thương yết la

Phật Quang Đại Từ Điển

(商羯羅) I. Thương Yết La. Phạm: Zaịkara. Cũng gọi: Thưởng ca la. Hán dịch: Cốt tỏa. Xâu chuỗi xương do ngoại đạo ở Ấn độ đời xưa thờ phụng khi cúng tế. Ngoài ra cũng chỉ cho Thương yết la thiên, tức là Cốt tỏa thiên, là tên khác của trời Đại tự tại.Theo truyền thuyết, trời Đại tự tại từng xuống nhân gian giáo hóa, dắt dẫn người đời, sau khi trở về cõi trời, tín chúng tưởng nhớ nên tạo lập hình tượng khổ hạnh của ngài gầy gò, những đốt xương liền nhau như các vòng móc của chuỗi xích(tỏa) để thờ cúng, gọi là Cốt tỏa. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q. thượng]. (xt. Cốt Tỏa Thiên). II. Thương Yết La. Phạm: Zaịkara. Cũng gọi Thương yết la A xà lê (Phạm: Zaịkaràcàrya), Thương ca lạp. Nhà triết học thuộc phái Phệ đàn đa ở Ấnđộ, nhà cải cách Bà la môn giáo. Ông sinh ở Ma lạp ba nhĩ tại nam Ấn độ, sống và hoạt động vào khoảng thời gian từ năm 700 đến 750, hoặc có thuyết cho là từ năm 780 đến năm 820 Tây lịch. Ông thường đi khắp cõi Ấnđộ, thành lập giáo đoàn, tiến hành các hoạt động truyền giáo. Trực tiếp noi theo phương thức minh tưởng của Phệ đà và lí luận Vạn pháp nhất thể của Áo nghĩa thư, lại hấp thu tư tưởng Phật giáo Đại thừa và một phần giáo nghĩa của Kìna giáo mà cải cách Bà la môn giáo thành Ấn độ giáo; tạo thành lực xung kích rất lớn đối với Phật giáo và Kìna giáo, đồng thời thổi vào tư tưởng giới Ấnđộ một luồng gió mới, mà cho đến nay vẫn còn là dòng chính trong tư trào Ấnđộ. Hệ thống Nhất nguyên luận tuyệt đối(hoặc Thuần túy bất nhị luận) do ông kiến lập, cho rằng thế giới hiện tượng đều là huyễn tướng (Phạm: Màyà) chứ chẳng phải chân thực, chỉ có tinh thần cá nhân(Ngã) và nguyên tắc tối cao(Phạm) mới là sự tồn tại chân thực đồng nhất bất nhị.Những luận điểm chủ yếu của Thương yết la như sau: 1. Phạm luận: Thương yết la chủ trương Phạm tuy là chân thực và chỉ có một, nhưng vì trí tuệ của mỗi người có khác nhau, nên Phạm được thể hiện cũng chia ra Thượng phạm và Hạ phạm bất đồng. a. Thượng phạm: Phạm biểu hiện ở bậc Thượng trí là loại tinh thần tuyệt đối và có thật, đặc tính của Phạm này là: Vô đức, vô hình, vô sai biệt, vô thuộc tính. b. Hạ phạm: Phạm biểu hiện ở bậc Hạ trí vô minh, đặc tính của Phạm này là: Hữu đức, hữu ý chí, nhân cách tính, lúc này có vô số hữu tình tồn tại. 2. Thế giới quan: Có 2 cách nhìn. a. Nhìn từ môn Chân đế: Thế giới là sản phẩm của sự huyễn hóa mê vọng, cũng tức là tâm thức động thì sinh ra muôn vật, tâm thức lắng yên thì tất cả đều không. b. Nhìn từ môn tục đế: Thế giới lúc ban đầu chỉ có Phạm, bấy giờ tuy Phạm có vô lượng chủng tử lực nhưng vẫn chưa phát triển thành Danh sắc, trạng thái tối tăm tự nhiên này gọi là Phi biến dị(chẳng đổi khác). Sau khi tiếp tục kéo dài trong một thời kì, Phạm mới dùng ý chí của tự thân, phát huy năng lực của chủng tử mà biến thế giới phi biến dị thành thế giới hiện tượng thiên sai vạn biệt, gọi là Dĩ biến dị (đã đổi khác). Rồi trải qua một thời kì nữa, Phạm lại thu hồi trạng thái dĩ biến dị này và hồi phục thế giới Vị biến dị(chưa đổi khác), cứ như thế không ngừng lập đi lập lại nhiều lần, đó là Hạ phạm thế giới quan của Thương yết la. 3. Hữu tình quan: Nhìn từ lập trường Thượng trí thì hoàn toàn không có hữu tình, mà chỉ có một Tối thượng ngã (Phạm: Haramàtman) duy nhất thường trụ. Nhưng nhìn từ lập trường của Hạ trí thì vì Hạ phạm có nhân cách tính nên mới có thế giới Hạ phạm xuất hiện, đồng thời từ đó sinh ra vô số hữu tình, gọi là Cá nhân ngã (Phạm: Jivàtman). Những hữu tình này vì vô minh nên mang thêm các tính chất: Năm thứ gió, 11 căn, nhục thể… giống như bóng trăng trong nước ánh hiện ra các hiện tượng thiên sai vạn biệt. 4. Giải thoát quan: a. Nói theo Đệ nhất nghĩa đế thì bậc Thượng trí có chân ngã thường trụ, có ánh sáng, cho nên không cần phải tu hành mới chứng ngộ, đó là Thoát quan chân thực (tức vô thân giải thoát, Phạm: Videha mukti), nghĩa là đạt đến thế giới Phạm. b. Nói theo tín ngưỡng của Hạ phạm thì hàng Hạ trí phải tu tịch tĩnh, tiết chế, lìa dục, cúng tế, khổ hạnh… và sau khi thân diệt thì từ thiên đạo mà nhập vào thế giới Phạm. Ông có các trứ tác: Phạm kinh (Phạm: Brahma-sùtra) chú, Bạc già phạm ca (Phạm:Bhagavad-gìta) chú, Ngã chi giác tri (Phạm: Àtman-bodha) Vấn đáp man (Phạm: Upadeza-sahasrì), Ngũ phần pháp…