thuý nham hạ mạt thị chúng

Phật Quang Đại Từ Điển

(翠岩夏末示衆) Cũng gọi Thúy nham mi mao. Tên công án trong Thiền tông. Vào ngày cuối cùng của hạ an cư (hạ mạt), Thiền sư Thúynham thời Ngũ đại, nói pháp cho các đồng môn nghe về việc từ đầu hạ đến nay có lẽ đã vi phạm Phật pháp và hỏi các đồng môn Lông mày đã rụng hay chưa, do đó hiển bày cơ pháp của Thiền tông được vận dụng một cách linh hoạt. Bích nham lục tắc 8 (Đại 48, 148 trung) ghi: Vào cuối hạ, ngài Thúy nham dạy chúng rằng: Từ đầu hạ đến giờ, Thúynham đã nói chuyện cho các huynh đệ nghe, hãy xem lông mày Thúy nham còn không? Sư Bảophúc nói: Anh trộm nhẹ dạ! Sư Trường khánh nói: Mọc tốt. Sư Vânmôn nói: Đóng cửa!. Truyền thuyết trong Thiền lâm cho rằng nếu ai nói sai Phật pháp thì mắc tội đến rụng hết lông mày. Ngài Thúy nham nhìn lại thời gian 90 ngày hạ an cư vừa qua, sư thường nói pháp cho đại chúng nghe, e rằng có chỗ nói đã rơi vào Đệ nhị nghĩa môn, nên có thể bị tội rụng lông mày. Bởi vì Phật pháp Đệ nhất nghĩa môn là chân lí rốt ráo, cùng tột, không thể dùng lời nói mà diễn đạt được, cũng không chia chẻ, phân biệt bằng những khái niệm tư duy, do đó bất luận nói tâm, nói tính, nói đốn, nói tiệm… cũng chỉ vì muốn giúp người học mà giả đặt đó thôi, đều là Đệ nhị nghĩa môn cả. Nhưng vì hóa đạo đại chúng không thể không nói rộng ý chỉ sâu xa của giáo pháp, chỉ có điều không muốn người học chấp trước vào lời nói để bị kẹt trong đó, cho nên tự đặt câu hỏi lông mày rụng chưa để khéo léo hiển bày chỗ sâu xa của cơ thiền linh hoạt. Nhưng câu hỏi của sư Thúy nham lại dẫn đến những câu trả lời khác nhau giữa 3 vị đệ tử lớn của Thiền sư Tuyết phong Nghĩa tồn. Sư Bảo phúc cho rằng Thúy nham tự biết tội lỗi, như 1 kẻ trộm nhẹ dạ, người ta chưa hỏi mà tự mình đã lựa lời nói trước để cầu thoát tội. Sư Trường khánh thì bảo nhờ câu hỏi đó mà sư Thúy nham đã xoay chuyển được tình thế hiểm nghèo, chẳng những đã không có mối lo rụng hết lông mày, trái lại, còn nhờ thế mà lông mày mọc tốt thêm! Đến câu Đóng cửa của sư Vân môn Văn yển đã khiến các nhà tham thiền xưa nay suy nghĩ nhiều nhất. Bởi vì đóng cửa ở đây có ý chê trách cả 3 vị trước, ý nói nếu không hoàn toàn biết rõ nghĩa chân thực của Phật pháp mà cứ bàn cãi lẽ sâu xa, chia chẻ việc phải trái, thì tốt hơn là cắt đứt mọi dòng, đóng chặt cửa lại! [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.18; Ngũ đăng hội nguyên Q.7; Thung dung lục tắc 71].