Thư trả lời ông Lý Thính Đào ở Hải Môn

(bảy lá thư) (năm Dân Quốc 21 – 1932)

1) Qua bức thư do Trần Huệ Sưởng chuyển đến, biết ông tuổi chưa đến tráng niên, nhưng khá có tín tâm, hằng ngày tụng vài quyển kinh Kim Cang để mong sám hối túc nghiệp, quả thật là một đại sự trong đời người. Nhưng cần phải chí thành cung kính mới tốt. Nếu giống như cung cách ông viết chữ nguệch ngoạc thì lợi ích sẽ thuận theo cái tâm phù phiếm bị giảm đi rất nhiều. Ông lại muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tài. Ông vốn tên là Thông Tài, vừa thông minh vừa có tài, sử dụng chánh đáng thì có thể mong thành thánh, thành hiền, tạo công lập nghiệp; nếu sử dụng không chánh đáng sẽ tự lầm, lầm người, đọa trong ba ác đạo! Thiên tai, nhân họa hiện thời đại đa số đều do những kẻ thông minh có tài tạo nên. Nếu do trí huệ, phân biệt được tà – chánh, hiểu rõ nhân quả, xuôi theo điều lành, tránh điều dữ sẽ thành tài đạt đức. Có trí huệ thì tài năng sẽ giúp cho đạo, không có trí huệ thì tài năng sẽ trái đức. Vì thế, đặt tên cho ông là Huệ Tài.

Ông hãy nên nhìn vào cái tên nghĩ đến ý nghĩa, trong khi khởi tâm động niệm hãy thường suy xét xem có hợp trí huệ hay không. Nếu hợp thì mở rộng ra, chẳng hợp liền tiêu diệt ngay, chẳng cho nó chớm nẩy nữa! Lại phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại còn dạy người. Người làm được như vậy chính là đệ tử thật sự của Phật. Huống chi nay đang là lúc tình thế hoạn nạn, phàm trong là gia đình, cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, và tôi tớ, ngoài là thân thích, bè bạn, và hết thảy những ai quen biết, đều nên khuyên họ thường niệm thánh hiệu A Di Đà Phật và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để làm căn cứ “gặp nguy thành an, gặp dữ hóa lành” trong hiện tại, để làm phương cách sao cho trong tương lai khi hết tuổi thọ sẽ vĩnh viễn lìa khỏi biển khổ sanh tử. Phương pháp niệm và lợi ích chẳng dễ gì nói tường tận trong chốc lát được.

Tôi đã bảo Huệ Sưởng gởi cho ông Gia Ngôn Lục và những sách thích hợp, hãy đọc sẽ tự biết. Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp thì phải thực hiện với mười phần thành tâm. Trì kinh và niệm Phật về mặt sự tuy giống nhau, nhưng lòng thành có sâu hay cạn, phù phiếm hay thiết tha khác biệt, cho nên lợi ích càng khác biệt lớn lao! Mọi chuyện trong thế gian đều phải do lòng thành để được thành tựu, huống gì trì kinh, niệm Phật, muốn dùng cái thân phàm phu để liễu sanh thoát tử, siêu lên cõi Phật, mà thiếu lòng thành há có được chăng?

2) Người tu hành chỉ trọng thật hành, cần gì phải bày vẽ phô trương, muốn chụp hình quá lố? Quang một mực không thích chụp hình, gần đây trong tờ Phật Hóa San của Hương Cảng Phật Học Hội có đăng hình Quang, một đệ tử gởi đến mười cuốn, nay gởi cho ông một cuốn. Hơn nữa, trước kia ông Trương Thụy Tăng khắc in kinh Dược Sư ở Dương Châu có gởi cho một gói, nay gởi cho ông năm cuốn, ngoại trừ một bản tự giữ, bốn bản kia đưa cho những người xin quy y. Tiền “hương kính” của bọn họ đã nhận đầy đủ.

