Thư trả lời cư sĩ Tịnh Thiện

(thư thứ nhất)

Nghề Y dễ khuyến hóa người khác nhất. Phàm là kẻ có bệnh không ai chẳng mong bệnh chóng lành. Bảo họ “ăn chay niệm Phật sẽ tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn” thì tự họ sẽ chịu tin theo. Tin rồi niệm thì bệnh sẽ chóng lành. Hơn nữa, đừng học theo Tây Y; nói chung [Tây Y] dạy người ta ăn thịt vì thịt giàu chất dinh dưỡng; những hạng người ấy trong tương lai đều phải làm thức ăn cho kẻ khác bởi nói đạo lý ngược ngạo, tự hại, hại người! Ông chịu giữ tấm lòng tốt đẹp ấy thì Y đạo ắt sẽ tiến triển lớn lao. Sách Nhị Khóa Hiệp Giải[1] đã không còn, tôi bảo gởi cho ông một bộ Văn Sao. Quang già rồi, chỉ nên y theo Văn Sao tu trì, chẳng cần phải gởi thư tới nữa do không có sức để thù tiếp!

(thư thứ hai)

Mỗi người nhập đạo đều có thời tiết, nhân duyên. Những sách thuộc loại khuyên răn [kiêng giết, phóng sanh] thường chép truyện ông Triệu X… là huyện lệnh xứ Bồ Thành, Phước Kiến, ăn chay trường thờ Phật. Bà vợ trọn chẳng có lòng tin, nhằm dịp sanh nhật năm mươi tuổi bèn mua rất nhiều con vật còn sống, tính giết để đãi khách. Ông Triệu bảo: “Bà muốn chúc thọ nhưng lại khiến cho những con vật này đều bị chết, có yên lòng được chăng?” Bà vợ đáp: “Ông toàn nói những câu vô ích! Nếu nghe theo lời Phật dạy, nam nữ cũng không được ngủ chung, những con vật này cũng không giết thì chưa đầy mấy chục năm, trọn khắp thế giới sẽ đều là súc sanh hết!” Ông Triệu không biết làm sao, đành để mặc bà ta.

Đến đêm, bà vợ mộng thấy đi xuống bếp, trông thấy người ta giết lợn, tự mình đã biến thành con lợn. Đầu bếp trói chặt bốn vó con lợn, đặt lên bàn mổ để giết, đầy tớ đứng bên cạnh xem, [bà ta] vội kêu họ cứu nhưng chẳng một ai nghe tiếng! Giết rồi mổ bụng, móc ruột ra, vẫn cảm thấy đau đớn. Giết xong con lợn lại giết những con vật khác thì chính mình lại biến thành những con vật khác, đau đớn không thể nào nói nổi! Tạm ngưng một khắc, lại thấy một đứa đầy tớ cầm một con cá chép vào. Nha đầu[2] nói: “Đem con cá chép này giao cho đầu bếp nấu canh cá cho bà chủ, để khi bà chủ thức dậy sẽ dùng làm món điểm tâm!” Họ liền chặt đầu đuôi, lóc vảy, chặt thành từng miếng nhỏ. Mỗi một miếng đều cảm thấy đau đớn, thống khổ cùng cực, choàng tỉnh dậy, kinh hồn vỡ mật! [Ngay lúc đó], nha đầu bưng canh cá lên mời ăn điểm tâm, chẳng nỡ lòng ăn nữa, sai đem những con vật đã mua phóng sanh hết. Do đích thân nếm mùi vị [thống khổ vì bị giết chóc], bèn theo chồng ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Vợ ông chắc cũng được oai thần Tam Bảo gia bị, cũng đích thân nếm mùi vị ấy rồi cõi lòng mới xoay chuyển.

Lời đồn Lộc Uyển là nơi Ngô Vương nuôi hươu chưa đủ để làm căn cứ! Sợ rằng xưa kia có Lộc Uyển Tự, do lâu năm nên đã mất dấu. Nhà Nho bèn đem ý nghĩa [tên vườn] Linh Hữu[3] của Văn Vương ghép vào. [Còn trong danh xưng] Lộc Uyển Liên Xã thì Lộc Uyển (Mrgadāva) là nơi đức Phật thuyết pháp khi mới thành đạo. Liên Xã chính là pháp để người tu hành lúc lâm chung được vãng sanh Tây Phương. [Như vậy thì danh xưng Lộc Uyển Liên Xã] đã nêu bật [ý nghĩa] “bao gồm hết thảy những nghĩa từ đầu đến cuối trong giáo pháp của suốt cả một đời đức Phật”.

