thuận thế ngoại đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(順世外道) Phạm: Lokàyata, Lokàyatika. Hán âm: Lộ già da phái, Lô ca da đà phái, Lộ ca dạ đa phái, Lộ ca dã để ca phái. Cũng gọi Thuận thế phái. Một chi phái thuộc Bà la môn giáo ở Ấn Độ thời xưa, chủ trương thuận theo thế tục, đề xướng chủ nghĩa khoái lạc theo Duy vật luận. Phái này và phái A kìtì già đều là các học phái đại biểu cho tư tưởng tự do ở Ấn độ cổ đại. Phái này theo lập trường Duy vật luận, cho rằng 4 nguyên tố đất, nước, lửa, gió hợp lại tạo thành thân tâm con người, sau khi người ta chết, 4 nguyên tố này cũng lìa tan, năng lực của các cảm quan cũng trở về hư không, cho nên con người sau khi chết, tất cả đều trở về hư vô, linh hồn cũng chẳng tồn tại. Cho nên phái này phủ nhận tất cả ý nghĩa về luân hồi, nghiệp báo, phủ nhận việc cúng tế, bố thí, cúng dường… Về phương diện nhận thức thì phái này chủ trương Cảm giác luận, về sinh hoạt thực tiễn thì theo chủ nghĩa khoái lạc, đồng thời, phản đối chủ nghĩa tế tự vạn năng của Bà la môn và có khuynh hướng tư tưởng quỉ biện. Ngoài chủ trương cho thân tâm con người do 4 nguyên tố tạo thành, phái này còn cho rằng tất cả sinh vật, vô sinh vật trong thế gian cũng đều do 4 nguyên tố này tạo thành; 4 nguyên tố có thể được phân tích đến cực vi (đơn vị nhỏ nhất của vật chất) và ngoài cực vi ra trên thế gian không còn bất cứ vật gì khác. Đồng thời lập luận: Con người tuy có tác dụng tinh thần, nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là cái trạng thái do sự kết hợp của vật chất mà sinh ra, không hơn không kém, cho nên mục đích cao nhất của đời người là truy cầu khoái lạc. Trong 2 thứ tà kiến đoạn, thường nói trong Phật giáo thì kiến giải của phái này thuộc về Đoạn kiến ngoại đạo. Cứ theo Thành duy thức luận diễn bí quyển 1 phần cuối thìCực vi do ngoại đạo Thuận thế chủ trương có thể được chia làm 3 loại: 1. Cực tinh hư: Chỉ cho tâm và tâm sở. 2. Thanh tịnh: Chỉ cho các căn mắt, tai, mũi, lưỡi… 3. Phi hư tịnh: Chỉ cho các pháp bên ngoài như sắc, thanh, hương, vị… ThuyếtCực vi không phải chỉ ngoại đạo Thuận thế mới có mà học phái Thắng luận trong 6 pháiTriết học cũng có thuyết này, nhưng 2 phái nói đều khác nhau. Ngoại đạo Thuận thế cho rằng ngoài cực vi ra, trên thế gian không còn bất cứ vật gì khác; còn học phái Thắng luận thì ngoài cực vi của 4 đại chủng(4 nguyên tố) ra còn lập các đế Đức, Nghiệp…Lại trong các bộ phái như Thuyết nhất thiết hữu bộ, Kinh lượng bộ… của Phật giáo Tiểu thừa cũng có thuyết Cực vi, nhưng rất khác với thuyếtCực vi của ngoại đạo Thuận thế, ngoài việc khẳng địnhcực vi ra, các bộ phái Phật giáo nói trên còn thừa nhận có tác dụng tinh thần tâm, tâm sở tồn tại. Loại chủ nghĩa khoái lạc Duy vật này đã manh nha ngay từ các thời đại Phệ đà, Phạm thư và Áo nghĩa thư ở Ấn độ thời xưa. Bấy giờ, những người tôn thờ chủ nghĩa này được gọi là tín đồ của Ca nhĩ ngoã ca (Phạm: Càrvàka). Đến nay vẫn chưa khảo chứng được vào thời gian nào ngoại đạo Thuận thế mới trở thành một dòng phái có tư tưởng lớn, chỉ biết một cách đại khái là đồng thời, hoặc trước đức Phật một chút. Có thuyết cho rằng tiếng PhạmLokàyata Càrvàka (Lộ già da ca nhĩ ngõa ca) là tên vị Giáo tổ của giáo phái này. Giáo phái này hoàn toàn không có kinh điển lưu truyền cho đời sau, ngày nay những điều có liên quan đến chủ trương tư tưởng của phái này mà ta được biết, phần lớn thấy rải rác trong kinh điển Phật giáo hoặc sách vở của các học phái khác ở đương thời. Như kinh Sa môn quả trong Trường a hàm quyển 17 có ghi A di đà sí xá khâm bà la hay như Bất lan ca diếp ghi trong luận Đại tì bà sa quyển200 đều là điển hình của ngoại đạo Thuận thế.Cứ theo Từ ân tự Tam tạng pháp sư truyện quyển 4 thì khi ngài Huyền trang đến Thiên trúc, trụ ở chùa Na lan đà tại nước Ma yết đà từng có ngoại đạo Thuận thế đến tranh luận, do đó có thể biết vào thế kỷ VII phong trào tư tưởng của phái này vẫn còn thịnh. Ngoài ra, phẩm An lạc hạnh trong kinh Pháp hoa quyển 5, khi ghi chép về các loại ngoại đạo Phạm chí ni kiền tử, có nêu các tên Lộ già da đà, Nghịch lộ già da đà mà trong Pháp hoa văn cú quyển 8 hạ, ngài Trí khải có giải thích rất rõ. Nghịch lộ già da đà còn gọi là Tả thuận thế ngoại đạo, là một nhánh của ngoại đạo Thuận thế, nghĩa là từ ngoại đạo Thuận thế rơi vào Tả đạo. [X. phẩm Lô già da đà trong kinh Nhập lăng già Q.6; Đại thừa quảng bách luận thích luận Q.2, 3; luận Thành duy thức Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.1, phần cuối; Tuệ lâm âm nghĩa Q.15].