Hãy nên nói với bọn họ: Đã quy y Phật pháp, hãy chiếu theo pháp môn Tịnh Độ trong Phật pháp để tu, đừng đèo thêm những pháp luyện đan, vận khí v.v… của ngoại đạo. Pháp này được ích lợi dễ dàng nhất do cậy vào Phật lực. Ngoài ra, [những pháp khác] đều cậy vào tự lực, cho nên khác với pháp này như trời với vực. Luyện đan là pháp để hộ thân, hộ khí, chẳng phải là pháp liễu sanh thoát tử! Ngay cả các pháp tham thiền, nghiên cứu giáo nghĩa, và Mật Tông cũng chẳng phải là pháp khế cơ. Pháp chẳng khế cơ giống như thuốc không đúng bệnh. Chỉ có mỗi mình pháp Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn cơ thượng – trung – hạ, dù phàm hay thánh đều nên tu tập, chớ nên nghe Thiền Tông, Mật Tông cao siêu huyền diệu, rồi bỏ pháp này tu pháp kia, đến nỗi vĩnh viễn không có ngày liễu sanh thoát tử!

Hiện nay là tình thế hoạn nạn, bất luận là ai đều nên niệm Phật, niệm Quán Thế Âm để dự phòng. Phàm những nguy hiểm như đao binh, nước, lửa, ôn dịch, sâu rầy, bệnh ngặt, oán gia, đối đầu v.v… mà chí thành niệm thì chắc chắn chẳng đến nỗi không cởi gỡ được! Ngay cả nữ nhân sanh nở, càng phải nên chí thành niệm thánh hiệu Quán Thế Âm ra tiếng rõ ràng, chắc chắn không có các sự đau khổ. Lúc ấy chớ nên niệm thầm trong tâm vì đang dùng sức để đẩy đứa con ra, nếu niệm thầm có thể bị bệnh, quan trọng lắm! Dẫu khó sanh đến cùng cực, đã sắp mất mạng mà niệm cũng lập tức được an nhiên sanh nở. Phải biết: Chịu niệm từ nhỏ sẽ chẳng có chuyện khó sanh. Dẫu không khó sanh, niệm vẫn có lợi ích lớn lao. Chớ vì lõa lồ bất tịnh mà chẳng dám niệm để đánh mất lợi ích hoặc bị đau khổ, hoặc đến nỗi cả mẹ lẫn con đều chết! Bản thân sản phụ ấy niệm, những người chăm sóc bên cạnh cũng niệm, người trong nhà ở chỗ khác cũng có thể niệm giúp cho sản phụ ấy. Nếu ai nấy đều biết điều này thì thế gian sẽ không có chuyện sanh khó và chết vì sanh nở.

Ông Lưu Ôn Phủ đã bảy mươi bốn tuổi, hãy nên toàn thân buông xuống, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Nếu không, một phen lầm lỡ bỏ qua chẳng biết đến kiếp nào mới có thể gặp được pháp môn này? Những người khác tuy chưa đến nỗi quá già, nhưng nhân mạng vô thường, chẳng chắc gì sống đến già mới chết! Những điều khác hãy xem trong bức thư dài, ở đây không viết cặn kẽ. Mong ai nấy đều thật hành thì may mắn thay!

3) Người có lòng tin ở quý địa tuy nhiều, sợ rằng chưa chắc đã chân thật tu trì theo Phật pháp. Hãy nên nói với bọn họ Phật pháp và ngoại đạo khác nhau. Ngoại đạo chuyên chú trọng bí truyền, dùng công phu luyện đan, vận khí, tuyệt đối chẳng chú trọng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận. Lại còn có chuyện “phù cơ giáng loan” (cầu cơ), tuy cũng khuyên người làm lành, nhưng rốt cuộc là linh quỷ giả mạo danh nghĩa tiên, Phật. Nếu chẳng hiểu lý, tưởng lầm là chân tiên, chân Phật giáng đàn, ấy là sai lầm lớn. Chẳng phải là hoàn toàn không có một lần nào chân tiên giáng đàn, nhưng vẫn là trong ngàn lần cũng khó có được một dịp!

