Thư trả lời cư sĩ Vương Nghiễn Sanh

(thư thứ nhất)

Thư nhận được đầy đủ. Quang là một tăng nhân chỉ biết cơm cháo, há nên khen ngợi quá lố như thế? Chuyện lập đàn cầu cơ Quang một mực chẳng xiển dương, bởi những lời giáng cơ phần nhiều đều là mạo danh, chứ không phải mỗi mỗi đều do chân tiên giáng lâm, huống là Phật ư?

Bài văn [được rêu rao là] do Quán Âm đã nói [trong buổi cầu cơ] lần này, cũng là mạo danh! Tôi đoán bài văn ấy chắc là do họ đã sao lục bài văn cũ để đưa ra. Nếu không, sao trong văn từ lại thường có những chỗ chẳng thể hiện được ý? Những điều được nói trong ấy cũng phần nhiều là tán loạn, lan man, chẳng chỉ ra rõ ràng, rộng rãi những điều quan trọng cho lắm! Cố nhiên Quang chẳng dám tự phụ là thông minh, nhưng nếu các vị coi đó chính là lời đức Quán Âm nói, chắc sẽ bị người khác chê cười! Do vậy tôi bèn sửa chữa đôi chút, so với bản trước đây trôi chảy hơn một tí, nhưng đừng nói rõ là Quang đã sửa chữa.

Ông Khâu vãng sanh Tịnh Độ rồi trở lại cõi này cố nhiên chẳng đáng nghi, nhưng do [các ông] chấp kinh văn mà chẳng hiểu ý kinh nên trở thành mối nghi lớn! “Một đại kiếp trong cõi Sa Bà bằng một ngày đêm nơi Cực Lạc”, câu này giảng rõ thời gian ở Cực Lạc. Còn nói “một ngày, một đêm, bảy ngày, một kiếp, mười hai đại kiếp” v.v… là đều ước theo thời gian phương này (cõi Sa Bà) để nói! Vì sao biết? Vì người lợi căn hoặc độn căn ở phương này do thành khẩn đến cùng cực liền có thể trong mấy chục ngày hoặc mấy năm sẽ đại triệt đại ngộ và đích thân chứng được tam-muội, há lẽ nào người đã vãng sanh Tây Phương, trụ trong cảnh giới thù thắng, nhiệm mầu, thường được thần thông, oai đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát gia bị, so với người trong cõi [Sa Bà] này lại hưởng lợi ích chậm trễ gấp mấy lần sự khác biệt giữa ngày và kiếp ư? Sự này, lý này, há phải đợi kẻ trí [giải thích] mới biết ư? Các vị chẳng khéo hiểu ý [kinh văn], ăn nói điên đảo, nên mới phạm sai lầm như thế!

Huống chi thời kiếp bất định, thần thông đạo lực của Phật, Bồ Tát lại chẳng thể rút ngắn thời gian cả kiếp thành một niệm ư? Hoặc chẳng thể kéo dài một niệm thành cả kiếp dài lâu ư? [Các ông] chấp chặt [ông Khâu đã vãng sanh] năm năm lẽ ra không nên trở lại cõi này là vì chấp vào kinh văn [thành ra tự mình] trái nghịch ý nghĩa của kinh. Được Quang nói lời này, mọi mối nghi tự cởi gỡ.

Huống chi người vừa mới vãng sanh liền trở lại báo [cho người cõi này biết] đều là do nương vào oai thần của A Di Đà Phật, muốn nhờ vào đó để khơi mở, chỉ dạy kẻ mê tối, chứ không phải do sức của chính mình mà có thể tự tiện làm chuyện ấy được! Còn như ông Kế tức thời sanh Tây, chẳng vượt thời hạn để quay trở lại báo tin, đều thuộc về nghĩa này.

Như [các ông chấp nệ kinh] nói:“Tu Đà Hoàn bảy lần sanh lên trời, bảy lượt sanh trong nhân gian” chính là đã lầm lẫn đem chuyện của bậc Tu Đà Hoàn cõi này để luận bậc Tu Đà Hoàn cõi Cực Lạc! Sự lầm lẫn ấy khiến cho người khác bị lầm lạc chẳng nhỏ đâu nhé! Trong cõi kia tuy có loại danh tự Tiểu Thừa ấy, nhưng thật ra họ đều đã liễu sanh tử, dự vào Bồ Tát thừa. Chẳng qua là tạm dùng các địa vị đã chứng được mà đặt tên như thế. Nếu các vị dùng ngay địa vị Tu Đà Hoàn trong cõi [Sa Bà] này để luận thì hóa ra trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn chưa liễu sanh tử, vẫn luân hồi y như cũ ư? Sao chẳng thấu hiểu thật lý, thật sự nơi hai cõi, cứ lầm lạc sanh khởi những thứ nghị luận sai quấy này vậy? Chẳng sợ trái kinh lầm người đến mức như thế đấy!

