thường quang

Phật Quang Đại Từ Điển

(常光) Cũng gọi Viên quang, Trượng quang, Thường quang nhất trượng, Thường quang nhất tầm. Vòng hào quang của Phật, 1 trong 32 tướng của Phật. Tức ánh sáng thường bao quanh bên thân Phật, Bồ tát, chiếu sáng suốt ngày đêm. Theo luận Đại tì bà sa quyển 177 thì ánh sáng chiếu ra xa mỗi phía 1 tầm (8 thước Tàu) bao quanh thân Phật, thường chiếu sáng ngày đêm, gọi là Thường quang. Kinh điển Đại thừa thì cho rằng Thường quang của chư Phật soi sáng khắp 10 phương, chứ không giới hạn ở 1 tầm. Luận Đại trí độ quyển 8 cho rằng Phật chỉ hiện ánh sáng 1tầm là vì chúng sinh độn căn bạc phúc ở cõi đời 5 trược ác, có đôi mắt bé nhỏ không thể thấy xa rộng hơn; nếu những chúng sinh lợi căn phúc lớn thì sẽ thấy được vô lượng ánh sáng của Như lai. Còn ánh sáng của đức Phật A di đà thì vì hành nguyện ở Nhân vị nên Thường quang của Ngài chiếu khắp các thế giới trong 10 phương. Nếu chúng sinh thấy được Thường quang của Phật thì chắc chắn sẽ chứng A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Kinh Bình đẳng giác gọi Thường quang của Phật là Đầu quang (ánh sáng của đầu), kinh Quán vô lượng thọ quyển 1 thì gọi Thường quang của Phật là Thân quang (ánh sáng của thân). Thường quang và Thần thông quang có khác nhau. Thần thông quang là ánh sáng phát ra lúc lâm chung, như đức Thích ca Như lai khi muốn nói giảng kinh Pháp hoa thì ánh sáng do Ngài phóng ra chiếu sáng 18000 cõi nước ở phương Đông, đây tức là Thần thông quang. Lại kinh Đại pháp cự đà la ni quyển 4 cho rằng Thường quang và Phóng quang có khác nhau, lúc bình thường chỉ có Thường quang, nếu khi có nhân duyên mới phóng quang khác. Vì nếu Phật thường phóng ra ánh sáng khác lạ thì thế gian sẽ không có mặt trời, mặt trăng, các vì sao, ngày đêm thời tiết, trăng tròn, trăng khuyết cho đến xuân, hạ, thu, đông khác nhau. [X. kinh Quá khứ hiện tại nhân quả Q.1; phẩm Phật bất tư nghì pháp trong kinh Hoa nghiêm Q.30 (bản dịch cũ)]. (xt. Tam Thập Nhị Tướng, Quang Minh).