Thượng toạ bộ

Từ điển Đạo Uyển


上座部; C: shàngzuòbù; J: jōzabu; S: sthavira-vāda; P: theravāda; Trường phái thuộc Trưởng lão bộ (s: sthavi-ravāda), xuất phát từ Phân biệt bộ (s: vibhajyavādin), do Mục-kiền-liên Tử-đế-tu (p: moggaliputta tissa) thành lập (Kết tập). Phái này được Ma-hi-đà đưa về Tích Lan năm 250 trước Công nguyên và được các sư tại Ðại Tự (mahāvihāra) tu tập. Về giới luật cũng có nhiều bất đồng trong nội bộ phái Thượng toạ bộ. Ngày nay Thượng toạ bộ được lưu hành tại các nước Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Campuchia và Lào. Thượng toạ bộ là trường phái Tiểu thừa duy nhất còn lưu lại đến ngày nay, tự xem là dạng Phật giáo nguyên thuỷ nhất. Thượng toạ bộ cho rằng các kinh điển viết bằng văn hệ Pā-li của mình là ngữ thuyết của chính đức Phật (Tam tạng). Giáo pháp của Thượng toạ bộ chủ yếu gồm Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Mười hai nhân duyên và thuyết Vô ngã. Thượng toạ bộ nhấn mạnh khả năng từng người tự giải thoát bằng cách kiên trì giữ giới luật và sống một cuộc đời phạm hạnh. Hình ảnh cao quý của Thượng toạ bộ là A-la-hán. Giáo pháp của Thượng toạ bộ có khuynh hướng phân tích, trong đó A-tì-đạt-ma (s: abhidharma) đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra bộ Thanh tịnh đạo (p: visuddhi-magga) và Di-lan-đà vấn đạo kinh (p: milinda-pañha) cũng rất được phổ biến. Luận sư xuất sắc của Thượng toạ bộ là Phật Âm (p: buddhagosa), Hộ Pháp (p: dhammapāla), A-na-luật (anuruddha) và Phật-đà Ðạt-đa (buddhadatta).