Hiện thời chiến tranh liên miên, tai họa kết lại, há nên khởi công xây dựng lớn lao? Xây dựng chính là chuốc lấy họa bị bọn thổ phỉ cướp đoạt, là nền tảng chuốc lấy cái họa bị phi cơ oanh tạc. Xây dựng càng đẹp đẽ, tai họa càng lớn! Nếu thật sự hoằng pháp lợi sanh thì dù trong gia đình hay nơi đất trống đều là chỗ để diễn thuyết lợi ích [của pháp môn Tịnh Độ]. Tu trì có chia ra mấy chỗ cũng đâu có trở ngại gì, vừa chẳng tốn tiền, tốn sức mà cũng chẳng bỏ lỡ công việc, cũng giống như đi ra chợ mua gom các thứ đem về nhà dùng[4].

Mở mang một đạo tràng hoằng pháp lớn lao thì phải đợi sau này nhằm lúc tình thế hòa bình mới có thể làm được. Hiện thời, các tỉnh bị hạn hán dữ dội, sắp xảy ra thảm trạng con người ăn thịt lẫn nhau. Một mai vỡ đê thì sẽ dùng cách nào để kiềm chế? Tri kiến của Quang trọn chẳng giống với người khác. Y theo cách người ta làm trong hiện thời chắc sẽ có lợi ích nhỏ nhoi, nhưng sẽ chuốc lấy họa lớn. Làm theo cách của Quang, tuy không nổi tiếng, chói ngời lớn lao được, nhưng trọn chẳng phát sanh hiểm họa nhỏ nhặt nào! [Ông yêu cầu Quang soạn] bài tựa duyên khởi thì đã có bài tựa cho Triều Dương Phật Giáo Cư Sĩ Lâm do Bàng Đức Siêu đã khắc để làm gốc, chỉ cần sửa đổi đôi chút địa danh và tên người cũng như những đặc điểm đặc biệt mà thôi. Chuyện này không cần Quang phải đích thân soạn. Người thông văn lý đợi đến khi xây dựng xong xuôi sẽ châm chước mà sử dụng [bài tựa duyên khởi ấy]. Hiện thời do không nhắc đến chuyện xây cất thì cũng không cần phải soạn văn sẵn.

Các vị Thiện Đạo, Thiếu Khang hoằng dương Tịnh Tông, tiếng Phật hiệu vang khắp ngõ hẻm đường phố. Như xướng khúc hát gieo mạ, ai nấy đều muốn nghe; như truyền thánh chỉ của nhà vua, ai nấy đều tuân hành. Ai bảo là “không có chùa miếu sẽ chẳng thể hoằng pháp được?” Cần biết rằng: Hễ có chân tâm thì sẽ tự khuyến hóa được. Lấy thân làm gương để mong ai nấy trọn hết bổn phận, lấy cổ nhân làm khuôn phép, ngõ hầu nhà nhà đều trở thành đạo tràng. Đang trong cõi đời đại loạn này, tốt nhất là nên hoằng pháp một cách không dấu vết. So với những kẻ xây dựng lớn lao, tốn sức, bó tay, nhọc lòng gánh vác nỗi lo thì sẽ khác biệt lớn lao vời vợi!

(thư thứ ba)

Thư nhận được đầy đủ, cổ nhân nói: “Sau khi đại loạn, dân sẽ dễ trị”. Đang trong lúc loạn lạc đến cùng cực này, nếu có người đức cao vọng trọng đề xướng Phật pháp, dạy họ kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, nói với họ về nhân quả ba đời và luân hồi trong lục đạo thì kẻ có lòng nhân ai mà chẳng bội phục? Nho giáo nói: “Đối xử nhân từ với dân, yêu thương loài vật”. Trong một đời người, cần phải bắt đầu thực hiện lời này kể từ khi còn đang độ tuổi thơ ấu thì sự đối xử nhân từ với dân mới có thể [thực hiện] rốt ráo được! Nếu chẳng thực hiện từ lúc còn thơ ấu thì đối xử nhân từ với dân [không đúng cách] chắc sẽ đến nỗi trở thành gây phiền cho dân, lòng yêu thương ấy sẽ trở thành nói xuông!

