thục bản

Phật Quang Đại Từ Điển

(蜀板) Cũng gọi: Khai bảo tạng. Chỉ cho Đại tạng kinh do vua Thái Tổ nhà Tống ban sắc khắc bản tại Thành đô (đất Thục) từ năm Khai Bảo thứ 4 (971) đến năm Tháibình hưng quốc thứ 8 (983) thì hoàn thành. Đây là lần đầu tiên Đại tạng Hán dịch được khắc in ở Trung quốc. Đến nay, bản khắc này đã thất truyền(Nhật Bản còn giữ được 1, 2 quyển kinh trong bản này), cả phần mục lục cũng không còn, cho nên nội dung thu chép kinh điển ra sao, không được rõ, chỉ thấy trong Phật tổ lịch đại thông tải quyển 26 cho biết số bản gỗ được sử dụng lúc bấy giờ gồm hơn 130.000 bản. Còn theo Nguyên hanh thích thư của ngài Sưluyện người Nhật bản thì vào niên hiệu Vĩnh diên năm đầu (987) đời Thiên hoàng Nhất điều, ngài Điêu nhiên đã thỉnh được bản Đại tạng này mang về Nhật bản, số quyển kinh thời ấy tính chung gồm 5048 quyển, số mục này giống với số mục ghi trong Nhập tạng lục của Khai nguyên thích giáo lục. Bản tạng này đến đời sau được ấn hành nhiều lần, vả lại, theo nhu cầu của các nước mà được truyền bá rộng rãi, như Nhật bản, Cao ly, Nữ chân, Tây hạ… đến triều cống, sau đó, đều thỉnh được bản Đại tạng này đưa về nước. Bởi thế, Thục bản đã có ảnh hưởng rất lớn đối với việc điêu khắc và ấn loát kinh Phật ở các nước sau này. Hình thức của Thục bản theo ghép xếp và dán lại, cho nên không có đường chỉ may. Còn về số chữ viết trên mặt tờ kinh thì có nhiều thuyết khác nhau; theo Nhật bản thì nửa tờ kinh(1 trang, tức 1 mặt của tờ giấy) có 6 dòng, mỗi dòng 14 chữ. Nhưng, theo Trung quốc Đại tạng kinh phiên dịch khắc ấn sử của ngài Đạo An thì mỗi nửa tờ kinh Thục bản có 5 dòng, mỗi dòng 15 hoặc 14 chữ, mỗi bản 25 dòng, đánh số theo Thiên tự văn, bản theo hình thức cuốn tròn. Lại kinh Đại bát nhã quyển 511 là Thục bản đời Tống được tìm thấy ở chùa Hiếu nghĩa Hưng phúc tại tỉnh Sơn tây vào năm Dân quốc 48 (1959) cũng theo kiểu cuốn tròn, mỗi bản khắc 23 dòng, mỗi dòng 14 chữ. [X. Phật tổ thống kỉ Q.43; Thích thị kê cổ lược Q.4; Cao li sử Q.93; Nguyên hanh thích hư Q.16].