Thư trả lời hai cư sĩ Hàn Tông Minh và Trương Tông Thiện

Đời Mạt, ngoại đạo lừng lẫy. Dẫu là kẻ có tín tâm phần nhiều theo về ngoại đạo, bởi lẽ chẳng có chánh pháp để nghe vậy. Gần đây, giao thông tiện lợi, kinh điển Phật pháp được lưu thông, quả thật là may mắn lớn lao. Nhưng chớ nên đã học Phật pháp lại còn tu pháp của ngoại đạo, đến nỗi tà – chánh hỗn loạn sẽ gây hại chẳng cạn! Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng; cầu lấy một pháp môn thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít mà đạt hiệu quả nhanh chóng thì không chi hơn được pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ấy là vì hết thảy pháp môn đều phải cậy vào tự lực để tu Giới – Định – Huệ hòng đoạn tham – sân – si. Nếu đoạn sạch tham – sân – si sẽ liền có thể liễu sanh thoát tử. Nếu kẻ nào đoạn chưa hết sẽ vẫn chẳng thể liễu được, huống là kẻ chưa thể đoạn ư?

Pháp môn Niệm Phật chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành niệm Phật, đến khi lâm chung ắt được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Ví như trẻ thơ do cha mẹ nâng dắt, liền có thể về thẳng đến nhà của chính mình. Con người gần đây thích lập dị, chẳng chịu thực hiện công phu thật thà, nên mới có kẻ học Thiền tông, Tướng tông, Mật Tông. Ba pháp môn này đều chẳng thể nghĩ bàn, nhưng đều thuộc về tự lực. Mật Tông tuy có giáo nghĩa “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này), nhưng rốt cuộc có mấy ai thành Phật ngay trong đời này? Đừng nói chi người học Mật chẳng thể thành Phật ngay trong thân hiện tại, ngay cả các vị Hoạt Phật[1] truyền dạy Mật Tông cũng chẳng phải là người có thể thành Phật ngay trong thân hiện tại được!

Các ông đừng bị xoay chuyển bởi những vị tri thức của các pháp môn ấy thì sẽ có thể thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên cõi chín phẩm kia, làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn tốt trong hải hội. Người niệm Phật cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thì mới có thể dùng thân để hướng dẫn người khác, tự lợi, lợi tha vậy. Nếu luân thường khiếm khuyết, người ta sẽ chẳng sanh lòng khâm phục, kính trọng cho nên đối với kẻ hiểu lý còn khó thể khuyến hóa; đối với kẻ chẳng hiểu lý, do chính ta còn thiếu sót trong chuyện tận tụy thực hành, họ sẽ chẳng chịu nghe theo lời ta nói. Đấy chính là “dĩ ngôn giáo giả tụng, dĩ thân giáo giả tùng” (dùng lời nói để dạy sẽ bị tranh cãi; dùng thân để dạy, người ta nghe theo).

Phàm mọi chuyện đều phải lấy thân làm gốc, huống chi dạy người khác niệm Phật liễu sanh tử ư? Nay pháp danh đặt cho các ông được viết trong một tờ giấy khác. Sợ các ông chưa thể tin nhận ngay, nay gởi cho các ông mỗi người một cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh, một cuốn Gia Ngôn Lục, một cuốn Sức Chung Tân Lương. Đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh sẽ biết Phật nguyện rộng sâu, pháp môn rộng lớn: Dẫu là kẻ nghịch ác mà nhất niệm hồi quang (tự phản tỉnh, tự tỉnh ngộ hướng về đường lành), vẫn có thể vãng sanh! Đọc Gia Ngôn Lục sẽ biết chỗ thù thắng mầu nhiệm của pháp môn và pháp tắc tu trì. Đọc Sức Chung Tân Lương sẽ biết: Lúc bình thường kêu gọi quyến thuộc niệm Phật thì lúc lâm chung sẽ chẳng bị phá hoại. Ngoài ra còn có Một Lá Thư Trả Lời Khắp, [áp dụng những điều được nói trong lá thư ấy] thì đối trước hết thảy mọi người sẽ đều đề xướng được. Lúc sanh nở niệm Quán Âm quả thật là chuyện quan trọng nhất trong đời người. Chuyện lớn trong thế gian chỉ có sanh và tử. Đề xướng được như vậy thì lợi ích lớn thay! (Ngày Mười Tám tháng Sáu)

