Thương nhân Tát-bạc

Trích dịch từ kinh Cựu Tạp thí dụ
Viên Châu dịch

Về thuở quá khứ cách đây vô số kiếp, có một thương nhân tên là Tát-bạc. Một hôm, Tát-bạc đi sang nước khác để buôn bán và dừng chân nghỉ ở gần nhà một vị đệ tử tại gia của Phật.

Lúc bấy giờ, người Phật tử này đang mở hội cầu phúc. Ông ta đặt tòa cao thỉnh chúng tăng đến thuyết pháp, giảng về tội phúc. Tăng dạy: “Các việc thiện, ác đều do thân, miệng, ý tạo ra, và ngài lại giảng về bốn pháp chân thật[1], vô thường, khổ, không[2]”.
Tát-bạc từ xa đến nghe pháp liền tỏ ngộ, tin sâu. Ông theo chúng tăng xin thụ năm giới và được gọi là ưu-bà-tắc. Sau đó, vị thượng tọa[3] lại khuyên dạy thêm:

– Này thiện nam tử! Nếu người nào phòng hộ thân, miệng, ý đầy đủ mười điều thiện thì hiện đời sẽ được hai mươi lăm vị thần của năm giới hộ vệ, khiến không bị chết oan, đời sau được tự tại, chứng đạo Vô thượng[4].

Nghe xong bài pháp, Tát-bạc vô cùng vui mừng.

Sau đó, ông ta trở về nước và muốn đem giáo lý này truyền đạt rộng ra, nhưng bấy giờ ở trong nước chưa ai biết đến Phật pháp cả. Ông muốn truyền đạo, lại sợ không có người thụ nhận, nên đem những giáo pháp mình đã lãnh h ội racảm hóa cha mẹ, anh em, vợ con và những người thân thuộc của mình. Thế là họ hàng thân tộc của ông đều được nhận biết và phụng trì Phật pháp.

Cách vùng đất thuộc nước của Tát-bạc một nghìn dặm, có một nước lớn, nhân dân ở đây đông đúc, giàu mạnh, có rất nhiều của báu. Nhưng hai nước này bị ngăn cách đã hơn trăm năm, vì ở trên con đường thông thương đó có một con quỉ dạ-xoa [5]chuyên ăn thịt người, nó đã giết hại rất nhiều. Từ lâu, con đường này không có người qua lại. Tát-bạc thầm nghĩ: “Ta giữ giới của Phật. Ta được hai mươi lăm vị thần theo hộ vệ. Kinh đã dạy như thế. Vậy ta nên đến thuyết phục nó đừng làm ác, chắc chắn sẽ được”. Ông bèn nói với năm trăm người thương buôn cùng đoàn:

– Tôi có thể hàng phục được quỉ, các bạn hãy cùng đi với tôi đến đó, chắc chắn chúng ta sẽ thắng lợi.

Mọi người bàn luận: “Hai nước không thông thương với nhau đã lâu rồi. Nếu đường lưu thông qua lại được thì lợi ích không phải nhỏ”. Thế là bọn họ cùng lên đường. Trên đường đi, mọi người nhìn thấy chỗ ở của quỉ đầy dẩy xương cốt, tóc răng của người người rơi vãi ngổn ngang. Tát-bạc nghĩ: “Trước đây chỉ nghe nói quỉ ăn thịt người, nay ta đã chứng kiến rõ ràng. Bây giờ ta làm việc này, nếu phải bỏ mạng thì cũng chẳng sao, chỉ sợ cho những người đi cùng này thôi”.

Nghĩ thế, Tát-bạc nói với các thương nhân:

– Các bạn ở lại đây, tôi đi một mình đến đó trước. Nếu hàng phục được quỉ, tôi sẽ trở lại đón các bạn, còn như không thấy tôi trở lại thì biết là đã bị hại, các bạn nên trở về, đừng đi nữa!

Thế rồi Tát-bạc lên đường một mình. Đi được vài dặm, ông ta thấy quỉ đến, liền nhất tâm niệm Phật, ý chí vững vàng, không sợ hãi. Quỉ tiến đến hỏi:

– Ngươi là ai?

Đáp:

– Tôi là người dẫn dắt, giúp đường sá lưu thông.