Nay tôi sẽ nói nguyên do: Trẻ nhỏ vô tri thấy những con vật bay, chạy v.v… ắt giết ngay hoặc bắt lấy rồi nghịch ngợm khiến chúng bị chết. Nếu bất luận là con vật nào, người lớn đều không cho trẻ giết, bởi lẽ hễ giết thì chính mình sẽ bị tổn phước giảm thọ đến nỗi thiên địa quỷ thần đều chẳng che chở, gia hộ. Từ lúc bé tẹo đã dưỡng thành thói quen ấy, lớn lên quyết chẳng đến nỗi coi tàn sát lẫn nhau là vui.

Mười mấy năm trước, có người nước Anh tên là Lâm X… sống ở Nam Kinh, đến Phổ Đà gặp Quang, tặng cho Quang mấy cuốn sách bảo do chính ông ta soạn. Ông ta nói tiếng Trung Quốc còn chưa sõi lắm, sao lại có thể viết được những văn tự rất hay ấy? [Trong số ấy] có một cuốn chuyên đề xướng phép giữ gìn sức khỏe, chuyên môn chú trọng sát sanh. Những cuốn khác tôi đều đem tặng cho người ta, chỉ có cuốn sách nói về phép giữ gìn sức khỏe ấy thì Quang xé nát, tống vào giỏ giấy vụn, sợ kẻ vô tri cầm đi thì hại người, hại vật chẳng thể cùng tận!

Ông Châu đã lậm sâu chất độc của người Tây Dương, chẳng biết đạo “bảo vệ sanh mạng, lợi người”. Con người là “vạn vật chi linh”, nhưng cũng là một loài động vật. Ta và vạn vật cùng sống trong vòng trời đất, chúng nó không đòi mạng ta, sao ta lại muốn đoạt mạng chúng? Nhà nào đập ruồi, ruồi sẽ càng nhiều. Kẻ nào giết rết, thường bị rết cắn. Những kẻ thường muốn bảo vệ sức khỏe trong đời này, chưa chắc đã được hưởng ích lợi ngay trong đời hiện tại. Do cả một đời này tâm thường ôm lòng giết chóc thì tương lai đời đời kiếp kiếp thường bị kẻ khác giết, nhưng do chưa đích thân thấy nên vẫn vui sướng giết chóc quên mệt!

Trong sách cổ có [chép chuyện] kẻ ghét kiến, kiến xúm đen xúm đỏ xác hắn ta. Kẻ ghét ruồi, ruồi bu trên thân, không làm cách nào được, than thở xuông cũng chẳng làm gì được! Quang thấy chuyện [giết chóc] ấy chính căn bản của đại sát kiếp. Nếu vẫn muốn noi theo ý kiến của chính mình để làm thì trộm sợ rằng sau này có lúc hối hận chẳng kịp, đáng xót, đáng thương lắm, không có cách gì cứu giúp được! Bậc quân tử sẵn lòng nhân sao nỡ chuyên chú trọng giết hại loài vật khiến cho hết thảy những kẻ vô tri đều bắt chước theo ư?

Mười mấy năm trước, một đệ tử quy y có một đứa con nhỏ, mua một cái đập ruồi để làm đồ chơi, nó liền thường hay đập ruồi. Một bữa nọ ruồi nhiều đến cùng cực, nó bèn cực lực đập, chợt thấy cả nhà đều tối om. Người lớn bèn mở toang cửa cái, cửa sổ, niệm Phật sám hối; chẳng mấy chốc ruồi bay đi hết. Từ đấy đem đốt cái đập ruồi, ruồi cũng không bu đến nữa. Đấy chính là vì đệ tử Phật được gia bị bởi lòng Từ của đức Phật khiến cho sát nghiệp chấm dứt. Nếu là kẻ không có lòng tin, sợ rằng sẽ chẳng gặp được điềm báo như vậy thì đời kế tiếp, đời sau há thể tưởng tượng được ư?

