 6 bộ luận trước được gọi là Lục túc luận (6 luận chân), còn luận Phát trí thì được gọi là Thân luận (luận mình). Trong 3 tạng, ngoài điểm đặc biệt nghiêng nặng về A tì đạt ma cũng còn truyền trì bộ luật Thập tụng; bộ luật này do 2 ngài Phấtnhã đa la và Cưu ma la thập cùng dịch vào đời Hậu Tần, gồm 61 quyển. Ngoài ra, các bộ luật Hán dịch khác như: Tát bà đa tì ni tì bà sa 9 quyển, Tát bà đa tì ni ma đắc lặc già 10 quyển, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì nại da 50 quyển, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bật sô ni tì nại da 20 quyển… cũng đều là các luật thuộc bộ phái này. Theo Tam luận huyền nghĩa thì sự truyền thừa của phái này là từ ngài Ưu bà quật đa trở xuống đến các ngài Phú lâu na, Mị giả ca, Ca đa diễn ni tử… lần lượt truyền nối nhau; còn Tát bà đa bộ Phật đại bạt đà la sư tông tương thừa lược truyện trong Xuất tam tạng kí tập quyển 20 thì liệt kê 54 vị từ các ngài A nan, Mạt điền địa, Xá na bà tư, Ưu ba quật đến Phật đà tất đạt… Những vị đựơc nêu trên đây tuy chưa hẳn đã được sắp xếp theo thứ tự niên đại ra đời, nhưng dựa vào đó ta cũng có thể thấy một cách đại khái về sự truyền thừa của bộ phái này. Giáo thuyết chủ yếu của bộ phái này là Ba đời có thật, pháp thể hằng có. Ba đời có thật nghĩa là quá khứ, vị lai và hiện tại giống nhau, đều có thực thể. Pháp thể hằng có nghĩa là tất cả các pháp sắc, tâm, tâm sở, hữu vi, vô vi… đều có thực thể. Phái này cũng chủ trương sinh thân của đức Phật là hữu lậu và Phật nói pháp có vô kí ngữ, chỉ lấy Bát chính đạo làm thể của chính pháp luân, phản đối thân Phật có 3 thứ vô biên(lượng, số và nhân), nghĩa là thân Phật xuất hiện ở Già da, khi hóa duyên đã hết thì vĩnh viễn vào Niết bàn tịch diệt. Phái này còn cho rằng Bồ tát phải tu đủ 3 kỳ 100 kiếp mới biết được 4 đế, nhưng chỉ biết tướng chung chứ khôngbiếttướng sai biệt của 4 đế. Ngoài ra, phái này lại chủ trương Sơ quả không thoái chuyển, còn 3 quả sau thì có thoái chuyển, nghĩa là A la hán cũng có thoái chuyển. Phái này cũng phản đối thuyết Tâm tính vốn trong sạch. Thuyết nhất thiết hữu bộ lấy nước Ca thấp di la làm trung tâm, tại Kiện đà la Trung Ấnđộ và các nước vùng Tâyvực, phái này từng đã cực thịnh một thời, là phái có ưu thế nhất trong 20 bộ phái Tiểu thừa. Các bộ luận của phái này được truyền dịch ở Trung quốc rất sớm, vào thời đại Nam Bắc triều, phái này được gọi là Tì đàm tông. Tông này và tông Câu xá hưng khởi thay cho tông này đều được xem là đại biểu cho Phật giáo Tiểu thừa. [X. phẩm Phân bộ trong kinh Văn thù sư lợi vấn Q. hạ; kinh Xálợiphất vấn; kinh Đại phương đẳng đại tập Q.22; luận Thập bát bộ; luận Bộ chấp dị; luận Tứ đế Q.1; luận Phật tính Q.1; Xuất tam tạng kí tập Q.3; Dị bộ tông luân luận thuật kí; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần đầu; Câu xá luận bảo sớ Q.1; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.1; Luận sự tiếngPàli (Katthà vatthu)]. (xt. Thượng Tọa Bộ, Tiểu Thừa Nhị Thập Bộ).