thường vô thường

Phật Quang Đại Từ Điển

(常無常) Thường và vô thường. Thường, Phạm: Nitya, cũng gọi Thường trụ (Phạm:Nityasthita), đối lại với Vô thường. Tức 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai thường hằng bất biến, không sinh không diệt, nối nhau chẳng dứt. Lí pháp tính duyên khởi và pháp thân Nhưlai đều là thường trụ bất biến. Thường cũng là một trong 4 điên đảo và 4 đức. Thông thường, phần nhiều Thường trụ được gọi là pháp Vô vi. Nhưng theo phẩm Bồ đề Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 3 và Phật địa kinh luận quyển 7 thì tuy Pháp thân, Báo thân và Ứng thân của Nhưlai đều là thường trụ, nhưng vì ý nghĩa khác nhau nên có thuyết Tam thường, đó là: 1. Tự tính thân(Pháp thân chân như): Tuyệt đối bình đẳng, về mặt bản chất là tự tính thường(bản tính thường, ngưng nhiên thường), vĩnh viễn không biến đổi. 2. Thụ dụng thân(Báo thân): Vô gián thường(Bất đoạn thường) thụ dụng niềm vui không gián đoạn. 3. Biến hóa thân(Hóa thân, Ứng thân): Thân biến hiện ra để giáo hóa chúng sinh, tuy có sinh diệt nhưng có năng lực biến hiện tương tục vô hạn, cho nên gọi là Tương tục thường. Tuy nhiên, 2 thân sau trong 3 thân được trình bày trên đây hoàn toàn không phải thuộc về Thường như nguyên ý của pháp vô vi. Lại cứ theo phẩm Vô biến dị trong luận Phật tính quyển 4, 3 thân của Như Lai thường sinh khởi các việc lợi ích cho thế gian nên gọi là Thường trụ. Thường trụ này nhờ 10 nhân duyên dưới đây mà được liên tục không dứt. Đó là: 1. Nhân duyên vô biên. 2. Chúng sinh vô biên. 3. Đại bi vô biên. 4. Như ý túc vô biên. 5. Vô phân biệt trí vô biên. 6. Thường hằng tại thiền định và không tán loạn. 7. An vui mát mẻ. 8. Thực hành 8 pháp thế gian mà không bị ô nhiễm. 9. Cam lộ vắng lặng, xa lìa ma chết. 10. Bản tính tự nhiên, không có sinh diệt.Mười loại nhân duyên này hiển bày rõ thể dụng của 3 thân Nhưlai là thường hằng không gián đoạn. Còn theo Đại bát niết bàn kinh sớ quyển 8 thì trong các Thường, có cái ở thế gian tương tục không gián đoạn mà gọi là Thường và Tam vô vi thường. Tam vô vi thường là: Đoạn được phiền não gọi là Số duyên thường; Sự duyên sai biệt là Phi số duyên thường, không thuộc 2 loại trên thì gọi là Hư không thường. Bốn loại Thường này (Thường trụ và Tam vô vi thường) đều không bằng Như lai thường. Vì Như lai thường tức là diệu hữu, vốn tự có và không có đối đãi, Thường này chiếu thực, là chân thường chẳng phải thường chẳng phải vô thường, ngay nơi biên mà trung đầy đủ 3 chấm, không dọc không ngang, cho nên Như lai thường là bậc nhất trong các Thường. Ngoài ra, còn có các thuyết như: Thế gian tướng thường trụ, Phật tính thường trụ… Đối lại với Thường là Vô thường, Phạm: Anitya, cũng gọi là Phi thường. Tức sự sinh diệt biến hóa mà không có cách nào giữ cho nó ở nguyên trạng thái đồng nhất dù chỉ trong giây lát. Tất cả các pháp hữu vi đều có đủ 4 tướng sinh, trụ, dị, diệt, theo với dòng thời gian trôi chảy mà tồn tại, cho nên gọi là Vô thường. Tất cả pháp hữu vi đều thuộc vô thường, vì thế gọi là Chư hành vô thường, là 1 trong 3 pháp ấn (3 biểu trưng cơ bản của Phật giáo). Theo luận Đại trí độ quyển 43 thì có 2 thuyết Vô thường, đó là: 1. Pháp hữu vi dừng lại 1 sát na ở hiện tại, rồi tức khắc lại chìm vào quá khứ (sát na diệt), đây gọi là Niệm niệm vô thường (Sát na vô thường). 2. Pháp hoại diệt một cách liên tục, chẳng hạn như con người, khi thọ mệnh hết thì tử diệt, đây gọi là Tương tục vô thường(Nhất kì vô thường). Luận Kim thất thập quyển thượng có ghi thuyết của học phái Số luận, chủ trương 2 thứ vô thường là Tạm trụ vô thường và Niệm niệm vô thường. Thuyết này cho rằng chuyển biến là vô thường, tự tính là Thường trụ, thuyết này có khác với thuyết của Phật giáo.Luận Biện trung biên quyển trung y cứ vào 3 tính Biến kế, Y tha và Viên thành mà lập ra 3 loại vô thường như sau: 1. Biến kế sở chấp tính: Chỉ cho vô tính vô thường(vô vật vô thường), thể của nó hoàn toàn không có. 2. Y tha khởi tính: Vì do nhân duyên mà sinh ra nên có sinh có diệt, thuộc về Sinh diệt vô thường(Khởi tâm vô thường). 3. Viên thành thực tính: Thuộc về Chân như, là Cấu tịnh vô thường (Hữu cấu vô cấu vô thường). Để ví dụ tính chất hư dối, ngắn ngủi của vô thường thì nói: Như chiêm bao, như ảo thuật, như bọt nước, như cái bóng, như hạt móc(sương), như tia chớp…; để ví dụ sự đáng sợ đối với vô thường thì nói: Vô thường lang (chó sói vô thường), vô thường hổ(cọp vô thường)…Khi chết đến nơi thì ví dụ là vô thường sát quỉ, vô thường phong (gió vô thường), vô thường đao(dao vô thường), vô thường sứ… Ngoài rà còn có các dụng ngữ về vô thường như: Sinh giả tất diệt(có sinh ắt có diệt), thịnh giả tất suy(có thịnh thì có suy), hội giả định li(có hợp thì có tan)… Còn quán tưởng về vô thường thì gọi là Vô thường quán, Phi thường quán; bài kệ nói rõ về ý nghĩa vô thường, gọi là Vô thường kệ; nhà viện nuôi bệnh tăng, gọi là Vô thường viện, Vô thường đường, cái khánh được đánh lúc lâm chung, gọi là Vô thường khánh. [X.kinh Tạp a hàm Q.12, 30; kinh Niết bàn Q.34, 39 (bản Bắc), chương Tự tính thanh tịnh trong kinh Thắng man, phẩm Phương tiện kinh Pháphoa Q.1; Nhiếp đại thừa luận thích Q.13 (bản dịch đời Lương; luận Thành duy thức Q.10; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.4]. (xt. Tam Vô Vi, Vô Thường).