thừa lộ bàn

Phật Quang Đại Từ Điển

(承露盤) Gọi tắt: Lộ bàn. Cũng gọi Bàn cái, Luân cái, Tướng luân. Lối kiến trúc có hình mâm tròn nhiều tầng trên đầu bằng của tháp Phật. Trung tâm lộ bàn có cây cột xuyên qua, cột này cũng gọi là Luân can, Tâm trụ, Sát, Sát trụ. Ban đầu, ở Ấn độ, trong đầu bằng có thờ xá lợi Phật, trên đầu bằng lại có cây lọng che để bảo vệ xá lợi, đó là khởi nguồn của lộ bàn. Về số vòng tròn(mâm, bánh xe)của lộ bàn, theo Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 18, tùy theo sự bất đồng giữa tháp Phật, tháp Thanh văn mà có 1 vòng, 2 vòng, đến 13 vòng khác nhau. Về hình thức cấu trúc thì hoặc 1 cột nhiều vòng, hoặc 3 cột, 5 cột đứng riêng và mỗi cột đều thêm nhiều vòng. Như Đại tháp ở Sơn kì (Sànchi) là hình thức 1 cột 3 vòng, còn tháp đào được ở Yusafzai tại Bắc Ấn độ là 1 cột 8 vòng. Theo truyền thuyết, tháp Tước li do vua Ca nị sắc ca kiến tạo có 13 tầng vòng tròn bằng vàng. Còn tháp chùa Vĩnh minh tại Lạc dương, Trung quốc, có 30 tầng thừa lộ bàn bằng vàng. Tháp 5 tầng ở chùa Pháp long tại Nhật bản là 1 cột 9 vòng. Bức khắc nổi mang hình tháp A ma la bà đề (Phạm: Amaravatì) được cất giữ ở viện bảo tàng Madrastại Ấn độ là 2 cột, mỗi cột 1 vòng; tháp 5 tầng được khắc trên vách phía đông nam trong động đá thứ 6 tại Vân cương, Trung quốc, là 3 cột, mỗi cột 5 vòng; còn tháp do trời Đa văn cầm ở tay trong Kim đường chùa Pháp long, Nhật bản là 5 cột, mỗi cột 5 vòng. Tại Nhật bản, Thừa lộ bàn trên đỉnh tháp cũng gọi là Kim sát, Kim chàng. Lộ bàn trên các tháp 3 tầng, 5 tầng được xây dựng tại các chùa Nhật đã mất dáng vẻ nguyên thủy của chúng, chỉ giữ lại hình tròn rỗng bên trong, đặc biệt gọi là Không luân; lại số các vòng tròn cố định là 9 vòng, gọi là Cửu luân; nếu chỉ tạo lập phần tướng luân, cấu trúc cách nào cho có dáng cột tháp và được coi là tháp, thì gọi là Tướng luân đường, Tướng luân tháp. [X. luật Tứ phần Q.52; luật Ma ha tăng kì Q.33; điều Vĩnh ninh tự tháp trong Lạc dương già lam kí Q.1]. (xt. Tướng Luân, Tháp).