Thức

Từ Điển Đạo Uyển

識; S: vijñāna; P: viññāṇa; J: shiki;
1. Một thuật ngữ quan trọng trong Phật pháp chỉ sự “nhận biết.” Có sáu thức thông thường gồm năm thức của năm giác quan và ý thức. Ðó là hoạt động tâm lí sau khi giác quan (căn) tiếp xúc với đối tượng (trần), thức được sinh ra. Thức là một yếu tố của Ngũ uẩn và là yếu tố thứ 3 trong Mười hai nhân duyên.
Thức là “giác quan” tâm lí, ở đây được xem là ngang hàng với năm giác quan kia nhằm tránh quan niệm cho rằng thức chính là cái chứa đựng cái “Ta”, một cái gì độc lập thường hằng. Thức chỉ là một yếu tố tạo nên cái mà ta tưởng là một con người mà thật chất con người đó chỉ là sự cảm nhận giả hợp (xem thêm Tâm sở). Ðặc biệt là trong Duy thức tông, người ta phân biệt tám loại thức khác nhau (Pháp tướng tông).
2. Theo Ấn Ðộ giáo thì “vijñāna” là trạng thái cao nhất của kinh nghiệm giác ngộ, trong đó, Bậc giác ngộ không trực nhận Chân lí (s: brahman) ở một trạng thái định (s: samādhi) riêng biệt nào đó mà trực nhận nó ngay ở trong thế giới hiện hữu. Ðối với ông ta thì thế giới chính là hiện thân của cái Chân lí đó. Hệ thống Vê-đan-ta (s: vedānta) gọi trạng thái này là “Nhìn Chân lí với cặp mắt mở to” và người đạt trạng thái này được gọi là một “Vijñānin.”