Thư trả lời cư sĩ Trần Bá Đạt

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết lệnh nghiêm[1] gặp rất nhiều chuyện linh cảm, khôn ngăn khâm phục, an ủi. Nếu ước theo lúc nhận lãnh pháp thì Đại Sĩ và thiên long bát bộ đều hiện, nhưng chắc là do có giới cấm của Mật Tông không cho phép tuyên truyền cảnh giới nhiệm mầu [cho nên cụ không nói ra]. Đấy có phải là vì Bồ Tát thuận lòng người chuyên phụng thờ Cơ Đốc (Christ) mà thị hiện đó chăng? Nếu ước theo nghĩa này để phán định thì cụ nhất định có sở chứng. Nếu cụ không có sở chứng, chắc chắn bậc thánh chẳng khinh suất ứng hiện xuông được! Nếu nói để khơi gợi lòng tin mà thấy Ứng Thân thì đấy chính là tướng trạng khi người niệm Phật lâm chung, do chưa phá vô minh nên thân [của Phật, Bồ Tát, thánh chúng] được thấy đều là Ứng Thân; bởi lẽ, do thiện căn của người ấy chưa thể thấy được Pháp Thân và Báo Thân. Đối với cảnh tượng được thấy nơi động Phạm Âm ở Phổ Đà, ấy chính là Bồ Tát thuận theo lòng chúng sanh để tăng trưởng tín tâm cho họ. Ai nấy đều được thấy, nên chẳng thể lấy đó để làm lệ được! Nếu lấy đó làm lệ, sẽ khiến cho hết thảy mọi người đều dựa vào đấy để bịa đặt rêu rao.

Người thời cổ thấy được đức Văn Thù ở Ngũ Đài khá nhiều, nhưng [mỗi vị ấy] đều có đại nhân duyên hoặc có công phu sâu xa. Ai thấy được Ngài bèn ngộ giải, chứng nhập. Năm Quang Tự mười hai (1886), Quang triều bái Ngũ Đà. Trước [khi lên núi] đã tìm nát cả con đường Lưu Ly Xưởng ở Bắc Kinh nhưng chỉ kiếm được một bộ Thanh Lương Sơn Chí, hằng ngày thường đọc. Do trời lạnh nên đến đầu tháng Ba mới tới được núi, ở lại núi hơn bốn mươi ngày, thấy người đến núi triều bái phần nhiều bảo đã thấy được Văn Thù Bồ Tát, nhưng rất ít người chân thật hành trì, nên biết rằng những kẻ đến núi bảo “thấy được Bồ Tát” đều là nói hùa theo sự tích của cổ nhân để khoe khoang. Nếu thật sự thấy thì người ấy ắt phải vàng – thau khác hẳn với những kẻ thuận giòng vỗ sóng. Nếu không, đức Văn Thù chẳng tự trọng, khinh thị hiện thân để làm gì cơ chứ? [Từ ngữ] “Lý Tức Phật”[2] để chỉ hết thảy chúng sanh, chứ không phải chỉ nói về kẻ trái trần hiệp giác. Nếu trái trần hiệp giác thì đã thuộc về Danh Tự [Tức Phật].

Ông X… lúc nhập định giống như đức Tỳ Lô Giá Na, xuất định vẫn là phàm phu mà còn chẳng biết hổ thẹn, ăn nói lớn lối gạt người! Nếu thật sự giống như đức Tỳ Lô Giá Na, chắc chắn chẳng đến nỗi vẫn là phàm phu! Ông ta vốn muốn dùng Mật Tông để ép người, chẳng biết Quang tuy chẳng biết Mật Tông, há chẳng biết đúng – sai [đến nỗi] ông ta liền có thể lung lạc Quang hay sao?

Cha ông cả đời gặp chuyện linh cảm quá nhiều, dẫu người ở ngoài ngàn dặm hay trăm dặm nghe thấy cũng sẽ phát sanh lòng tin. Huống chi lúc mẹ ông mất, hiện tướng lành đài vàng, lại còn trở lại báo tin cho anh em ông và các nàng dâu biết ư? Nếu chẳng sanh lòng tin, [các ông] cũng đáng gọi là “hạng cứng cổ đến cùng cực!” Cha mẹ ông lúc còn sống hay sau khi đã mất đều có dấu tích siêu phàm nhập thánh, nhưng ông chẳng sanh lòng cảm kích nơi lợi ích lớn lao ấy mà vẫn cứ lo so đo gia đạo giàu – nghèo, bảo là “thờ Chúa thì giàu, thờ Phật thì nghèo!” Do vậy chẳng sanh khởi tín tâm. Chuyện này trọn chẳng khác gì kẻ trông thấy bảo châu Ma Ni có thể thuận theo lòng người mà tuôn ra các món báu, nhưng vẫn khinh rẻ bảo châu, quý trọng mắt cá, coi như của báu tột cùng! Mất trí điên cuồng cùng cực đến mức ấy, đến nỗi mẹ ông lại phải nhọc công hiện thân mới hơi ngớt lời gièm báng! Thật đúng là “phụ hữu trường thiệt, duy lệ chi giai” (tạm dịch: Mụ vợ lưỡi dài, cội nguồn mối họa[3]), cô phụ ân Phật, cô phụ ân mẹ!

