LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời Tịnh Độ Tông Nguyệt San Xã

Nhận được tờ hoa, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Tịnh Tông được chư vị hoằng dương sẽ khiến cho nhân dân khắp mọi giới đều được thấm nhuần ân trạch. Quang là người sẽ mất trong sớm chiều, mắt đã quáng lòa, chẳng thể xem thư, viết chữ. Ngay như để viết lá thư dở tệ này, phải đeo kính lão tám mươi hoa[1], rồi lại cầm kính lúp[2] để viết. Vì thế, cự tuyệt hết thảy những chuyện sai khiến bút mực. Nếu ngẫu nhiên có thư từ gì, chỉ đáp sơ sài mấy câu, mà cũng chẳng giữ lại bản nháp, do một mực chẳng giữ lại bản sao. Phật Học Thư Cục Bán Nguyệt San ngẫu nhiên có đăng tải [những lá thư của Quang] cũng là do người nhận thư gởi đến, chứ Quang chưa hề gởi cho họ một lần nào, huống là hiện thời mắt đã lòa ư? Báo được in ra cũng đừng gởi tới, bởi chữ nhỏ chẳng thể đọc được, há nên biến vật hữu dụng thành vô dụng ư? Đơn thỉnh sách [do quý vị gởi tới] đã giao cho Hoằng Hóa Xã. Hễ gặp ai thỉnh kinh, hoặc người thông hiểu văn tự trọn vẹn thì gởi kèm thêm trong gói sách, chắc sẽ có hiệu quả. Còn như người ở nơi ấy rất ít giao du với Quang nên chẳng thể [biết ai mà] chia ra tặng được. Xin quý vị thương tôi già nua, bệnh hoạn đang đợi chết mà đừng trách tội, cảm tạ khôn ngằn!

***

[1] Tám mươi hoa (bát thập hoa) là thuật ngữ để chỉ mắt già bị viễn thị, chỉ nhìn vật được ở cách mắt đến 80cm, nhưng không đọc chữ được, phải đeo kính viễn thị để có thể nhìn gần, đọc được chữ.

[2] Nguyên văn “hiển vi kính”. Chữ “hiển vi” ở đây khác với chữ thuật ngữ “kính hiển vi” được dùng để dịch chữ Microscope hiện thời. Kính hiển vi thời ấy chỉ có nghĩa là kính phóng đại, kính lúp (magnifier).