Hiện thời, ai nấy đều nên nghiêm túc tu Tịnh nghiệp thì mới đạt được lợi ích thật sự. Nếu học Thiền ngoài miệng thì tuy là nhân lành, nhưng nhất định sẽ chuốc lấy quả ác! Thế đạo hiện thời bại hoại đến cùng cực. Nếu muốn vãn hồi, cần phải đề xướng nhân quả, báo ứng, lại phải chú trọng dạy dỗ con gái! Bởi lẽ, nếu không dạy dỗ con gái thì chẳng những nó không thể giúp chồng dạy con thành tựu đức hạnh, trái lại còn giúp chồng dạy con làm ác. Đấy chính là cội rễ khiến cho nước ta tan hoang, loạn lạc vậy! Bỏ hai pháp này mà muốn thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui, dẫu Phật, Bồ Tát, thánh hiền cùng xuất hiện trong cõi đời cũng đều không thể đạt được lợi ích thật sự! Huống chi con người hiện thời vốn sẵn có chủ kiến cuồng ngạo, trái nghịch ư?

Các vị đã cầu cơ tức là chẳng hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp. Nhưng các vị còn hiểu rõ lý, so với những kẻ sùng phụng cầu cơ khác còn cao hơn một bậc. Do vậy, tôi gởi sách cho các vị. Nếu chịu đọc kỹ, chắc sẽ biết đầy đủ nguyên do. Quang bận bịu đến cùng cực, từ nay chớ nên thường gởi thư tới hỏi dông dài như thế nữa! Chỉ nên đọc kỹ các sách như Văn Sao v.v… thì không mối nghi nào chẳng cởi gỡ! Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, không viết chi tiết ở đây!

(thư thứ hai)

Tôi đã đọc hết thư gởi đến. Vì độ chúng sanh nên Phật, Bồ Tát thị hiện sanh trong thế gian. Nhìn từ phía chúng sanh thì các ngài cũng có sanh tử, chứ nhìn từ nhãn quan của các vị Phật, Bồ Tát thì quả thật không có sanh tử. Ví như huyễn mộng, tuy có nhưng chẳng thật, nhưng hễ có sanh tử thì có khổ, không sanh tử thì không khổ. Há nên chia thành hai thứ “liễu sanh tử khổ” và “liễu sanh tử”? Tử chính là khổ vì có sanh tử. Đã liễu sanh tử thì sẽ tự không có khổ!

Cần biết rằng: Chính vì chúng sanh mà Phật, Bồ Tát thị hiện tướng sanh tử ấy, chứ không phải thật sự vì trước đó các Ngài chưa liễu sanh tử, đến nay mới liễu! Chuyện phóng sanh trứng cá được chép trong bộ sách, tuy có hai chữ “Phật ngôn”, nhưng cũng chưa từng thấy xuất phát từ kinh nào. Há nên vì lẽ ấy mà khiến cho người khác báng pháp? Trong cõi đời có bao nhiêu kẻ thả trứng cá đâu?

Cần biết rằng: Chỗ gần biển ở phương Nam khác với các sông biển thông thường. Cá biển hễ gặp phải nước ngọt sẽ chết ngay, còn cá trong sông ngòi gặp phải nước mặn liền chết tươi. Nếu chưa biết rõ xuất xứ của chúng, dẫu có muốn cho chúng sống, chúng cũng chẳng thể sống được. Phóng sanh nhằm cảm phát lòng Từ kiêng giết ăn chay của con người, há nên chuyên muốn chú trọng thả cho nhiều, để rồi tìm tòi, giảng nói chuyện chẳng cấp bách ấy ư?

Nên biết rằng: Chuyện trong thế gian có nhiều chuyện chẳng thể dùng lý hay sự để luận được. Một người bạn kể: “Một năm nọ, tại một xứ nọ thuộc vùng Giang Bắc gặp dịch châu chấu, người địa phương xin quan đi khám nghiệm. Có một chỗ dài đến mấy dặm, rộng hai ba dặm, châu chấu non còn chưa mọc cánh bò lúc nhúc, dày đến hơn một thước. Người đạp lên, chân ngập đến mấy tấc, khôn ngăn kinh hoảng đến cùng cực. Quan gấp sai đào hố để chôn đi, nhưng buổi chiều trời đổ một trận mưa to, [châu chấu] hoàn toàn tiêu diệt hết”. Loại châu chấu ấy rốt cuộc là loại châu chấu nào? Những con châu chấu non do chúng nó sanh ra đều là hóa sanh, hiện ra tướng tai nạn ấy. Năm nay vùng Giang Bắc cũng có nạn châu chấu dày mấy tấc, đường xe lửa bị nghẽn. Trước hết phải đuổi chúng đi rồi mới dám mở đường. Phàm người tu hành hãy nên dốc sức nơi chỗ quan hệ khẩn yếu lớn lao. Nếu hờ hững hời hợt tìm tòi, sợ sẽ chẳng có tinh lực để lo liệu được đâu!