Thư trả lời cư sĩ Trần Dật Hiên

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Xưa nay rất nhiều vị đại anh hùng hào kiệt, cũng có người gánh vác Phật pháp, dốc chí tu trì, mà cũng có người học rộng nghe nhiều nhưng cả đời chẳng biết đến Phật pháp nghĩa lý như thế nào, cũng có người hoàn toàn chẳng thông hiểu, nhưng cũng chẳng tán dương mà cũng không hủy báng. Có kẻ tuyệt đối chẳng biết gì về Phật pháp, nhưng tùy tiện dựa theo ý mình chê bai xằng bậy. Lại có kẻ trong tâm bội phục Phật pháp sâu xa, đã trộm lấy [Phật pháp] để lập môn đình xưng hùng, nhưng lại cố ý phỉ báng hòng ngăn lấp hết thảy mọi người học Phật pháp. Tri kiến của chúng sanh biến huyễn lạ lùng! Cứ hễ nghĩ đến, khôn ngăn người ta thở dài đau đớn. Các ông hãy lấy chuyện gặp khổ để làm hướng dẫn nhập pháp. Nếu chuyện gì cũng như ý, chỉ sợ suốt đời làm kẻ đứng ngoài cửa, lại còn tưởng mình thấu đạt cùng cực, không ai hơn được! Họa – phước trong thế gian dấy lên hay ẩn lấp chỉ là do đương nhân có khéo dụng tâm hay không?

Vợ ông có thể nói là đời trước có thiện căn, cô ta chỉ khuyên ông niệm tam thánh kinh[1], chẳng khuyên ông niệm Phật, niệm Quán Thế Âm, tức là chưa biết Phật pháp. Nếu thật sự biết, há lại chịu trong lúc sanh tử không đảm bảo này mà quy y nơi tam thánh kinh ư? Tam thánh kinh cố nhiên có sự cảm ứng lớn lao, nhưng so với việc niệm Phật, niệm Quán Âm bảo là giống nhau sao được? Lúc cô ta lâm chung, cũng dường như tu Tịnh nghiệp đã lâu, biết trước lúc mất. Nếu không phải là bịa chuyện thì chính là do thiện căn tịnh nghiệp đời trước chín muồi mà ra. Trong ngục dặn dò ông, lúc lâm chung dặn dò người nhà, nhưng từ đầu đến cuối chưa hề dặn dò niệm Phật, có lẽ sẽ do “từ, thiện, nhân, hiếu” mà được sanh lên cõi trời. Nếu vãng sanh Tây Phương, quyết chẳng đến nỗi lúc lâm chung không tự niệm và không khuyên người nhà niệm. Nay tốt nhất là nên niệm Phật giùm cho cô ta, cầu mong cô ta chưa được vãng sanh bèn vãng sanh, đã vãng sanh sẽ nâng cao phẩm vị.

Ông gởi thư đến lời lẽ khá khẩn thiết, nhưng vẫn còn có tập khí khinh Tăng mạn pháp. Tập khí ấy thật sự chướng ngại cho việc học đạo. Nếu đích thân đến quy y, [pháp sư truyền giới] thăng tòa [thuyết giới] thì phải dập đầu chừng hai mươi, ba mươi lượt trở lên; dẫu nói dễ dãi thì cũng phải dập đầu mấy lượt. Ông gởi thư xin quy y, chỉ nói “chắp tay khải thỉnh” rồi thôi. Chắp tay vái chào là nghi thức giữ lễ của người đi đường hỏi thăm đường. Ông muốn quy y Tam Bảo để giúp cho chuyện liễu sanh thoát tử, lại muốn báo đáp ân đức của hiền thê và độ thoát hết thảy chúng sanh. Kỳ vọng rất lớn, nhưng lại khuất mình rất ít, hơi mắc cái tệ nhân quả chẳng phù hợp! Xưa kia, hoàng đế Thuận Trị viết thư cho môn nhân của Ngọc Lâm quốc sư còn dùng [từ ngữ] “pháp đệ Hành Si hòa-nam” (Hành Si là pháp danh của Thuận Trị). Đem đây – kia so sánh nhau, chẳng khác biệt như trời với đất ư? Quang hoàn toàn chẳng phải vì cầu người khác cung kính mà nói như vậy.

