thực tác pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(食作法) Tác pháp được thực hành lúc dùng cơm. Việc ăn uống của người xuất gia vốn lấy khất thực làm nguyên tắc, cho nên có qui luật nghiêm khắc. Trong giới luật có nhiều giới nói về phép ăn uống, như trong 90 Đơn đọa có 14 thứ giới nói về phép ăn uống như: Bất thụ thực, Phi thời thực, Khuyến túc thực, Thực gia cưỡng tọa… Trong 100 pháp chúng học có 22 giới nói về phép ăn uống như Dụng ý thụ thực, Bình bát thụ thực, Tự sách thực, Thiệt thỉ thực… Ngoài ra, như Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 7, Đại tỉ khưu tam thiên uy nghi quyển hạ, Sa di thập giới tinh uy nghi, kinh Chính pháp niệm xứ quyển 61… cũng đều có nêu rõ các qui định về phép ăn uống. Trong điều Thụ trai qui tắc trong Nam hải kí qui nội pháp truyện quyển 1, ngài Nghĩa tịnh có thuật lại rất rõ ràng tỉ mỉ về phép thụ trai được thực hành ở Ấn độ lúc bấy giờ (thế kỷ VII). Ở Trung quốc, từ thời ngài Đạo tuyên về sau, giáo giới luật nghi rất được coi trọng. Trong bộ Giáo giới tân học tỉ khưu hành hộ luật nghi do ngài Đạo tuyên soạn, có 80 điều qui định về phép ăn cháo và ăn cơm, 10 điều về phép ra khỏi nhà ăn sau khi ăn xong, 17 điều về phép rửa bát và 13 điều về phép giữ gìn bát. Còn Thích thị yếu lãm quyển thượng thì nêu phép quán tưởng 5 việc trước khi ăn. Trong Sắc tu Bách trượng thanh qui quyển hạ ở chương Đại chúng cũng liệt kê các điều qui định về tác pháp hàng ngày liên quan đến việc thụ thực. Theo luật qui định, mỗi ngày ăn một bữa, quá giờ Ngọ mà ăn là Phi thời thực, trái với giới luật, cho nên phải ăn đúng giờ Ngọ. Ngoài ra, còn có các qui định như: Triển bát, thụ thực, chú nguyện, quán niệm, tẩy bát, thuyết pháp… (xt. Ngũ Quán, Giới).