Cuối đời Minh, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dùng cơ bút để chỉ dạy Phật pháp, lúc bỏ đi, Ngài dạy [đại chúng] vĩnh viễn bỏ cầu cơ! Mười năm trước, tại Đa Đa Phật Học Xã ở Hương Cảng [Đa Đa Ha Bồ Tát giáng đàn] cũng giống như thế. Hai vị này đều là Bồ Tát thật sự, nhưng đều cấm chỉ cầu cơ, bởi những linh quỷ không có đạo lực cao lắm cứ nói bừa khiến cho người ta bị lầm lạc thật sâu. Vì thế, tuy Bồ Tát giáng cơ nhưng cấm tuyệt cầu cơ! Trong bộ Văn Sao của tôi đã từng có nói qua. Nếu có ai chẳng chịu bỏ công phu ngoại đạo và sự nghiệp cầu cơ, chớ nên cho người ấy quy y để khỏi bị người đời nói “Phật pháp chẳng khác gì ngoại đạo!”

4) Thư trước đã bàn về cái tệ cầu cơ, người học Phật chẳng nên dự vào chuyện này. Chuyện ấy phần nhiều là do linh quỷ giả mạo, lâu ngày ắt đến nỗi bị hỏng việc. Dẫu chẳng hỏng việc, nhưng những điều chúng nó nói phần nhiều giống với tri kiến của người đời, thường hay mâu thuẫn đạo lý chân chánh. Danh sách kê khai [tên họ người xin quy y] đừng dùng giấy đỏ, mắt già nhìn không rõ, hết sức tốn công! Sau này có ai đến cầu quy y, hãy nên nói với họ: Nếu đã từng theo ngoại đạo và cầu cơ thì nên đem những đạo đã hành trước kia hoàn toàn vứt bỏ đi. Nếu không, chẳng nên giới thiệu, ngõ hầu chẳng đến nỗi coi ngoại đạo là Phật pháp khiến cho kẻ vô tri tà – chánh chẳng phân vẫn cứ xem tà là chánh. Nay đặt pháp danh cho mỗi người quy y, xin hãy sao ra gởi đến họ.

Thêm nữa, những kẻ yêu thương con cái trong cõi đời đều là hại con cái. Chẳng chịu giáo huấn chúng học hành chăm chỉ, một mực để mặc cho quen thói kiêu ngạo, khiến cho những đứa có thiên tư tốt đẹp đều trở thành phường ương bướng, tầm thường, bại hoại. Thiên hạ do đây mà loạn, đều là vì những kẻ không biết cách làm cha mẹ người khác nuôi dưỡng thành. Nay muốn cho con cái hiền thiện, nên vào lúc chúng nó mới hiểu biết liền dùng sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi và hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ để giảng giải, bảo chúng nó thực hành, thì con cái chắc chắn sẽ là hiền nhân, thiện nhân. Sự vinh hiển ấy đời đời vô cùng.

5) [Khi] con trẻ chết yểu thì thói đời sẽ thường do tình cảnh ấy mà dấy lòng oán hờn, đâm ra biếng nhác. Phải biết đời người nhân quả phức tạp, hễ có nhân ắt phải có quả, có quả chắc chắn chẳng thể không có nhân. Biết “nhân trước, quả sau” sẽ chẳng sanh oán hận, biết “đức có thể cảm được trời”, ắt chẳng đến nỗi gặp nghịch cảnh nhỏ nhoi bèn biếng trễ tu tâm. Ví như lúc trời vừa mới nóng, chợt rất mát, hoặc thoạt đầu trời đang mát, chợt nóng hừng hực, đấy là sự biến động tạm thời, chứ không phải luôn thường như vậy. Chỉ tận hết tấm lòng ta tu tập, chẳng cần biết tình cảnh hiện thời là thuận hay nghịch. Nếu ai thường làm được như thế ắt sẽ vĩnh viễn được nhiều phước. Nếu do chuyện nghịch ý nhỏ nhoi liền nói “tu trì vô ích” thì đấy chính là tri kiến của kẻ vô tri vô thức! Dẫu cho cả đời không chuyện gì chẳng như ý cũng khó đạt đến địa vị “vui theo mạng trời!”

