thường lạc ngã tịnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(常樂我淨) I. Thường Lạc Ngã Tịnh. Cũng gọi Niết bàn tứ đức. Chỉ cho 4 đức của Niết bàn Đại thừa và pháp thân Như lai. Sự giác ngộ đạt đến cảnh giới Niết bàn là sự giác ngộ vĩnh viễn không biến đổi, được gọi là Thường; cảnh giới ấy không có các khổ não, chỉ có an vui, gọi là Lạc; được tự do tự tại, không một mảy may bó buộc, gọi là Ngã; không có phiền não nhiễm ô, gọi là Tịnh. [X. kinh Niết bàn Q.23 (bản Bắc); luận Phật tính Q.2]. (xt. Tứ Đức). II. Thường Lạc Ngã Tịnh. Chỉ cho 4 kiến giải sai lầm vì phàm phu không biết chân tướng của mình và thế giới vốn là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà sinh ra. Thường là hiểu lầm rằng con người sẽ tồn tại vĩnh viễn; Lạc là cho rằng đời người là khoái lạc; Ngã là tưởng lầm mình có tự do, tự chủ, là cái ta chủ thể có thể nắm bắt được; Tịnh là cho rằng thân tâm mình trong sạch. Đây cũng là 4 cái điên đảo. Cho nên Phật giáo thời kì đầu ở Ấn độ đã dạy tu tập 4 Niệm xứ để đối trị 4 cái điên đảo này, đó là: Quán thân là bất tịnh, Cảm thụ là khổ, tâm là vô thường, các pháp là vô ngã. (xt. Tứ Điên Đảo).