Nếu dựa theo lý tánh thì cố nhiên không có tướng nhân – ngã để được, huống chi từ vô thủy đến nay, lần lượt làm cha mẹ, anh em v.v… của nhau, tương lai đều cùng thành Phật để độ chúng sanh! Do vậy, nói: “Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai”, cung kính còn không xuể, sao còn dám trách móc những thiếu sót của người ta ư? Nhưng duy trì Phật pháp mà không lập ra nghi lễ nghiêm túc thì không sao khiến cho người khác sanh lòng kính ngưỡng, tận lực tu trì được! Do vậy, trong Luật [quy định] “hễ thỉnh pháp mà thiếu nghi thức cung kính thì chẳng nói!” Ngài Thường Bất Khinh thấy người khác liền lễ bái, người ta dùng roi, gậy, ngói, đá đánh ném, vẫn chạy tránh ra xa lễ bái, đấy chính là căn cứ trực tiếp trên bản thể để gieo chủng tử, chứ không phải là lề lối duy trì pháp đạo của kẻ phàm phu. Chỉ sợ ông chấp vào danh nghĩa ấy, cho là cái nhìn của Quang hẹp hòi, nên mới trình bày đại lược cùng ông, đó cũng là một cách để trừ khử phiền não vậy! Mạn là căn bản phiền não, học Phật dùng cách này đối trị phiền não hữu ích lắm, cho nên không thể không bảo cùng ông.

Nay đem lầm lạc đáp tạ lầm lạc, đặt pháp danh cho ông là Đức Khiêm. Khiêm có nghĩa là chẳng tự thỏa mãn, cho là đủ. Kinh Kim Cang nói: “Phát độ tận nhất thiết chúng sanh tâm, linh kỳ nhập Vô Dư Niết Bàn, nhi bất kiến nhất chúng sanh đắc diệt độ giả” (phát tâm độ trọn hết thảy chúng sanh khiến cho họ đều nhập Vô Dư Niết Bàn, nhưng chẳng thấy một chúng sanh nào được diệt độ). Ví như trời che đất chở, chỉ tận hết bổn phận sanh thành, chẳng hề cậy mình có công lao sanh thành. Đây thật sự đúng là “không có các tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả”. Đấy gọi là bậc quân tử khiêm nhường, được kết cuộc tốt lành. Khiêm tốn thì sẽ gánh vác được hết thảy những gì nên gánh vác. Dẫu đạt đến địa vị thánh hiền vẫn luôn biết người khác đều hơn mình, như biển dung nạp các sông, như hư không chứa đựng mọi hình tượng, trọn không cự tuyệt một vật nào chẳng dung nạp, chẳng bao gồm. Ông khéo hiểu được nghĩa này thì dù thân mệt nhọc nhưng tâm vẫn thường nhàn nhã, lợi ích ấy ông sẽ tự biết. Những điều khác nên xem trong bộ Văn Sao và các sách Tịnh Độ, ở đây không ghi đầy đủ.

Văn Sao, nhất là đối với người mới phát tâm, là một quyển sách không thể không đọc, bởi lẽ ngôn từ nông cạn, gần gũi, tường tận, lại còn có nhiều chỗ phát huy sự – lý “sống trong cõi trần học đạo, tu chân trong cõi tục”. Do học Phật cho nên căn bản của chí thành, chánh tâm thành ý, tu tề trị bình đều nắm được! Phật pháp thật tích cực, bác ái, kẻ không biết lại ngược ngạo cho là tiêu cực, tự tư, tự lợi, coi pháp rốt ráo độ người thoát khổ của Phật là pháp ngu xuẩn, mê hoặc kẻ ngu tục. Do đó, dần dần tích tập đến nay, trở thành những thảm kịch như phế bỏ kinh điển, phế bỏ luân thường v.v… chẳng nỡ thấy nghe! Nếu như ai nấy đều biết nhân quả báo ứng, biết chết đi thần thức bất diệt, tùy theo tội phước mà thăng trầm, lẽ nào đến nỗi có tình trạng như vậy?

***

[1] Tam thánh kinh là những thiện thư được coi trọng nhất tại Trung Hoa từ thời Minh – Thanh trở đi, gồm Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn và Giác Thế Kinh (theo tiến sĩ Du Tử An thuộc đại học Hương Cảng). Giác Thế Kinh chính là Quan Thánh Đế Quân Giác Thế Chân Kinh (tương truyền do Quan Công giáng cơ) có nội dung khuyến thiện, nêu tỏ lẽ nhân quả nên cũng rất được Phật môn Trung Hoa coi trọng.