Nếu có thể tu trì không lười biếng, ắt sẽ sanh được đứa con trường thọ, vẹn đức. Nếu chẳng luận tốt – xấu, chỉ cốt sao nó chẳng chết yểu, nó sẽ vét sạch mỡ màng của bá tánh, đem khoản tiền ấy gởi vào ngân hàng ngoại quốc, khi một hơi thở hắt ra không hít vào được, [tiền ấy] hoàn toàn về tay người ngoại quốc, [như vậy thì] đứa con yêu quý không bị chết yểu có may mắn chi đâu! Đứa con chẳng ra gì ấy nếu bị chết yểu chính là do đức lớn cảm vời, vì nếu nó chẳng chết yểu sẽ khiến cho nhân dân cả nước lầm than! Nếu ngày nay những kẻ như vậy đều chết yểu hết sạch thì nước ta đâu đến nỗi không có thuốc chữa, chỉ đợi diệt vong mà thôi? Chỉ nên lắng lòng niệm Phật hầu tiêu tội nghiệp, chuốc lấy điều lành.

6) Ngữ Lục của lệnh tổ[1] không liên quan gì đến Sơn Chí. Nếu là bài minh đề trên tháp, hoặc truyện thì có lẽ sẽ có chỗ cần dùng đến. Đối với chuyện hình ảnh thì các vị cổ đức nhiều đời đều không có thờ ảnh, nếu gởi đến cũng chẳng tiện sắp xếp, vì Linh Nham ngày nay hoàn toàn chẳng thừa kế Linh Nham xưa kia, do sau khi bị đốt phá trong chiến tranh, chỉ còn sót lại một cái tháp đổ nát, những thứ khác đều bị đốt trụi. Huống chi nay chùa theo pháp môn Tịnh Độ, lệnh tổ chính là bậc tri thức trong Thiền Tông; luận trên phương diện chùa miếu thì không phải là kế thừa, luận trên pháp đạo thì chính là môn đình khác. Ví như thuyền dưới nước, xe trên bộ, đưa về đến nhà rồi thì hoàn toàn giống nhau, nhưng trên lộ trình thì mỗi thứ mỗi khác. Con người hiện thời chẳng phải là đại thông gia, trọn chẳng thể nói lời viên dung, chỉ ưa nghe nói ngọt đến nỗi không có lợi ích thật sự. Trữ Công[2] chính là đệ tử khá nhất của sư Hán Nguyệt Tạng[3]. Hán Nguyệt muốn làm cao nhân bậc nhất xưa nay, hết sức kình chống tổ Thiên Đồng Mật[4]. Bọn Hoằng Nhẫn, Cụ Đức v.v… đều là phường khinh miệt tổ, chỉ có Trữ Công là chẳng có thứ tập khí ấy, đáng là người khiến cho hậu thế khâm phục, kính ngưỡng vậy.