***

[1] Hoạt Phật là từ ngữ do người Trung Hoa dịch chữ Tây Tạng Hpbrulsku (Thường được biết dưới dạng phiên âm phổ biến hơn là Tulku, là một từ ngữ Tây Tạng nhằm diễn dịch chữ Nirmanakaya (Hóa Thân) của tiếng Phạn). Tiếng Mông Cổ tương ứng là Khutukhu (hoặc Khutukutu, Hobilghan. Do vậy Chương Gia đại sư thường được gọi là Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ). Truyền thống này được bắt nguồn từ thời ngài Tsongkhapa cải cách tôn giáo tại Tây Tạng: Tăng sĩ không được lấy vợ, nên phải chọn người kế vị các ngôi tu viện trưởng hoặc trưởng dòng tu từ hóa thân. Ngoại trừ phái Sakya vẫn theo lệ truyền ngôi pháp vương cho con cháu trong dòng họ, các phái khác dẫu là Hoàng Giáo (Gelugpa), Cổ Mật (Nyingmapa), hoặc Cát Cư (Kargyupa) đều theo lệ này tuy các lạt-ma thuộc phái Nyingmapa hay Kargyupa vẫn được phép lấy vợ. Người Tây Tạng tin rằng các vị lạt-ma cao cấp có khả năng tự tại chuyển sanh, liên tục trở lại thế gian này để hóa độ chúng sanh. Trước khi mất, vị lạt-ma ấy sẽ để lại những sấm ngữ hoặc huyền ký dự báo mình sẽ tái sanh ở nơi nào. Các đệ tử đi tìm, thấy đứa bé nào phù hợp với sấm ký, sẽ tiến hành những xét nghiệm cần thiết, rồi đưa về tu viện, đào tạo và tấn phong để bảo đảm ngôi lãnh đạo của dòng tu được truyền thừa liên tục. Đồng thời để tạo sự chánh thống cho ngôi vị và thu hút tín đồ, các vị Hóa Thân nổi tiếng thường tự xưng hóa thân của các vị Phật, Bồ Tát, thánh tăng, như Đại Lai Lạt Ma thứ năm tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm, ban chỉ dụ công nhận Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của A Di Đà Phật, Karmapa tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm, trưởng dòng tu Sakyapa tự xưng là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, Tai Situpa Rinpoche tự xưng là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát v.v… Có lẽ vì thế, người Trung Hoa đã gọi các vị này là Hoạt Phật (Phật Sống). Hiện thời tại Tây Tạng, Mông Cổ, Cam Túc, Thanh Hải, Tây Khang, Buriat, Kalmyk v.v… tức những nơi theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đều có những hóa thân. Hầu như các tu viện lớn nhỏ đều có hóa thân; nổi tiếng nhất là Đại Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa, Sakyapa của Tây Tạng, Jetsundampa của Ngoại Mông Cổ, Chương Gia thuộc Nội Mông (dòng truyền thừa của vị này đã chấm dứt). Thậm chí tài tử Steven Seagal của Mỹ cũng được Drubwang Pema Norbu Rinpoche (tu viện trưởng tu viện Palyul Ling, người được coi như là trưởng tông phái Nyingmapa hiện thời) công nhận là hóa thân của lạt-ma Chungdrag Dorje, một vị Tăng chuyên phát hiện những Mật điển (Terton) sống vào thế kỷ 17 ở Tây Tạng, gây nên rất nhiều tranh luận ồn ào trong giới Phật Tử Tây Phương theo Mật Tông Tây Tạng!