Nếu chỉ gởi gạo Đại Bi thì rất tốn công, nay gởi cho ông hai gói tro hương Đại Bi, so với gạo càng dễ cất giữ hơn mà lợi ích cũng giống như gạo, để lâu không bị hư. Nếu gặp phải căn bệnh thầy thuốc chẳng thể chữa lành, hãy lấy hai phần tro đổ vào một cái tô lớn, pha bằng nước sôi, khuấy lên, đợi khi chất tro lắng xuống sẽ gạn lấy nước trong đổ vào đồ đựng, chia ra uống mười lần. Mỗi ngày uống ba hay bốn lần. Hễ lành bệnh thì không cần phải uống nữa. Hễ chưa lành lại pha tiếp. Bao tro ấy nên để thờ ở phía dưới khám thờ Phật hoặc treo ở chỗ cao sạch, chớ nên khinh nhờn! Đây là loại tro hương được gia trì hơn một vạn biến chú Đại Bi. Phàm bị bệnh nguy hiểm, [uống nước tro Đại Bi vào] dẫu chẳng lành cũng thấy giảm bớt rồi mới chết. Chất tro đã pha xong nên thêm nước vào để tưới cây hoặc trát lên nóc nhà.

Nay đem Vật Do Như Thử, Sức Chung Tân Lương, Thọ Khang Bảo Giám, Tức Tai Khai Thị, Liễu Phàm Tứ Huấn, mỗi thứ hai cuốn, lèn chặt [thành một bưu kiện]. Những thứ giấy dùng để chèn chỗ trống cũng đừng vất đi, bởi đấy chính là Sớ Lễ Quán Âm Cầu Con và Ba Điều Trọng Yếu Để Cầu Con, cũng là bài văn có quan hệ lớn lao cho hết thảy kẻ thanh niên. Bất luận già hay trẻ đều chớ nên không biết! Nếu không, chẳng biết tiết dục mà mong sanh con thì chưa sanh được con mà cha đã chết trước rồi! Hoặc mẹ do ân ái quá nhiều bị mắc bệnh lao sái[5], chẳng biết là bao nhiêu!

Đồ Hữu Sanh khá thông minh. Những con em thông minh hiện thời phần nhiều mắc bệnh thủ dâm, hãy bảo chúng nó đọc Thọ Khang Bảo Giám và Liễu Phàm Tứ Huấn thì sẽ chẳng đến nỗi mắc phải những mối họa đau khổ như trở thành tàn tật và đoản mạng mà chết. Xưa kia, thánh vương sai quan bố cáo [khuyên mọi người không nên ăn nằm khi sấm sắp động vào đầu Xuân], nay thì cha, mẹ, thầy, bạn nhất loạt chẳng nói đến chuyện này, cũng là do ác nghiệp của mọi người cảm thành!

Có kẻ càng ngu hơn, hễ con cái bị bệnh liền cưới vợ cho nó; ý muốn cho con mau được lành bệnh, thật ra là làm cho nó chóng chết! Chẳng đáng buồn ư? Một người ở Hồ Nam có hai đứa con đều chết vì lý do này. Đứa con thứ ba mắc bệnh vẫn muốn làm như thế, bị một người bạn quở trách mới thôi. Ấy chính là quả báo do đời trước dụ dỗ kẻ khác chơi bời bừa bãi đến chết. Một đứa đã chết còn chưa ngộ, hai đứa chết luôn mà vẫn chưa ngộ! Nếu không bị người bạn quở trách chắc sẽ bị tuyệt tự! Rốt cuộc vì lẽ nào mà tâm kẻ ấy ngu như thế? Nếu không phải do oán quỷ xui khiến, ắt chẳng đến nỗi ngu như thế! Xin hãy sáng suốt thì may mắn thay!

(thư thứ tư)

Ông nói hai vấn đề (chỉ có điều thứ nhất là đáng bàn bạc, chứ điều thứ hai là nói nhăng nói càn. Khi điều thứ nhất đã hoàn toàn đả phá được thì không cần phải nói [tới điều thứ hai nữa]. Nhưng lời này chỉ nên truyền miệng, đừng nên đăng báo kẻo người xứ… trông thấy sẽ làm hại. Thiết yếu đến cùng cực). Vợ ông chẳng chịu ăn chay niệm Phật, hãy thử hỏi [bà ta]: “Bà có muốn thường bị bọn người xứ… đánh chửi, làm nhục hay không?” Ắt bà ta sẽ chẳng nói là “thường muốn!”