7) Nhiều lần gặp mộng lành chính là túc nhân được cảm vời bởi lòng khẩn thiết trong hiện tại. [Mộng thấy] đại tự viện chính là pháp hội Hoa Nghiêm, nhưng do chưa phá được Phiền Hoặc nên chỉ thấy tướng kém cỏi, chẳng thấy tướng thù thắng, nhưng cũng chẳng dễ gì thấy được cảnh giới ấy. Đối với chuyện trưởng giả lấy nước ban cho uống, ấy chính là Văn Thù Bồ Tát đem cam lộ[5] ban cho ông. Hãy nên thường gắng sức để chẳng phụ ân đức một phen gia bị. Bởi lẽ phàm phu sát đất phần nhiều bị cảnh chuyển, nên Tăng Tử lúc sắp mất mới đọc thơ rằng: “Chiến chiến cạnh cạnh, như lâm thâm uyên, như lý bạc băng, nhi kim, nhi hậu, ngô tri miễn phù” (Dè dặt kinh sợ, như vào vực sâu, đi trên băng mỏng, hiện tại, mai sau, ta biết thoát rồi). Chưa đến lúc lâm chung còn sợ có thể bị sa xẩy, chẳng dám nói lời lớn lối ấy. Nay những người thích ăn nói lớn lối, đều là những kẻ cuồng trọn chẳng dụng công nơi cơ sở. Lệnh hữu miệng lưỡi không nhanh nhạy chính là do túc nghiệp. Tụng Pháp Hoa đương nhiên là tốt, niệm Phật, niệm Quán Âm cũng có thể tiêu nghiệp, tăng huệ. Chớ nên cố chấp cho rằng chỉ có tụng Pháp Hoa mới được! Niệm Phật nếu thật sự chí thành còn có thể siêu phàm nhập thánh, há lẽ chỉ có thiệt căn nhạy bén mà thôi ư?

***

[1] Tiếng gọi ông nội của người khác một cách tôn trọng.

[2] Trữ Công ở đây chính là Hoằng Trữ (1605-1672). Sư thuộc tông Lâm Tế sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, người Thông Châu, Giang Nam, pháp tự Kế Khởi, pháp hiệu Thoái Ông. Thuở nhỏ gia đình gặp cảnh tai biến, được bà nội đem về nuôi dưỡng. Sư tuy chăm học nhưng không ham công danh, chí mộ Phật pháp, thích đạo Thiền, lãnh hội Phật pháp. Năm 25 tuổi, Sư xuất gia với Hán Nguyệt Pháp Tạng, siêng tu nhọc nhằn, đắc ngộ tâm pháp. Sư thông hiểu học thuyết của bách gia chư tử, học vấn tinh thâm, tư cách đoan nghiêm, khiến đại chúng rất ngưỡng mộ. Sư tưởng nhớ nhà Minh, thường mong khôi phục. Khi quân phản Thanh phục Minh dấy lên ở vùng Ngô – Việt, Sư nhiều lần ám trợ, từng bị bắt giam, sau được nghĩa sĩ cứu ra. Mỗi năm vào ngày vua Sùng Trinh tuẫn tiết, Sư đều mặc tang phục, lễ bái, khóc lóc. Suốt hai mươi tám năm đều giữ đúng lệ như vậy. Đệ tử nổi tiếng dưới tòa có cả hằng trăm người. Sư thị tịch năm Khang Hy mười một, thọ sáu mươi tám tuổi. Sư còn để lại các trước tác như Ngữ Lục (100 quyển), Nam Nhạc Kế Khởi Hòa Thượng Ngữ Lục (10 quyển), Nam Nhạc Lặc Cổ, Linh Nham Ký Lược.

