thường trụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(常住) I. Thường Trụ. Phạm:Nitya-sthita. Gọi tắt: Thường. Đối lại: Vô thường. Chỉ cho cái kéo dài suốt 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai thường hằng tồn tại, vĩnh viễn không sinh diệt biến đổi. Chương Tự tính thanh tịnh trong kinh Thắng man và kinh Niết bàn quyển 34 (bản Bắc) đều cho rằng Pháp thân Như lai là thường trụ bất biến. Còn phẩm Bồ đề trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 3 lại đi xa hơn nữa mà chủ trương chẳng những Pháp thân mà ngay cả Báo thân và Ứng thân của Như lai cũng là thường trụ bất biến, Pháp thân là bản tính thường (vĩnh viễn bất biến về mặt bản chất),Báo thân là Vô gián thường (thụ hưởng niềm vui không dứt) và Ứng thân là tương tục thường (vì giáo hóa chúng sinh mà biến hiện, sinh diệt liên tục không hạn định). Phẩm Vô biến dị trong luận Phật tính quyển 4 lại y cứ vào 3 thân thường trụ mà đề ra thuyết Thập chủng nhân duyên, nghĩa là 3 thân này thường sinh khởi các việc lợi ích ở thế gian, cho nên gọi là Thường trụ, đó là do dựa vào 10 loại nhân duyên sau đây:1. Nhân duyên vô biên: Trải qua vô lượng kiếp đến nay xả thân cầu Chính pháp, vì Chính pháp là vô cùng vô tận, cho nên nhờ nhân vô cùng mà chiêu cảm quả vô cùng, quả tức 3 thân, nên là Thường. 2. Chúng sinh giới vô biên: Lúc mới phát tâm đã phát 4 thệ nguyện rộng lớn, khởi 10 đại nguyện vô tận, nếu chúng sinh không bao giờ hết thì nguyện của Như Lai cũng không baogiờ hết; chúng sinh đã không bao giờ hết thì Hóa thân cũng thường ở thế gian để giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh, cho nên là Thường. 3. Đại bi vô biên: Nhưlai đầy đủ các công đức, tâm đại bi thường trụ, ơn cứu giúp chúng sinh không có bờ mé, cho nên là Thường. 4. Như ý túc vô biên: Người thế gian chứng được 4 Thần túc còn có khả năng sống lâu đến 40 tiểu kiếp, huống chi Như lai là bậc thầy có đại thần túc, có khả năng sống lâu tự tại, trải trăm nghìn ức kiếp, rộng độ chúng sinh, nên là Thường. 5. Vô phân biệt trí vô biên: Xa lìa 2 chấp sinh tử, Niết bàn, tương ứng với Đệ nhất nghĩa đế, chẳng lay động, không ra vào, nên là Thường. 6. Hằng tại Thiền định vô tán: Như lai thường hằng ở trong thiền định, không có gì phá hoại được, nên là Thường. 7. An lạc thanh lương: Yên vui mát mẻ, đó là đạo giải thoát, nên là Thường. 8. Hành ư thế gian bát pháp bất nhiễm: Sống giữa thế gian mà không nhiễm trước tám pháp. Nghĩa là trước khi thành đạo, Phật tuy sống trong thế gian, tương ứng với sinh tử, nhưng không bị phiền não làm cho nhơ nhuốm và không có các duyên vọng tưởng, cho nên là Thường. 9. Cam lộ tịch tĩnh viễn li tử ma: Cam lộ vắng lặng xa lìa ma chết. Nghĩa là quả Phật thường vui, cho nên vắng lặng, vì vắng lặng nên xa lìa ma chết, xa lìa ma chết nên là Thường. 10. Bản tính pháp nhiên vô sinh vô diệt: Bản tính tự nhiên, không sinh không diệt. Nghĩa là pháp thân chẳng phải xưa không mà nay có, xưa có mà nay không, mà là xưa nay vốn tự nhiên như thế, cho nên là Thường. [X. kinh Tạp a hàm Q.30; Nhiếp đại thừa luận thích Q.13 (bản dịch đời Lương); Phật địa kinh luận Q.7; luận Thành duy thức Q.10; Đại bát niết bàn kinh sớ Q.8]. (xt. Tam Thường, Vô Thường). II. Thường Trụ. Trong các chức vụ của Tùng lâm, trụ chúng đảm trách việc điều hành tất cả sự vụ hàng ngày, được gọi chung là Thường trụ. Ngoài ra, những vật cúng dường chúng tăng thụ dụng hàng ngày gọi là Thường trụ (tức Thường trụ vật).