Nghịch cảnh, tình huống khổ sở tuy xấu xa, nhưng muốn thành tựu đạo nghiệp thì vẫn phải nhờ vào đấy để nhắc nhở. Nếu không, hằng ngày sẽ rong ruổi trong chốn thanh, sắc, vật chất, lợi lộc, rảnh đâu để đoái hoài “chính ta sẵn có Phật tánh” để hòng miệt mài muốn được đích thân chứng nhập ngõ hầu được thọ dụng. Chúng sanh sống chết không ngơi đều vì có Ngã. Nếu vô ngã thì tham – sân – si, giết – trộm – dâm sẽ do đâu sanh khởi? Do lầm nhận cái Ngã do Tứ Đại giả hợp này nên Chân Ngã trọn đủ bốn tịnh đức “Thường – Lạc – Ngã – Tịnh” hoàn toàn bị mai một! Do vậy, thế đạo, nhân tâm ngày một đi xuống, giết người đầy đồng ngập thành chẳng sanh xót thương, đều là vì Ngã gây ra. Quang vốn là kẻ lòng dạ thẳng băng, chẳng thể không nói thật tình với ông (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Mười năm Ất Sửu – 1925)

 (thư thứ hai)

Ông nói: “Để tự lợi thì phải xuất gia, còn làm lợi người khác thì đừng xuất gia!” Chẳng biết: Tu Giới – Định – Huệ chỉ có xuất gia là dễ dàng; chứ nếu tu pháp môn Tịnh Độ thì tại gia càng dễ đắc lực hơn. Nếu cho rằng “tại gia quyết khó thể tu hành”, thì xuất gia cũng chẳng thể tu hành được! Vì sao vậy? Do khi còn tại gia chẳng dốc sức thì khi xuất gia làm sao sốt sắng cho được? Đây là tình thế “quyết chẳng thể thực hiện” có thể dự đoán được! Nhà ông có vợ con, [nếu ông xuất gia] họ sẽ không nơi nương tựa, há nên khởi ra vọng tưởng ấy? Đấy chính là tình kiến chần chừ, so đo vậy! Nếu ông thật sự xuất gia thì vẫn là kẻ lười trễ, biếng nhác, chẳng có thành tựu gì! Quang đã thấy nhiều lắm rồi!

Đối với chuyện thọ giới, “không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” chính là Giới tổng quát của ba đời chư Phật, ai chẳng chấp nhận cho ông tự phát tâm thọ? Ngay cả Ngũ Giới, ai không cho phép ông đối trước đức Phật tự thệ thọ giới? Cần gì phải đến Phổ Đà mới thọ được ư? Ngàn vạn phần đừng tới Phổ Đà. Do tới đây phải tốn chừng đó tiền tàu xe, mất chừng đó ngày, chẳng qua [vị thầy truyền giới] chỉ truyền danh tướng của Ngũ Giới mà thôi! Nếu cứ muốn phải thọ từ thầy thì ở Thường Thục cũng có Tăng nhân thanh tu, há [vị ấy] chẳng thể truyền giới mà cứ muốn phải thọ từ Quang mới được ư?

Người học Phật trước hết phải biết thực hiện cẩn thận, dè dặt nơi nhân quả. Đã có thể thận trọng, dè dặt thì tà niệm tự trong lặng, đâu đến nỗi có những chuyện chẳng đúng pháp! Nếu có, hãy nên dốc sức đoạn diệt thì mới là chân thật tu hành. Nếu không, học một đằng, hành một nẻo, tri kiến càng cao, hành vi càng tệ. Đấy chính là vết thương thấu xương của những kẻ học Phật tự xưng là thông gia hiện thời! Nếu chẳng vướng vào hai khuyết điểm ấy thì học một phần sẽ được một phần lợi ích thật sự.

Cõi đời hiện thời chính là đời hoạn nạn. Trước kia, Quang thỉnh ông Hứa Chỉ Tịnh soạn cuốn Quán Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng đã cho sắp chữ. Nay gởi cho ông một trang thuyết minh [cách đứng ra chịu trách nhiệm in]. Có ai muốn lợi người thì chẳng ngại gì bảo họ đứng ra chịu trách nhiệm ấn hành để lưu truyền. Hiện thời đã có người chịu trách nhiệm đến năm sáu vạn bộ. Quang tính in mấy chục vạn cuốn để lưu truyền khắp trong ngoài nước. Sợ chẳng dễ gì đạt đến như vậy. Trên mười vạn bộ chắc sẽ làm được! (Mồng Bảy tháng Mười Một năm Ất Sửu – 1925)

***

[1] Từ ngữ để gọi cha người khác nhằm thể hiện lòng kính trọng.

[2] Do hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh (hay còn gọi là sẵn có vị Phật thiên chân trong tâm) nên xét về Lý đều là Phật. Do vậy gọi là Lý Tức Phật.

[3] Đây là một câu trích từ bài Chiêm Ngưỡng thuộc phần Đại Nhã trong Kinh Thi. Theo từ điển Hán Tự Thành Ngữ, Lệ (癘) là tai họa, rắc rối, hoạn nạn, Giai (階) là bậc thềm, đầu mối dẫn dắt. Do vậy, câu này có thể tạm hiểu theo mặt chữ là “vợ lưỡi dài chỉ tổ dẫn đến tai họa rắc rối”. Từ đó mới có thành ngữ “trường thiệt chi phụ” để chê những người vợ lắm điều, thích bàn tán thị phi, gièm xiểm, càm ràm suốt ngày.