thủy dụ chân tâm thập nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(水喻真心十義) Mười nghĩa của nước ví dụ cho chân tâm.Cứ theo Tông kính lục quyển 7 thỉ tâm chân như của chúng sinh vốn tự thanh tịnh, không có cấu nhiễm, vắng lặng chẳng động, không sinh cũng không diệt; giống như tính nước, bản thể thanh tịnh, lắng trong yên lặng, cho nên được dùng làm ví dụ. Mười nghĩa của nước dụ cho chân tâm như sau: 1. Thủy thể trừng thanh: Thể của nước lắng trong yên lặng. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh tự tính thanh tịnh, lặng lẽ sáng suốt, xưa nay vốn không nhơ nhuốm; giống như sự lắng trong của nước. 2. Đắc nê thành trược: Do bùn mà trở thành đục. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh, bản tính tuy thanh tịnh, nhưng bị vô minh làm cho ô nhiễm, đang trong trạng thái giác(tỉnhthức) bỗng trở thành bất giác; giống như nước vốn trong sạch, nhưng do bùn mà trở thành đục. 3. Tuytrược bất thất tịnh tính: Tuy đục nhưng bản tính trong sạch vẫn không mất đi. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh, tuy bị vô minh làm bẩn, nhưng tính tự nhiên vẫn trong sạch, ngay từ ban đầu đã không đổi khác; giống hệt như nước, tuy bị nhơ đục nhưng tính thì không mất. 4. Nê trừng tịnh hiện: Bùn lắng xuống, tính trong hiện. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh, bị vô minh che lấp trở nên mờ tối, nếu trừ diệt được hoặc vô minh thì bản tính thanh tịnh tự nhiên lắng hiện; giống như sự nhơ đục của nước, để bùn lắng xuống thì thể trong sạch tự hiện. 5. Ngộ lãnh thành băng, nhi hữu ngạnh dụng: Gặp lạnh thành băng và có công dụng cứng chắc. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh, khi hợp với vô minh thì có công năng theo các nhiễm duyên mà kiến tạo các pháp trong 9 cõi và thành cái dụng của bản thức(thức thứ 8); giống như nước gặp lạnh thành băng mà có cái dụng của sự cứng chắc. 6. Tuy thành ngạnh dụng, bất thất nhu tính: Tuy thành cái dụng cứng chắc nhưng không mất tính ướt. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh tuy theo vô minh mà sinh khởi các pháp có công dụng nhiễm ô, nhưng tính bất biến của nó thì chưa baogiờ mất; giống như nước tuy thành công dụng cứng chắc nhưng tính thấm ướt thì vẫn không mất. 7. Noãn dung thành nhu: Băng gặp hơi nóng chảy thành nước. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh tuy theo duyên vô minh mà khởi các công dụng nhiễm ô, nhưng nếu hết vô minh thì bản thức trở lại thanh tịnh; giống như nước thành băng, gặp hơi nóng tan ra thì tính ướt tự thành. 8. Tùy phong ba động, bất cải tĩnh tính:Gió thổi sóng động, nhưng tính yên lặng của nó vẫn không thay đổi. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh tuy theo gió vô minh mà khởi lên sóng phiền não lúc sanh lúc diệt, nhưng tính bất sinh bất diệt của nó thì vẫn tự nhiên không thay đổi; giống như nước tùy theo gió mà nổi sóng, nhưng tính yên lặng của nó thì không thay đổi.9. Cao hạ lưu chú, bất động tự tính: Nước tuy chảy từ cao xuống thấp nhưng tự tính thì không động. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh tuy theo duyên trôi chảy nhưng tính thì thường lặng lẽ bất động; giống như nước chảy theo thế đất cao thấp, nhưng tự tính thì không động. 10. Tùy khí phương viên, bất thất tự tính: Tùy theo đồ đựng vuông hay tròn, tự tính của nước vẫn không thay đổi. Nghĩa là tâm chân như của chúng sinh hiện hữu khắp trong các pháp hữu vi, nhưng tự tính thì không mất; giống như nước tùy theo đồ đựng vuông hay tròn, nhưng không mất tính nước.