Ở Vô Tích, [bọn người xứ…] giết huyện trưởng, vây thành ba ngày, lùng bắt những kẻ chống đối khiến cho cả nhà đều phải bỏ trốn. Bọn chúng bắt được món đồ gì tốt đẹp liền tịch thâu, chẳng ai dám hó hé! Trong nhà ông Viên Lệ Đình có rất nhiều người niệm Phật; lính xứ… chẳng tới nhà ấy. Có nhà bị chúng lùng sục mấy lượt, những món đồ tốt đẹp đều bị cướp đi hết. Lúc Tô Châu thất thủ, bọn lính xứ… gian dâm phụ nữ, thảm chẳng nỡ nghe! Một nữ đệ tử vì mẹ chết, linh cữu (quan tài) còn đang quàn tại nhà, chẳng nỡ bỏ trốn, bèn đóng cửa niệm Phật. Lính xứ… phá cửa, thấy cô ta đang niệm Phật nên không làm nhục! Chúng chỉ vào cái rương, bắt đổ ngược hết ra, nhưng chẳng lấy một món nào, bỏ đi! Nếu cô ta không niệm Phật thì bà già sáu bảy chục tuổi vẫn bị ô nhục, huống hồ thiếu phụ ấy mới ba mươi mấy tuổi ư?

Nơi cửa thành, [bọn chúng] kiểm soát rất ngặt (thoạt đầu do binh lính lục soát, về sau mới sai phụ nữ lục soát), nữ nhân cũng bị sờ nắn khắp mình. Những người cầm chuỗi niệm Phật đa số không bị xét gắt gao như vậy; cũng có người chẳng bị xét, cho đi luôn. Niệm Phật chính là diệu pháp cứu nạn cứu mạng trong đời loạn. Người xứ… tin Phật, đối với nam nữ cầm xâu chuỗi đều không ngược đãi quá đáng, sẽ khiến cho hết thảy mọi người đều niệm Phật. Phàm những ai đi ra ngoài đều cầm chuỗi niệm Phật, dẫu là kẻ chúng muốn bắt làm phu phục dịch cũng sẽ thả cho đi.

Một đệ tử ở Vu Hồ tên là Ngô Thương Châu làm sĩ quan. Năm Dân Quốc 24 (1935), ông ta tham chiến tại Tuy Viễn, bị lính xứ… bắt được, lột quần áo khám xét, thấy ông ta cổ đeo chuỗi niệm Phật liền tỏ vẻ kính trọng, không xét nữa, dẫn đến gặp viên Tư Lệnh. Viên Tư Lệnh do thấy ông ta vốn làm giáo viên ở trường X…, nói: “Ông cũng đến đây rồi!” Ông Ngô nói: “Tôi đến đây để ngắm phong cảnh”. Viên Tư Lệnh liền ra lệnh thả cho ông ta đi. Nếu chẳng đeo chuỗi niệm Phật ấy, chắc tánh mạng đã mất trong tay bọn lính rồi, có còn gặp được viên Tư Lệnh hay chăng? Đấy chính là vô thượng diệu pháp để gặp dữ hóa lành trong hiện tại. Vợ ông không chịu niệm, lỡ xảy ra những chuyện như khám xét v.v… thì sẽ xử sự như thế nào? Đây là mối họa do con người gây ra. Nếu gặp phải oán gia đối đầu trong đời trước mà nếu không niệm Phật sẽ đành bỏ mặc cho nó làm gì thì làm, có cách nào để trốn tránh được đâu!

Dưới triều Tống, Trần Xí lỡ giết người. Một hôm thấy kẻ ấy đi tới, biết là hắn đến đòi mạng, vội vã niệm Nam Mô A Di Đà Phật, oán quỷ liền đứng sững không tiến lên được! Càng niệm rất gấp, oán quỷ liền bỏ đi. Trần Xí liền sốt sắng niệm Phật, lại sống được mấy chục năm rồi mới vãng sanh Tây Phương. [Vãng sanh rồi] còn trở về, nhập vào thân đứa cháu nội gái nói chuyện ông ta đã vãng sanh. Người nhà nói: “Lúc cụ còn sống chưa kịp vẽ hình tượng. Nếu cụ chịu hiện thân, sẽ vẽ hình tượng để thờ”, liền hiện hình thân hình của người cõi Tây Phương.

