Thư trả lời cư sĩ Trịnh Huệ Hồng

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

Hiện thời thế đạo suy vi, tu hành tại gia tốt hơn, xuất gia đâm ra bị nhiều chướng ngại, con cái đừng nẩy sanh ý tưởng xuất gia. Trong đời Kiếp Trược này, cha ông chẳng biết nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, cứ si dại muốn tham Thiền để minh tâm kiến tánh. Nên biết: Những gì ông ta tham đó chẳng phải là Thiền mà chính là văn tự tri kiến, có tham đến già cũng chẳng ăn nhập gì tới Thiền! Dẫu có được lợi ích minh tâm kiến tánh thật sự nơi tham thiền thì vẫn cách liễu sanh thoát tử rất xa. Bởi lẽ, phiền não Hoặc nghiệp chưa đoạn, ngộ thì ngộ đấy, sanh tử vẫn sanh tử. Nếu nói minh tâm kiến tánh liền đạt được không sanh tử thì đấy là sự nhận lầm lạc của gã đứng ngoài cửa và kẻ Cuồng Thiền! Nhưng trong hiện thời ai là người minh tâm kiến tánh đây?

Pháp môn Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào Phật lực. Hãy xem kỹ Gia Ngôn Lục, Văn Sao, y theo đó tu hành, sẽ chắc chắn có thể vãng sanh Tây Phương. Mùa Thu năm ngoái đã in xong bộ Tịnh Độ Thập Yếu; đây là bộ sách quan trọng nhất của pháp môn Tịnh Độ. Cuối năm, in xong cuốn Phật Học Cứu Kiếp Biên, [nhà in] vẫn chưa gởi đến, đợi khi nào họ gởi đến sẽ gởi cho ông dăm ba gói. Y theo đó tu hành, so ra còn ổn thỏa thích đáng hơn thân cận thiện tri thức. Nếu chẳng tự lượng, đi tham phỏng khắp các bậc cao nhân trong vùng Giang – Chiết, rất có thể là cuối cùng cái tín tâm ấy bị cao nhân đả phá thì Thiền đã trở thành vô vọng,Tịnh lại chẳng tin, tiền đồ mờ mịt, biết hướng về đâu?

Những người muốn thân cận thiện tri thức hiện nay trước hết phải biết nguyên do của Thiền và Tịnh. Nếu không, mười người hết tám chín kẻ bị thiện tri thức phá hoại thiện căn Tịnh Độ mà vẫn cứ nhơn nhơn đắc ý, cho là đã được chánh pháp, thật đáng đau lòng than thở! Năm nay Quang nhất quyết chẳng xuất quan. Năm sau, nếu bốn bộ sơn chí của Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa[1], Linh Nham đã tu chỉnh xong, sẽ tìm một nơi không ai hay biết để sống hết tuổi thừa. Xin hãy nói với cha ông những lời lẽ này, hơn nữa, hãy nên tích cực giáo huấn con thơ, đừng nuông chiều quá khiến cho chúng quen thói kiêu ngạo.

***

[1] Núi Cửu Hoa nằm ở phía Tây Nam huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy, chiếm một diện tích rất lớn. Núi vốn có tên là Cửu Tử Sơn do rặng núi này gồm chín ngọn, trông xa giống như chín đứa trẻ xếp vòng tròn tựa lưng vào nhau chơi giỡn. Khi Lý Bạch lên chơi núi này, lại cảm nhận chín ngọn núi trông giống như chín đóa hoa sen lơ lửng giữa mây trời nên viết: “Tích tại Cửu Giang thượng, dao vọng Cửu Hoa phong, thiên hà quải lục thủy, tú xuất cửu phù dung” (Khi xưa lướt sóng Cửu Giang, ngước nhìn chín ngọn núi hoa xa vời, sông trời nước biếc chơi vơi, sen hồng chín đóa khoe tươi não nùng). Do đó, núi được gọi là Cửu Hoa từ đấy. Từ năm Long An thứ năm (401) đời Đông Tấn, hòa thượng Bôi Độ đã dựng ngôi chùa đầu tiên tại đây. Về sau, không rõ vào năm nào, vương tử Kim Kiều Giác xứ Tân La (một trong ba vương quốc cổ của Đại Hàn) là Kim Kiều Giác đến ẩn tu tại núi này. Vào đầu niên hiệu Chí Đức (756), Gia Cát Tiết đến đây, cảm mộ đức hạnh của ngài Kim Kiều Giác bèn dựng chùa cúng dường. Đến năm Trinh Nguyên thứ 19 (803) đời Đường, ngài Kim Kiều Giác thị tịch, thọ 99 tuổi, thổ lộ thân thế là Địa Tạng Bồ Tát hóa thân. Từ đấy, Cửu Hoa trở thành đạo tràng của ngài Địa Tạng Bồ Tát.