Thư trả lời cư sĩ Niệm Phật

Hôm qua nhận được thư gởi đến, biết rõ từng điều. Gần đây tôi đã soạn lời giải thích xác đáng về “cách vật trí tri”, nay trình bày với ông. Giải rằng: “Cách trừ huyễn vọng tư dục vật, trí hiển trung dung bỉnh di tri” (Trừ khử vật huyễn vọng tư dục sẽ đạt đến sự hiểu biết rõ ràng đạo Trung Dung, vâng giữ luân thường). Chữ “Vật” (物) ở đây chính là những tư dục chẳng hợp với lẽ trời tình người trong tâm. Hễ có tư dục thì sở tri sở kiến đều lệch lạc chẳng chánh đáng. Nếu trừ khử được những tư dục huyễn vọng không thật ấy thì [sở tri sở kiến] sẽ chẳng lệch, chẳng khác, tức là chánh tri sẵn có trong bản tâm sẽ tự hiển hiện, nhất cử nhất động đều hợp tình hợp lý, trọn chẳng lệch lạc, tà vạy. Đấy chính là đại pháp để tu dưỡng chính mình, trị tâm do thánh nhân lập ra cho thiên hạ trong đời sau. Tu – tề – trị – bình ở tại đấy, mà siêu phàm nhập thánh cũng bởi đấy! Dụng công ở nơi đấy sẽ đỡ tốn sức nhất, tùy theo công phu sâu hay cạn của mỗi người mà lợi ích đạt được là thành hiền, thành thánh, thậm chí thành Phật đều do đây mà được, huống là những sự thấp kém hơn ư?

Tiếc cho những nhà Nho đời sau không suy xét, cứ hiểu “vật” là “sự vật”, hiểu “tri” là “tri thức”, tức là xem cội gốc của mọi cội gốc như cành nhánh của mọi cành nhánh, rồi lại tưởng cành nhánh của mọi cành nhánh là cội gốc của mọi cội gốc. Chẳng những không hiểu được ý thánh nhân, mà còn làm rối loạn văn của thánh nhân nữa! Vì sao nói thế? Do muốn ý được chân thành, trước hết phải hiểu thấu suốt, [đạt đến] mức hiểu thấu suốt là nhờ “cách vật” (trừ khử vật dục). Điều này hết sức đỡ tốn công, hết sức giản tiện, hễ nghĩ tới liền hiểu được cách; [thế mà lại] bỏ đi không nhắc tới, cứ dạy người ta thúc đẩy tri thức đến cùng cực, thấu hiểu cùng tận lý của mọi sự vật trong thiên hạ để mong thành ý chánh tâm thì khắp cả cõi đời cũng khó kiếm được người nào! Do Tống Nho hiểu lầm “vật” là “vật bên ngoài” nên sau này nhà Nho chỉ nói “chánh, thành” chứ chẳng nhắc đến “cách, trí”. Lý này cực sáng tỏ, rõ ràng, nhưng những kẻ tự xưng truyền thừa tâm pháp của thánh nhân lại hiểu sai đến nỗi đạo “sửa mình, trị tâm” do thánh nhân dạy cho con người bị lu mờ, úng tắc, không thể nào tỏa rạng được, chẳng đáng buồn ư?

Nếu chuyên chú trọng tự sửa đổi, đối trị chính mình thì một pháp Cách Vật (trừ khử vật dục) cũng đủ dùng; vì hễ khử được tư dục thì mọi điều ác đều trừ, mọi điều thiện đều sanh, nên nói là “đủ dùng”. Nếu muốn cho người trong khắp cõi đời đều bỏ được tư dục để hiển lộ chánh trí mà không đề xướng nhân quả báo ứng sẽ không thể được! Bởi lẽ, hễ ai muốn tự lợi sẽ chẳng rảnh đâu để xem xét coi [những gì mình làm] có lợi hay gây hại cho người khác. Nếu biết thiện ác nhân quả như bóng theo hình, như tiếng vang ứng theo âm thanh; âm thanh hòa hoãn thì tiếng vang dễ nghe, hình ngay ngắn thì bóng đoan chánh! Hiểu được điều này, chẳng mong [người khác] cách vật mà [họ sẽ] tự chịu cách vật.

Vì thế, Khổng Tử khen ngợi Châu Dịch, vừa mở đầu liền nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện điều vui có thừa, nhà tích điều bất thiện, tai ương có thừa). “Tích thiện, tích bất thiện” là nhân; “dư khánh, dư ương” là quả. Cơ Tử giảng giải thiên sách Hồng Phạm, cuối cùng mới nói: “Hưởng dụng ngũ phước, oai dụng lục cực” (Thuận theo thì được năm thứ phước, trái nghịch sẽ bị sáu điều xấu). Câu này quả thật nói rõ cái nhân trong đời trước, cái quả trong đời này. “Hưởng” (嚮) chính là thuận, “dụng” (用) là lấy, là được. Chữ “oai” (威) nên hiểu nghĩa là trái nghịch. “Cực” (極) là cùng quẫn, tai ách. [Vì vậy, câu “Hưởng dụng ngũ phước, oai dụng lục cực” nên hiểu là] do những hành vi trong đời trước trái nghịch chánh đạo, nên đến nỗi đời này hứng chịu những quả cùng quẫn, tai ách ấy.

Những nhà Nho đời sau chẳng xét đến văn lý, một mực quy [Lục Cực] về sự cai trị của nhà vua, thành ra trái nghịch thiên lý, vu báng sự cai trị của nhà vua. Trẻ nhỏ sanh trong nhà phú quý liền hưởng phước, sanh vào nhà nghèo hèn liền chịu khổ, há có phải là do sự cai trị của nhà vua khiến chúng nó phải sanh [vào những chỗ khác nhau] như vậy ư? Điều thứ tư trong Ngũ Phước là Du Hảo Đức (thường chuộng đức), chính là thói quen tu đạo tu đức trong đời trước. Điều thứ nhất là Thọ, điều thứ hai là Phú, điều thứ ba là Khang Ninh (khỏe mạnh, bình yên), điều thứ năm Khảo Mạng Chung (chết tốt lành) chính là quả báo được cảm vời do đời trước tu đạo tu đức. Điều thứ nhất trong Lục Cực là Hung Đoản Chiết (xui xẻo, chết yểu), điều thứ hai là Tật (bệnh tật), điều thứ ba là Ưu (lo lắng), điều thứ tư là Bần (nghèo), điều thứ năm là Ác (diện mạo xấu xí gọi là Ác), điều thứ sáu là Nhược (thân yếu đuối gọi là Nhược) chính là quả báo do đời trước làm nhiều chuyện chẳng hợp đạo nghĩa! Há có nên quy hết vào sự cai trị của nhà vua ư?