Quỉ cười lớn và nói:

– Ngươi không nghe danh ta sao mà muốn mở thông đường sá?

Đáp:

– Biết ngươi ở đây, nên ta đến để yêu cầu ngươi. Ta và ngươi đấu với nhau nếu ngươi thắng thì ngươi ăn thịt ta, còn ta thắng thì để ta mở thông đường cho mọi người, làm lợi ích cho thiên hạ.

Quỉ hỏi:

– Ai ra tay trước?

Đáp:

– Ta đến yêu cầu ngươi, nên ta phải ra tay trước.

Quỉ nói:

– Cho ngươi ra tay trước!

Tát-bạc dùng tay phải đánh vào bụng quỉ, tay này dính cứng vào nó, không rút ra được. Ông dùng tay trái đánh cũng lại bị dính, sau dùng hai chân và đầu đánh tiếp đều cùng bị dính cứng vào bụng quỉ, không thể cử động được.

Lúc ấy, quỉ dùng kệ hỏi:
Tay chân cùng với đầu
Năm chi đã dính chặt
Trước mắt chỉ chịu chết
Còn vùng vẫy làm gì?

Tát-bạc đáp:

Tay chân cùng với đầu
Năm chi tuy dính chặt
Tâm cứng như kim cương
Trọn không bị ngươi đánh.

Quỉ nói:

Ta là vua các thần
Làm quỉ có sức mạnh
Trước sau ăn bọn ngươi
Số không thể tính kể
Nay chết đã gần kề
Sao lại còn nói bướng?

Tát-bạc đáp:

Thân này là vô thường
Ta sớm muốn bỏ nó
Ngươi thật đúng nguyện ta
Xin đem thân bố thí
Nhân đây được Chính giác[6]
Sẽ chứng đạo Vô thượng.

Quỉ nói:

Chí vi diệu rộng sâu
Ba cõi không ai bằng
Rốt làm thầy độ người
Không lâu sẽ đựơc thành
Nguyện đem thân nương tựa
Cúi đầu xin kính lễ.

Thế rồi, dạ-xoa xin thụ năm giới, đỉnh lễ tạ ân thầy, rồi trở vào núi sâu. Còn Tát-bạc quay lại bảo mọi người cùng tiến sang nước bạn. Từ đó, người dân hai nước đều biết giữ năm giới, làm mười điều lành, hàng phục được quỉ, mở đường thông thương.

Do đây, nhân dân mới biết Phật pháp vô lượng chí chân, nên cùng giữ giới, tôn kính tam bảo khiến đất nước thái bình, sau chết thăng thiên, đắc đạo. Tất cả là nhờ ân chính tín của hiền giả giữ gìn năm giới.

Phật bảo các tì-kheo:

– Tát-bạc lúc ấy là Ta. Bồ-tát thực hành thi-ba-la-mật[7] cứu độ mọi người như thế.

——————————————-

[1] Bốn pháp chân thật (tứ đế四諦; S: satya): khổ, tập. diệt, đạo, bài pháp đầu tiên Đức Phật nói cho năm anh em Kiều-trần-như tại Lộc Uyển. Khổ và tập là chỉ cho nhân quả thế gian; diệt và đạo chỉ cho nhân quả xuất thế gian.
 
[2] Vô thường, khổ, không無常,苦,空 (S: anitya,duḥkha,śūnya): các pháp luôn vận hành, chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác, nên không thật có.
 
[3] Thượng toạ 上坐: từ tôn xưng tì-kheo hai mươi tuổi đạo và bốn mươi tuổi đời trở lên.
 
[4] Đạo Vô thượng (Vô thượng đạo 無上道): Phật đạo tối thượng không gì có thể so sánh. Đạo của Như Lai chứng đắc không có đạo nào vượt hơn.
 
[5] Doạ-xoa 夜叉 (S: yakṣa): loài quỉ ở trên mặt đất hoặc trên hư không, dùng oai thế não hại người, hoặc giữ gìn chính pháp
 
[6] Chính giác正覺 (S:samyak-saṃbodhi): trí giác ngộ chân chính, rõ biết tất cá pháp, tức là thật trí của Như Lai, cho nên thành Phật còn gọi là thành Chính giác.
 
[7] Thi-ba-la-mật尸波羅蜜 (Cg: giới ba-la-mật): một trong sáu độ.