[3] Hán Nguyệt Pháp Tạng (1573-1635) là đệ tử của ngài Mật Vân Viên Ngộ, sống vào cuối đời Minh, xuất gia từ năm 15 tuổi. Năm Thiên Khải thứ tư (1624) đến chùa Kim Túc, yết kiến ngài Mật Vân, được ấn khả. Sư cực thông minh, rất có biện tài, nhưng lại lập ra dị thuyết, soạn ra bộ Ngũ Tông Nguyên, chỉ trích mạt sát nặng nề tông Tào Động, coi bốn tông kia là đọa lạc, đều không hiểu tông chỉ nhà Thiền, chỉ mình tông Lâm Tế là nắm được yếu lãnh của Lục Tổ. Luận thuyết của Sư khiến cho thiền đức các tông thời ấy tranh luận ồn ào. Ngài Viên Ngộ nhiều lần gởi thư khuyên răn Sư hãy bỏ luận thuyết dị kỳ ấy, nhưng Sư không thèm nghe theo. Sư thị tịch năm Sùng Trinh thứ tám, thọ 62 tuổi. Tác phẩm Ngũ Tông Nguyên gây nên tranh luận kéo dài mãi đến đời Thanh, vua Ung Chánh phải viết Ngự Chế Giản Ma Biện Dị Lục vạch ra những điểm sai lầm trong cuốn sách nói trên và hạ lệnh cấm tuyệt lưu hành Ngũ Tông Nguyên, nhưng do đồ đảng của Hán Nguyệt đến lúc ấy vẫn còn rất đông nên cuốn Ngự Chế Giản Ma Biện Dị Lục không được đưa vào Đại Tạng. Hoằng Nhẫn và Cụ Đức đều là đệ tử của Hán Nguyệt. Hoằng Nhẫn còn cực đoan, đả phá các tông phái Thiền khác gấp mấy lần Hán Nguyệt.

[4] Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) là cao tăng thuộc tông Lâm Tế, sống vào đời Minh, thụy hiệu là Huệ Định Thiền Sư. Ngài là con nhà nông, do tình cờ đọc Lục Tổ Đàn Kinh bèn ham chuộng pháp Thiền. Một ngày nọ đang chất củi bỗng tỉnh ngộ, bèn xuất gia với ngài Huyễn Hữu Chánh Truyền tại chùa Long Trì. Năm Vạn Lịch 30 (1602), ngài Chánh Truyền lên kinh đô, giao cho Sư làm giám viện chùa Vũ Môn. Một hôm, trong khi đi ngang qua núi Động Quan, ngài chợt khai ngộ. Năm Vạn Lịch 39 (1611), được ngài Huyễn Hữu trao y bát. Ngài lần lượt làm trụ trì nhiều đạo tràng Thiền Tông nổi tiếng, do thời gian ngài làm trụ trì chùa Thiên Đồng lâu nhất nên thường được gọi là Thiên Đồng Mật. Ngài được coi là người có công trung hưng tông Lâm Tế, đệ tử đến hơn ba vạn người. Sư thị tịch năm Sùng Trinh 15 tại chùa Huyền Thông, thọ 70 tuổi.

[5] Cam Lộ (Amrta): Đôi khi còn được phiên âm là A Mật Lý Đa, A Mật Lật Đa, dịch nghĩa là Bất Tử, Bất Tử Dịch, Thiên Tửu, nghĩa đen là thuốc tiên bất tử, rượu thiêng của cõi trời. Theo kinh Vệ Đà, cõi trời có rượu thiêng Tô Ma (Soma) uống vào sẽ sống mãi chẳng già chẳng chết, vị ngọt như mật nên gọi là Cam Lộ (sương ngọt). Phật Giáo dùng chữ “cam lộ” để ví cho pháp vị của Phật pháp có tác dụng mát lành nuôi dưỡng Pháp Thân huệ mạng vĩnh viễn cho chúng sanh. Chữ Cam Lộ ở đây là chỉ pháp thủy, trí huệ thủy khiến cho người uống vào phiền não tiêu diệt, trí huệ tăng trưởng chứ không phải là thuốc tiên của cõi trời. Ngoài ra, Cam Lộ chính là một trong ba tên của đức Phật A Di Đà (Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Cam Lộ) nên đôi khi Phật Di Đà còn được gọi bằng danh hiệu là Cam Lộ Vương Như Lai. Vì lẽ đó, chú Vãng Sanh đôi khi còn gọi là Thập Cam Lộ Chú vì có nhắc đến chữ Amrta mười lần.