Năm Dân Quốc 19 (1930), một thanh niên hai mươi bốn tuổi ở Tô Châu tên là Quách Chấn Thanh nhà ở đường Cảnh Đức, Tô Châu, mở tiệm bán giấy Hợp Pháp, theo một người già trong gia đình đến chùa Báo Quốc quy y. Quang bảo anh ta: “Hiện thời đang nhằm tình thế hoạn nạn, hãy thường niệm Phật và niệm thánh hiệu Quán Âm”. Chàng trai hai mươi bốn tuổi béo phục phịch ấy liền chịu nghe theo. Tháng Chạp năm sau sang Thượng Hải; chiến sự nổ ra, chẳng thể trở về đất Tô được. Đến Tết vẫn còn đánh nhau, chẳng biết tới bao giờ mới kết thúc. Đường xe lửa đã bị cắt đứt, liền ngồi tàu thủy nhỏ vòng qua ngã Gia Hưng trở về Tô Châu. [Tàu thủy] tới lui đều bị cường đạo cướp bóc, anh ta bèn thường niệm thánh hiệu Quán Âm, nhưng chỉ niệm thầm chứ không niệm ra tiếng. Ban đêm cường đạo đến cướp, anh ta đang ở dưới cabin. Trong cabin có rất nhiều người nghèo. Bọn cướp lục soát trên boong xong xuôi liền xuống hầm tàu, tiền bạc của những kẻ nghèo cùng đều bị tước sạch. Anh ta người béo phục phịch, lại mặc một cái áo da, nhưng bọn cướp trọn chẳng thèm hỏi tới! Cả tàu đều bị cướp sạch, chỉ mình anh ta là không buồn hỏi tới! Ấy chính là do Phật quang gia bị nên lũ cường đạo chẳng thấy anh ta.

Một nữ nhân ở Hồ Nam sanh nở, oán quỷ dựa vào thân, phát cuồng, cười ngặt nghẽo, cắn đứt thịt trên tay mình mấy chỗ mà miệng vẫn cười! Cha mẹ chồng thấy vậy không biết làm cách nào, bèn lớn tiếng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Cô ta liền như si ngốc, không cười nữa, sanh đứa con ra. Ấy là do chí thành niệm Quán Ân, oán quỷ bỏ đi.

Vợ ông không biết “trong hiện tại chẳng biết chắc lúc nào sẽ có họa lớn tầy trời”. Nếu hiểu được đạo lý ngừa sẵn tai họa, dù có cấm cản bà ta đừng niệm, bà ta vẫn cứ muốn lén lút thầm niệm, cần gì ông phải khuyên? Do bà ta là kẻ hồ đồ thiếu hiểu biết nên chẳng biết mình đang hoàn toàn sống trong cảnh họa hoạn, ngược ngạo tưởng là yên vui. Tới khi đại họa giáng xuống thân, không cách nào tránh né, hoảng sợ như sét nổ long trời, bưng tai chẳng kịp! Người như vậy đáng gọi là “kẻ si dại đáng thương xót, là phường ù ù cạc cạc chẳng thể cứu được, là kẻ sống oan uổng một đời”. Chẳng đáng buồn sao! Chẳng đáng xót sao?

Ông hãy đưa thư của tôi cho bà ta xem. Nếu bà ta không biết chữ thì hãy giảng nói cho bà ta, chắc sẽ phát tâm! Nếu không, đành mặc cho bà ta vào A Tỳ địa ngục, thường hưởng thụ những món cúng dường thượng diệu của Diêm La đại vương như giường sắt, cột đồng, rừng gươm, núi đao, vạc sôi, lò than, coi đó là sung sướng, sung sướng không chi hơn được! Thử hỏi bà ta có muốn hưởng thụ những thứ cúng dường tốt đẹp ấy và muốn nhận lãnh sự yên vui ấy hay không? Nếu bà ta muốn thì cũng đáng coi là một hảo hán. Sợ rằng dẫu chỉ nghe [nói tới chuyện ấy] bà ta cũng chẳng muốn nghe. Chẳng chấp nhận làm gã hảo hán ấy thì phải làm một bà cụ già vô dụng chỉ biết niệm Phật!

