Thư trả lời cư sĩ Vương Tôn Liên

Nhận được thư, biết sở học của cư sĩ là cái học cho chính mình, chứ chẳng phải chỉ muốn làm một bậc đại thông gia phô trương thanh thế sáo rỗng mà thôi, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Kinh điển Tịnh Độ rất nhiều, trong Văn Sao đã nhiều lần ghi chép đầy đủ như Quán Kinh Thiện Đạo Sớ (hiện thời có bản khắc mới ở Quán Âm Am tại Nam Kinh, chánh xác hơn nhiều so với bản do cụ Dương Nhân Sơn đã khắc trước đây), Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao Hiệt (bản này do ông Phạm Cổ Nông trích yếu). A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm là bốn kinh Tịnh Độ. Đối với Vãng Sanh Luận Chú thì cần phải thỉnh bản khắc mới ở Bắc Kinh, một là ít sai ngoa, hai là trình bày rõ ràng. Sách này hay tuyệt vời.

Di Đà Kinh Sớ Sao tuy rộng lớn, tinh vi, nhưng văn rườm, nghĩa lắm, đâm ra khiến cho kẻ sơ cơ khó được lợi ích, nhưng Di Đà Yếu Giải quả thật là bản chú giải tuyệt diệu bậc nhất từ xưa đến nay, chính là bản chú giải độc nhất vô nhị xưa nay, đừng nên xem thường thì sẽ may mắn lắm! Đại Minh còn có hơn một ngàn bộ sách này, tính muốn gởi hết sang Quan Trung để thỏa mãn ước nguyện pháp thí của ông ta, cho thỏa lòng ngu thành muốn báo ơn quê nhà của tôi. Điều quan trọng trong học đạo là đối trị tập khí. Thường có những kẻ học vấn càng sâu, tập khí càng mạnh; đấy chính là vì coi học đạo như học nghề, cho nên học đạo càng nhiều, nghịch đạo càng sâu! Đấy chính là nguồn cội khiến cho đạo Nho lẫn đạo Thích đều suy vi ở nước ta. Nếu cư sĩ chẳng xuôi theo xu hướng ham thích [hời hợt] của xã hội trong hiện thời thì quê ta sẽ may mắn lắm thay!