thương mạc ca

Phật Quang Đại Từ Điển

(商莫迦) Phạm: Zyàmaka. Pàli: Sàma, Suvaịịa-sàma. Cũng gọi Thiểm ma ca, Thiểm ma, Thiểm thi, Thiểm tử, Thiểm. Hán dịch: Kim. Tên của đức Thích tôn khi còn tu hạnh Bồ tát ở nhân vị ( ). Theo kinh Bồ tát thiểm tử thì ở đời quá khứ có vị Bồ tát tên là Nhất thiết diệu thấy nước Ca di có một trưởng giả, vợ chồng đều mù, cô đơn khổ sở, không con, nhưng lại nguyện vào núi tu vô thượng tuệ, nên Bồ tát giúp đỡ bằng cách sinh làm con trong gia đình này, tên là Thiểm. Thiểm hầu hạ cha mẹ rất hiếu thảo; có lần cha mẹ khát muốn uống nước, Thiểm bèn mặc da nai mang bình đến bờ suối, gặp lúc vua nước Ca Di vào núi săn bắn, lầm tưởng Thiểm là nai nên bắn mũi tên độc vào giữa ngực. Thiểm la lớn, vua kinh hãi chạy đến trước Thiểm tạ tội, Thiểm không than đau mà chỉ lo cho cha mẹ, nên nhờ vua nuôi dưỡng cha mẹ rồi tắt thở. Vua cho người dẫn cha mẹ Thiểm đến chỗ xác chết của Thiểm, cha ôm chân, mẹ ôm đầu, ngước mặt lên trời kêu gào. Trời Đế thích cảm động vì lòng hiếu thảo chí thành của Thiểm nên dùng thuốc thần rót vào miệng Thiểm, mũi tên liền tự bật ra và Thiểm sống lại, cha mẹ vừa kinh ngạc vừa vui mừng mở to 2 mắt. Xét trong chuyện này thì Thiểm chính là đức Thích Tôn, bà mẹ mù là Ma da phu nhân, người cha mù là phụ vương Duyệt đầu đàn, vua nước Ca di là A nan, trời Đế thích là Dilặc. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 2, từ Hóa quỉ tử mẫu đi về hướng bắc hơn 50 dặm, đến nơi có 1 ngôi tháp, đó chính là chỗ Thương mạcca gặp vua nước Ca Di. [X. kinh Lục độ tập Q.5; kinh Tạp bảo tạng Q.1].