Ông làm nghề Y, đừng nên học theo bọn thầy thuốc tầm thường “đau đầu bèn chữa đầu, đau chân bèn chữa chân” hiện thời! Bất luận nam hay nữ [hễ bị bệnh] đều nên dạy họ ngưng ân ái, mãi cho tới khi bình phục hoàn toàn, vẫn phải đợi hơn cả tháng rồi mới có thể ân ái một lần. Nếu không, dẫu chẳng đến nỗi chết ngay, nhưng cũng trở thành kẻ tàn phế vô dụng. Trừ khuê nữ, quả phụ là chẳng nên nói ra, đối với những kẻ khác đều phải nên nói [chuyện này], chớ nên ngượng miệng!

Hễ ai cầu con thì dạy họ ngưng ân ái nửa năm để bồi bổ Tiên Thiên cho đầy đủ, đợi khi vợ sạch kinh nguyệt rồi, vào đêm khí trời trong trẻo, nhằm ngày tốt không xui xẻo mới ân ái thì sẽ thụ thai! Từ đấy vĩnh viễn ngưng ăn nằm, chắc chắn đứa con sanh ra thân thể mạnh khỏe, tâm thức thông minh, mẫn tiệp, tánh tình hiền thiện. Lại dạy vợ chồng họ thường niệm thánh hiệu Quán Âm, chắc chắn sẽ sanh được con cái phước đức, trí huệ, rạng rỡ đất nước lẫn gia đình.

Thầy thuốc hiện thời chỉ biết chữa bệnh, còn điều kiêng kỵ lớn lao đối với bệnh tật là ân ái đều nhất loạt chẳng chịu nhắc tới. Họ chẳng biết do đây mà bao nhiêu thanh niên nam nữ bị chết mất. Đấy chẳng phải là do thầy thuốc chữa bệnh làm chết bệnh nhân, nhưng vì chẳng chịu nói những điều kiêng kỵ trong bệnh tật đến nỗi người bệnh phải chết, thì cũng chẳng thể nào không gánh cái tội làm hại tánh mạng của người ta! Nếu bất luận là bệnh nào, đều dạy họ thôi ăn nằm thì công đức lớn lao giống như ban cho người ấy sức khỏe, trường thọ, yên vui vậy! Lại còn khuyên người ta ăn chay niệm Phật, niệm Quán Âm thì còn có thể làm cho người ấy liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, tức là “làm nghề mà tăng tấn đạo” vậy. So với những kẻ chỉ trị bệnh thì công đức càng lớn lao hơn nhiều lắm!

Nữ nhân khi sanh nở niệm Quán Âm chắc chắn chẳng bị khó sanh. Trong Một Lá Thư Trả Lời Khắp đã có nói rồi. Con gái từ nhỏ phải học tánh từ thiện, chẳng nóng giận thì những điều tốt lành sau này sẽ chẳng thể nào nói trọn. Nếu ưa nổi nóng thì những nỗi khổ sở sau này cũng chẳng thể nào nói trọn! Nếu cho con bú sữa mà nổi nóng đùng đùng thì đứa nhỏ ắt sẽ chết, nếu như nổi nóng vừa vừa thì đứa nhỏ ắt bị bệnh. Đấy chính là điều các danh y, thần y từ xưa tới nay chưa hề nói rõ! Nữ nhân tánh tình nhu hòa thì gia đạo cũng sẽ hòa thuận, con cháu nhìn theo bắt chước làm lành, lợi ích vô cùng!

Bài thuốc trị bệnh sốt rét trong Dược Phương dẫu người đã bị bệnh hơn mấy chục năm chẳng trị được cũng đều hễ trị liền lành. Năm ngoái, một đệ tử trị lành bệnh cho một người ở Thường Châu mắc bệnh sốt rét suốt mười bốn năm. Suốt mười bốn năm không biết người ấy đã qua tay bao nhiêu thầy thuốc chữa trị! Toa cai thuốc phiện trị được bệnh khí thống nơi gan, nơi bao tử. Dẫu ai bị bệnh khí thống mấy chục năm cũng hễ trị liền lành. Do mắt Quang chẳng dám nhìn vào giấy trắng ngần để viết nên ghi vào đây.

