Thuyên ngư

Từ điển Đạo Uyển


筌魚; J: sengyo; là cái nơm cá; Một biểu thị thường được sử dụng trong Thiền tông, vốn xuất phát từ Trang Tử, một hiền triết của Ðạo giáo. Trang Tử viết như sau trong Trang Tử nam hoa chân kinh (Nguyễn Duy Cần dịch): 筌者所以在魚。得魚而忘筌。蹄者所以在兔。得兔而忘蹄。言者所以在意。得意而忘言。吾安得夫忘言之人而與之言哉 Thuyên giả sở dĩ tại ngư, đắc ngư nhi vong thuyên. Ðề giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đề. Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn. Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ chi ngôn tai. *Có nơm là vì cá, đặng cá hãy quên nơm. Có dò là vì thỏ, đặng thỏ hãy quên dò. Có lời là vì ý, đặng ý hãy quên lời. Ta sao tìm đặng người biết quên lời hầu cùng ta bàn luận! Như vậy có nghĩa là: hành giả không nên bám chặt vào văn tự và phương pháp bởi vì mục đích không nằm trong đó. Chúng chỉ là những phương tiện nhất thời nhằm hướng dẫn hành giả vượt qua nó để đạt đến đích. Vì thế nên mọi người đều phải quên đi những phương tiện này để có thể trực chứng được đạo, để đạo có cơ hội tự hiển hiện. Chính đức Phật cũng khuyên các đệ tử không nên bám vào ngón tay chỉ trăng mà cho nó là sự thật. Cái nơm của Trang Tử và ngón tay chỉ trăng của đức Phật được nêu ra là cũng vì những lí do trên. Thuyết “Bất lập văn tự” của Thiền tông được lập ra chính là dựa trên cơ sở này.