Toa thuốc trị chó dại cắn có nhiều vị thuốc đắt tiền, các tiệm thuốc đều đem thuốc giả thay vào, đến nỗi gây nguy hiểm cho tánh mạng người khác. Còn phương thuốc này hết sức tiện lợi, nhưng trong ấy có Địa Ngao Trùng[6], nhà người bệnh phải niệm Phật siêu độ cho loài trùng ấy sanh về Tây Phương thì đôi bên đều được lợi ích. Quang già rồi, từ nay về sau đừng gởi thư tới nữa do không có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp.

***

[1] Sách Nhị Khóa Hiệp Giải do ngài Quán Nguyệt Hưng Từ biên soạn vào đầu thời Dân Quốc, nhằm giải thích ý nghĩa của hai thời công khóa sáng tối trong Thiền môn, chủ yếu dùng giáo nghĩa tông Thiên Thai để biện định, sách có những đồ biểu rất chi tiết nên rất hữu ích cho người sơ cơ dễ nhớ hiểu các thuật ngữ Phật học phức tạp. Ngài Hưng Từ quê ở huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang, tự là Quán Nguyệt, là một vị cao tăng trong tông Thiên Thai, tuy sùng phụng giáo nghĩa Thiên Thai nhưng đặc biệt hâm mộ Tịnh Độ, giáo hóa rộng khắp các nơi từ Thượng Hải đến Hàng Châu. Sư chuyên hoằng dương Giáo Quán, nhưng chuyên tu Tịnh nghiệp không lười nhác, nghiêm trì giới luật, sống hết sức đạm bạc, được tôn xưng là bậc tôn túc đệ nhất ở Thượng Hải. Sư soạn cuốn Nhị Khóa Hiệp Giải vào năm 1912. Sư còn soạn cuốn Kim Cang Kinh Dị Tri Sớ cũng được lưu hành rộng rãi.

[2] Nha đầu: đứa tớ gái. Vì thuở xưa những đứa tớ gái thường để tóc búi thành hai trái đào hai bên nên gọi là “nha đầu” hoặc “nha hoàn” (thường bị đọc trại thành “a hoàn”). “Nha” (丫) là vật gì có ngạnh xòe ra. Đôi khi, người ta cũng gọi những đứa con gái còn bé là “nha đầu”.

[3] Linh Hữu vốn là vườn nuôi thú của Châu Văn Vương. Tên gọi này được nhắc đến trong bài thơ Linh Đài, thiên Đại Nhã của Kinh Thi: “Vương tại Linh Hữu, ưu lộc du phục” (vua ở vườn Linh Hữu, hươu cái, hươu đực tung tăng vây quanh). Sách Mao Truyện giảng: “Hữu (囿) là nơi nuôi dưỡng các loài cầm thú, vườn của thiên tử rộng một trăm dặm, vườn của chư hầu rộng bốn mươi dặm”. Về sau, Linh Hữu thường được đồng nhất với Thượng Uyển của nhà vua. Thậm chí, Thượng Uyển trên cõi tiên cũng được gọi là Linh Hữu.

[4] Ý nói: Đạo tràng chỉ là nơi để tụ tập diễn thuyết về lợi ích của pháp môn Tịnh Độ, sách tấn nhau tu tập, cùng nhau niệm Phật để biết quy củ niệm Phật rồi sau đó mỗi người phải tự tu tập trong nhà của chính mình. Giống như ra chợ mua đồ dùng về sử dụng trong nhà, hành nhân đến đạo tràng thâu thập những lợi ích, những lời cảnh sách, pháp tắc tu tập để đem về thực hành trong nhà.

[5] Lao sái: Lao (癆) và Sái (瘵) là hai từ đồng nghĩa cùng để chỉ bệnh lao (Tuberclosis), nhưng thường được ghép chung với nhau thành một từ ngữ.

[6] Địa Ngao Trùng (Eupolyphaga Sinensis Walker) chính là một loại bọ hung.